Bàn tay robot biết dùng nhíp và cầm trứng
00:00 20/12/2021
Bàn tay robot trang bị các động cơ và cảm biến ở mỗi ngón tay, mang lại sức mạnh lớn và khả năng cử động linh hoạt. Chuyên gia Uikyum Kim tại Đại học Ajou cùng các đồng nghiệp chế tạo bàn tay robot giống tay người với các đầu ngón tay gắn cảm biến chạm, New Scientist hôm 14/12 đưa tin. Thiết bị mới đủ mạnh để bóp nát lon nước bằng nhôm, đồng thời cũng đủ khéo léo để cầm một quả trứng.
Bàn tay robot trong thử nghiệm bóp lon nước và cầm trứng. Ảnh: Uikyum Kim
HÀN QUỐC Bàn tay robot trang bị các động cơ và cảm biến ở mỗi ngón tay, mang lại sức mạnh lớn và khả năng cử động linh hoạt.
Chuyên gia Uikyum Kim tại Đại học Ajou cùng các đồng nghiệp chế tạo bàn tay robot giống tay người với các đầu ngón tay gắn cảm biến chạm, New Scientist hôm 14/12 đưa tin. Thiết bị mới đủ mạnh để bóp nát lon nước bằng nhôm, đồng thời cũng đủ khéo léo để cầm một quả trứng.
Bàn tay robot làm bằng thép và nhôm, nặng 1,1 kg và dài 22 cm. Mỗi ngón tay hoạt động nhờ ba động cơ nhỏ đặt gọn trong lòng bàn tay. Động cơ dịch chuyển các bộ phận kim loại giống như gân xung quanh tổng cộng 20 khớp nối. Điều này cho phép các ngón có thể nghiêng sang bên cạnh, nghiêng về phía trước hoặc sau và gập lại, giúp bàn tay robot thực hiện được một loạt chuyển động tương tự tay người.
Khi kiểm tra khả năng sử dụng công cụ của thiết bị mới, nhóm nghiên cứu nhận thấy nó có thể được lập trình để cầm kéo cắt giấy, thậm chí dùng nhíp để gắp một con chip siêu nhỏ đặt lên bảng mạch.
So với những bàn tay robot hiện nay, đế của thiết bị mới có thể dễ dàng gắn vào các cánh tay robot thương mại hơn. "Điểm mạnh lớn nhất của bàn tay robot này là dễ lắp ráp với những cánh tay robot sẵn có, đồng thời mang lại khả năng cầm nắm chắc chắn và tinh tế", Kim cho biết.
Kim cùng đồng nghiệp cũng kiểm tra độ bền của bàn tay robot bằng cách lập trình một ngón tay ấn xuống một cảm biến liên tục trong 30 phút. Họ nhận thấy lực tác động của ngón tay gần như không yếu đi suốt khoảng thời gian này.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu dùng bàn tay để nhặt những quả tạ nặng 18 kg. Thiết bị mới hoàn thành thử thách mà không bị gãy. Trong một thử nghiệm khác, các nhà khoa học lập trình cho một ngón tay uốn cong, gập lại rồi ấn xuống một cảm biến mỗi giây, lặp đi lặp lại trong 11 phút. Ngón tay thực hiện nhiệm vụ mà không chậm đi hay mất lực.
Bàn tay có thể trở thành một bộ phận của những robot thông minh với khả năng cảm nhận và sử dụng đồ vật, trong khi một phiên bản nhẹ hơn có thể dùng làm bộ phận giả cho người. Tuy nhiên, nguyên mẫu hiện nay vẫn thiếu sự mềm mại so với tay người. Vì vậy, nhóm nghiên cứu mong muốn phát triển một loại da nhân tạo mềm dẻo để khắc phục vấn đề này trong tương lai.
Thu Thảo (Theo New Scientist) vnexpress.net