Bảo vệ sản xuất trong nước

  • www.doanhtri.net
  • 08-05-2023
  • 418 lượt xem
Tình hình chung không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam là sản xuất hầu hết các mặt hàng cung vượt cầu, tiêu thụ khó khăn. Tại nhiều thị trường, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước dưới nhiều hình thức tinh vi đang nở rộ, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
 
Để bán được hàng ra nước ngoài, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam đang phải thích ứng, vượt qua rất nhiều rào chắn bảo vệ sản xuất trong nước như: hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại (thuế quan, phòng vệ thương mại…) tại nhiều nước trên thế giới.
 
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, thị trường trong nước có vẻ đang mở cửa thái quá cho hàng ngoại, thực chất là các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực lớn, tận dụng ưu đãi để kiếm lời, vô hình trung gây khó khăn, bất lợi cho DN sản xuất trong nước.
 
Mới đây nhất, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã gửi đơn kêu cứu khi điều nhân từ châu Phi được một nhóm các DN FDI nhập khẩu về với số lượng gia tăng chóng mặt. Trong đơn kêu cứu, Vinacas chỉ ra thực tế ngành điều hơn 75% nguyên liệu nhập khẩu. Châu Phi là vùng nguyên liệu chính của Việt Nam nhưng nay đã thu hút đầu tư chế biến bằng cách đánh thuế xuất khẩu điều nguyên liệu (điều thô), miễn thuế xuất khẩu điều chế biến (điều nhân). Trong khi đó, Việt Nam miễn thuế nhập khẩu cả điều thô lẫn điều nhân.
 
Việt Nam chi 1 tỉ USD để nhập khẩu hạt điều từ Campuchia
 
Ở giai đoạn đầu phát triển, kỹ thuật và công nghệ chế biến của châu Phi chưa bằng Việt Nam nên phải đưa hàng về Việt Nam gia công tiếp trước khi xuất khẩu. Nghịch lý ở chỗ, các DN Việt Nam đầu tư từ 100-500 tỉ đồng xây nhà máy chế biến hoàn chỉnh để chế biến từ điều thô đến thành phẩm đang phải mua điều thô giá cao (do có thuế xuất khẩu), chi phí vận chuyển lớn (gấp 4-5 lần vì 4-5 container điều thô mới ra 1 container điều nhân). Còn nếu chuyển sang nhập khẩu điều nhân, DN chỉ sử dụng 20% công suất nhà máy ở các công đoạn cuối, dẫn đến lãng phí máy móc và áp lực sa thải công nhân.
 
Một vấn đề khác là với trình độ chế biến còn ở mức thấp, chất lượng điều nhân của châu Phi có thể ảnh hưởng thương hiệu điều Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới. Bởi lẽ, với mặt hàng điều, chất lượng không chỉ từ nguyên liệu, máy móc thiết bị mà tay nghề công nhân đóng vai trò rất quan trọng.
 
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chỉ ra một kinh nghiệm từ Ấn Độ - một cường quốc sản xuất và xuất khẩu hạt điều: Trước đây, khi ngành điều Việt Nam mạnh lên đã xuất khẩu được sang nước này. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, Ấn Độ áp thuế nhập khẩu 25% điều nhân, kết quả là không còn container điều Việt Nam nào xuất khẩu sang nước này.
 
Do đó, Vinacas kiến nghị cơ quan chức năng đàm phán để các nước châu Phi giảm thuế xuất khẩu điều thô nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng giữa 2 dòng hàng điều thô và điều nhân xuất khẩu. Nếu các nước này không đồng ý, Việt Nam có thể chủ động áp thuế nhập khẩu điều nhân ở mức 25% như Ấn Độ đã thực hiện với ta.
 
Nhìn rộng ra những ngành hàng khác, vừa qua, "vua mía đường" Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công - cũng đã kiến nghị Chính phủ bảo vệ sản xuất trong nước bằng cách dừng nhập khẩu mía đường dạng tinh, chỉ nhập dạng thô để chế biến sâu, gia tăng giá trị, giữ việc làm cho lao động…
 
An Na      https://nld.com.vn

Xem thêm Doanh nghiệp