Hồi ức tiến vào Dinh Độc Lập – Bản hùng ca của những ngày cuối cùng chiến dịch

Năm mươi mùa xuân đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày cuối tháng Tư lịch sử năm 1975 vẫn rực sáng như mới hôm qua trong tâm trí tôi – một người lính của Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 219 Công binh, Quân đoàn II.

Ngày 26 tháng 4 năm ấy, từ cánh rừng cao su giáp Long Thành – Bà Rịa, chúng tôi nhận mệnh lệnh xuất quân, lên những chiếc xe Giải phóng và xe tăng, phối hợp cùng Lữ đoàn 203 và Sư đoàn 304 – tiến thẳng về hướng Sài Gòn trong trận đánh quyết định.

Sau ba ngày chiến đấu dũng mãnh, vượt qua Chi khu Long Thành, căn cứ Nước Trong, trường Thiết giáp, chiều 29 tháng 4, đội hình chúng tôi áp sát Ngã Ba Vũng Tàu. Giữa cỏ lau bạt ngàn, bất chợt một người lính lưng trần chĩa thẳng khẩu B40 vào xe chúng tôi, gầm vang: "Hồ Chí Minh!". Chúng tôi lập tức đáp lại: "Muôn năm!". Nghe đúng mật khẩu, những người lính Đặc công lặng lẽ buông súng, nở nụ cười hiền hậu, và kể rằng: "Chúng tôi chốt giữ cầu Đồng Nai, tưởng xe tăng địch tháo chạy, nếu các anh không trả lời kịp thì đã... toi rồi!"

x-17-orcs-1745984932.jpg
 

Đêm ấy, dưới mưa pháo dày đặc, mảnh đạn vun vút xé gió trên đầu, tôi chỉ kịp thầm nghĩ: "Nếu trúng thì chết, không thì thôi!". May mắn, chúng tôi tìm được chỗ trú an toàn bên một con suối cạn. Riêng đồng đội tôi – anh Lệ quê Hà Tĩnh – bị kẹp chân dưới bánh xe Giải phóng do sức ép pháo kích. Khi chúng tôi cứu được anh ra, đôi bàn chân anh đã toạc máu.

Sáng 30 tháng 4, khi ánh bình minh vừa rạng, chúng tôi đeo băng đỏ nơi tay trái, xung phong chiếm cầu Đồng Nai với một mệnh lệnh ngắn gọn mà cháy bỏng: "Xe hỏng đánh bật, thương binh tử sĩ để tuyến sau lo, ai còn sống thì tiến!"

Trận đánh cầu Đồng Nai ác liệt ngoài sức tưởng tượng. Chiếc xe tăng dẫn đầu bị bắn cháy, đồng đội tôi – Anh Đưởng (quê Nam Hà) – tưởng chừng đã hy sinh

trong ngọn lửa thuốc súng. Nhưng thật kỳ diệu, cuối năm ấy, anh lò dò trở về đơn vị trong niềm hân hoan vỡ òa!

Mặc cho đạn pháo địch dội tới tấp, chúng tôi lao lên. Một xe tăng mắc kẹt trên dải phân cách "con lươn", anh em dưới làn đạn quần quật đặt bộc phá, cho nổ tung "con lươn" giải thoát xe, mở toang đường tiến.

Qua được cầu Đồng Nai, chúng tôi truy kích đoàn xe pháo địch tháo chạy về hướng Sài Gòn. Súng 12 ly 7 trên xe tăng và súng bộ binh của ta quét tới tấp. Địch bỏ cả xe, quân phục, tháo chạy trong hỗn loạn.

Đến cầu Sài Gòn, chúng tôi lại gặp phải sức kháng cự cuối cùng. Những đồng đội yêu quý của tôi – em Trang (quê Hải Phòng) và anh Hải (quê Nam Hà) – đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại bên căn chòi lá ven đường. Những người lính trẻ, những số phận mồ côi, những giấc mơ chưa kịp trọn...

Khoảng sau 9 giờ sáng, khi nghe tiếng tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trên đài phát thanh, quân địch tan rã, cởi bỏ quân phục, lủi chạy như những chiếc bóng thất thểu.

Xe chúng tôi tiến nhanh qua cầu, được một anh thanh niên mặc thường phục ra hiệu dẫn đường vào Dinh Độc Lập – anh tự giới thiệu là biệt động thành quê Thái Bình.

Dinh Độc Lập – biểu tượng quyền lực của chế độ Sài Gòn – đã sụp đổ! Những thước phim lịch sử ghi lại cảnh xe tăng 843 húc đổ cổng Dinh hôm ấy đã trở thành bất tử.

Còn tôi – chỉ là một người lính thầm lặng – xin ghi lại những mảnh ký ức nhỏ nhoi của riêng mình:

Trước khi chia tay, tôi đưa cho anh dẫn đường thanh lương khô cuối cùng – loại 702 cao cấp – như một lời tri ân.
Trong sân cỏ Dinh, tôi gặp đám đông phóng viên quốc tế râu tóc rậm rạp, máy ảnh, máy quay đeo lỉnh kỉnh. Tôi chỉ cho họ vết xích xe tăng còn hằn trên thảm cỏ xanh, và họ lia máy ghi lại từng khoảnh khắc.

Bước chân vào đại sảnh Dinh, ánh đèn chùm sáng rực. Tôi nép mình, không nỡ giẫm đôi dép cao su lấm bùn lên tấm thảm đỏ tinh tươm. Nội các Dương Văn Minh, trong những bộ complet, cà vạt chỉn chu, ngồi lặng lẽ chờ định mệnh.

Khoảng 12 giờ, tiếng pháo nổ dội vang ngoài cổng Dinh. Tin đồn "địch phản công" lan truyền, chúng tôi lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Hóa ra, đó là

Quân đoàn 4 – đơn vị cũng tiến công theo hướng Quốc lộ 1 – đến sau Quân đoàn II chúng tôi.

13 giờ trưa, một chiếc xe Jeep phóng quanh sân Dinh, loa vang vọng: "Đồng chí nào quê miền Bắc viết thư, chúng tôi chuyển ra Hà Nội ngay!"
Không giấy, tôi xé mảnh bọc bộc phá, nắn nót viết đôi dòng:

2424429-20082023213138-1745985272.jpg
 

Mặt trận thắng đến đâu
Con vào sâu đến đó
Dẫu chân đạp trăm đường
Con nhìn quê vẫn rõ...

Đời con chắc chỉ một lần
Trèo Dinh Độc Lập mát bàn chân
Dẫu có mai về chân xuống ruộng
Khi nước thanh bình ta vẫn Xuân!

Mảnh thư không phong bì, không tem, vậy mà đến tay mẹ tôi ở quê nhà Nghệ An – kỳ diệu thay!

Chiều 30 tháng 4, chúng tôi chẻ củi, nhóm bếp nấu cơm ngay giữa sân cỏ Dinh Độc Lập. Bữa cơm dã chiến ấy – giữa lòng Sài Gòn vừa giải phóng – ngon như chưa từng có trong đời!

Đêm đầu tiên tự do, chúng tôi ngủ trong căn nhà bên cổng Dinh. Ngày 1 tháng 5, khi rút quân về căn cứ Long Bình, đường phố đã ngập tràn cờ hoa, tiếng hò reo, nước mắt và nụ cười.

Năm mươi năm đã qua. Đồng đội xưa người còn, người mất. Tôi ngồi đây – trong những ngày tháng Tư lịch sử, viết lại mấy dòng hồi tưởng này, như thắp một nén hương lòng tưởng nhớ anh em đã hy sinh, và gửi lời mừng đến những đồng đội đang còn sống đâu đó trên mảnh đất quê hương hôm nay.

Xin nguyện khắc ghi mãi mãi – ký ức hào hùng của một thời tuổi trẻ, một thời làm nên lịch sử!

Nguyễn Thái An