Vào ba ngày Tết, người Nhật có phong tục viếng thăm, đi lễ chùa hoặc đền thờ Thần đạo đầu năm; khai bút đầu năm; lì xì cho trẻ em…
Sự xuất hiện hình ảnh ngày Tết, lễ đón mừng năm mới trong các sáng tác văn chương là điều không khó nhận thấy ở nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Thông qua những tác phẩm văn học nghệ thuật này, những nét đặc trưng văn hóa, phong tục ngày Tết của người Nhật sẽ được lưu truyền theo năm tháng và giới thiệu đến nhiều độc giả nước ngoài khi được chuyển ngữ. Những đặc sắc trong văn hóa, phong tục truyền thống ngày Tết năm mới ở Nhật Bản cùng sự xuất hiện những hình ảnh đó trong một số tác phẩm văn học Nhật Bản từ cổ chí kim, từ kinh điển đến sáng tác mang tính đại chúng gần đây sẽ được giới thiệu trong bài viết này, như một chuyến hành trình khám phá văn hóa thế giới, văn hóa nước bạn nhân dịp đầu xuân năm mới.
Theo dòng lịch sử, kể từ sau cuộc Duy tân Minh Trị, Nhật Bản đã chuyển sang tổ chức đón Tết mừng năm mới vào ngày 1/1 dương lịch thay vì âm lịch trước đó như các nước đồng văn khác. Tuy có sự thay đổi về mặt thời gian như vậy nhưng những phong tục truyền thống dịp Tết vẫn được người Nhật gìn giữ và duy trì đến tận ngày nay. Theo quan niệm chuẩn bị để đón “Thần năm mới” (Toshigami - vị thần bảo vệ mùa màng và tượng trưng cho sức khỏe, hạnh phúc, sự đủ đầy), trước khi chính thức bước sang năm mới, người Nhật sẽ tiến hành dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa với cành thông đặt trước cửa/cổng. Để cầu may mắn, bình an, các gia đình Nhật Bản còn có phong tục đặt trong bếp vòng bện dây thừng và hoa, treo trước cửa dây bện rơm linh thiêng cùng các dải giấy.
Về ẩm thực, người Nhật có nhiều món ăn đặc trưng trong dịp Tết như mì trường thọ ăn vào đêm giao thừa. Dâng thần và hạ cỗ thụ lộc tháp bánh dày hai tầng khi ngày Tết đã qua; mâm cỗ Tết được chuẩn bị trước với nhiều món như cơm khô, chả cá, tôm, đậu đen… đựng trong hộp gỗ nhiều tầng để ăn trong các ngày Tết. Vào ngày đầu năm mới, người Nhật sẽ thưởng thức canh bánh dày được chế biến khác nhau tùy khu vực.
Vào ba ngày Tết, người Nhật có phong tục viếng thăm, đi lễ chùa hoặc đền thờ Thần đạo đầu năm; khai bút đầu năm; lì xì cho trẻ em… Ngoài ra, người dân Nhật Bản còn chuẩn bị những tấm bưu thiếp mừng năm mới thật đẹp với những lời chúc, lời thăm hỏi gửi tặng bạn bè, người thân để thể hiện và duy trì mối quan hệ thân thiết tốt đẹp. Những lễ hội, trò chơi truyền thống khác trong dịp đầu năm mới cũng là nơi để mọi người giao lưu, củng cố tình cảm gắn bó với nhau, khoảng thời gian hiếm hoi mà tất cả có thể gặp gỡ, quây quần sau những tháng ngày bận rộn trong năm.
Những nét đặc trưng, phong tục được khái quát ở trên đã tạo ra một hình dung về khung cảnh truyền thống, không gian văn hóa ngày Tết đón năm mới tại Nhật Bản. Và văn chương đã mang những nét đặc trưng, phong tục đó vào tác phẩm, tạo nên những tác phẩm văn học Nhật Bản đậm chất “Nhật Bản”, giúp độc giả trong và ngoài nước Nhật được tiếp cận với không gian đậm tính truyền thống lâu đời của xứ sở Phù Tang. Những hình ảnh về tết xuất hiện trong các tác phẩm thuộc nhiều thể loại và thời kỳ sáng tác khác nhau. Trong bài viết Khai bút năm mới Nhật Bản với thơ haiku, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Quỳnh Như đã tìm hiểu và nhận diện nhiều hình ảnh đặc trưng cho ngày Tết của Nhật Bản xuất hiện trong các bài thơ haiku từ cổ chí kim và trở thành những quý ngữ đại diện ngày Tết năm mới, mùa xuân. Chẳng hạn, hoạt động dọn dẹp và trang trí cành thông trước cửa/cổng đã xuất hiện trong hai bài thơ của thi sĩ Matsuo Basho nổi tiếng thời Edo, một bậc thầy thơ haiku hàng đầu.
- Rày đây mai đó/ vướng bận chi/ việc dọn dẹp
- Nơi cổng chào/ thử nghĩ một đêm/ đã là 30 năm
(Nguyễn Vũ Quỳnh Như dịch)
Sự hiện diện hai hình ảnh này trong hai bài thơ đã tạo nên bối cảnh ngày Tết, thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới, từ đó gợi lên những ý nghĩa. Ở bài thơ thứ nhất, phong tục dọn dẹp trước Tết biểu trưng cho đời sống, nhân sinh của mọi con người bình thường, làm nổi bật sự đối lập với chủ thể đang sống “rày đây mai đó” không còn vướng bận thế sự ở đời cho dù đó là dịp lễ tết quan trọng nhất trong năm. Đến bài thơ thứ hai, cành thông trang trí nơi cổng chào lại gợi nhắc về thời gian, báo hiệu một năm mới đã đến khiến chủ thể nhận ra 30 năm đã trôi qua nhanh như một đêm mơ. Tới thời kỳ hiện đại, nhiều phong tục truyền thống tiếp tục trở thành những quý ngữ của năm mới, ngày Tết trong các sáng tác thơ haiku như trường hợp của Masaoka Shiki.
Tiền lì xì/ cho một nét chữ/ khai bút đầu năm
(Nguyễn Vũ Quỳnh Như dịch)
Trong bài thơ này, chúng ta thấy xuất hiện hai phong tục truyền thống ngày đầu năm mới của người Nhật là lì xì và khai bút đầu năm. Những hình ảnh này khiến cho bầu không khí ngày Tết bao trùm toàn bộ bài thơ và người đọc có thể cảm nhận được luồng sinh khí mới, niềm hứng khởi những ngày đầu năm và mong cầu điều tốt lành trong năm mới qua việc lì xì cho trẻ nhỏ và khai bút đầu năm của con người. Ngoài các sáng tác trên, còn rất nhiều tác phẩm thơ haiku khác ra đời từ thời Edo đến hiện đại chứa đựng hình ảnh các phong tục, nét đặc trưng truyền thống ngày Tết năm mới của Nhật Bản (đi lễ chùa đầu năm, các món ăn dịp Tết…), qua đó có thể thấy được một nền văn hóa phong phú từ lâu đời của xứ sở hoa anh đào được tái hiện và lưu truyền dài lâu thông qua dòng chảy văn học.
Không chỉ trong thơ ca, những hình ảnh đặc trưng ngày Tết của Nhật Bản còn xuất hiện trong các tác phẩm văn xuôi, tiểu thuyết. Trong sáng tác kinh điển Tôi là con mèo của nhà văn nổi tiếng Natsume Soseki, không gian ngày Tết, những ngày đầu năm mới đã được khắc họa bằng nhiều chi tiết. Đó là sự xuất hiện tấm bưu thiếp của ông bạn họa sĩ và người học trò gửi tặng ông giáo; là món canh bánh dày ông giáo ăn vào bữa sáng ngày đầu năm và những chi tiết ghé thăm chúc mừng năm mới của cả con người lẫn loài mèo; những món đồ mới, trang phục truyền thống tươm tất… Và đặc biệt mốc thời gian “ngày mồng một Tết” được đề cập tại đầu chương 2 đã ngay lập tức định hình không gian ngày Tết cho chương tiểu thuyết này. Thế nhưng, qua cách trang trí, minh họa trong tấm thiệp năm mới được miêu tả, những ngôn từ kết hợp kỳ lạ trong thư và hội thoại giữa các nhân vật cùng mốc thời gian được nhắc đến (“năm nay là năm thứ hai cuộc chinh phạt nước Nga” - chiến tranh Nga - Nhật trong lịch sử) đã thể hiện bối cảnh nước Nhật trong giai đoạn giao thời, có sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây sau cuộc Duy tân Minh Trị. Đây là bối cảnh sáng tác của tác phẩm và cũng là thời đại mà chính tác giả đã trải qua. Từ đó, độc giả có thể cảm nhận được trong không gian đặc trưng ngày Tết của người Nhật đã có sự len lỏi của văn hóa phương Tây, vừa tưng bừng phấn khởi, vừa phảng phất nỗi buồn.
Đến hai tiểu thuyết đương đại là Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya (Higashino Keigo) và Thợ bánh samurai (Araki Gen), không gian ngày Tết vẫn tiếp tục hiện diện với những hình ảnh đặc trưng truyền thống văn hóa Nhật Bản, dù bối cảnh cuộc sống con người trong tác phẩm đã hiện đại hóa hoàn toàn. Ở tác phẩm Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya, không gian ngày Tết được xuất hiện một thoáng qua các chi tiết nhân vật Harumi về thăm nhà dịp Tết, cùng chị gái đi lễ đầu năm ở một ngôi đền gần nhà và có nhắc tới lễ hội sumo truyền thống đầu năm mới. Còn trong Thợ bánh samurai, nhân vật chính Hiroko cùng con trai đã trở về quê nhà vào kỳ nghỉ Tết và cả gia đình ba thế hệ đã cùng nhau làm món bánh dày (mochi) tráng mỏng vốn là “đặc sản truyền thống dịp năm mới của vùng này”. Cả hai tác phẩm đều khắc họa cuộc sống thường nhật của người Nhật đương đại, vì vậy, những hình ảnh ngày Tết đó đã tạo ra một không gian bình dị đầm ấm, vui vẻ, tràn đầy hi vọng khởi đầu năm mới; đồng thời nhấn mạnh sự hiện tồn của văn hóa truyền thống trong xã hội Nhật Bản ngày nay.
Ngoài ba sáng tác trên, còn nhiều tác phẩm văn xuôi khác và không chỉ trong văn học, các sáng tác thuộc lĩnh vực nghệ thuật khác như điện ảnh cũng đan cài những hình ảnh nổi bật trong văn hóa đón Tết của người Nhật, từ đó góp phần lưu giữ và quảng bá văn hóa đất nước mình ra thế giới. Mặc dù không phải bối cảnh chính trong các tác phẩm được đề cập ở trên nhưng không gian ngày Tết truyền thống của đất nước Nhật Bản đã xuất hiện và để lại ấn tượng cho độc giả bằng những hình ảnh đặc trưng nhất. Đặc biệt hơn, trải qua thời gian cùng những biến động lịch sử - xã hội, quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây mạnh mẽ tại Nhật Bản đã khiến phong tục đón năm mới ở đây có sự biến đổi ít nhiều. Vậy nhưng qua hình ảnh ngày Tết trong các sáng tác thuộc nhiều thời kỳ khác nhau được giới thiệu trong bài viết, có thể thấy rằng người Nhật vẫn gìn giữ được những nét đặc trưng riêng, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc phù hợp với thời đại cho đến nay.
![]() |
Tranh minh họa trên Internet |