THÚY KIỀU VÀ HOẠN THƯ
Thơ: Nguyễn Du Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)

  • www.doanhtri.net
  • 01-09-2019
  • 3737 lượt xem

Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
Con quan lại bộ tên là Hoạn Thư.

Quan lại bộ tương đương bộ trưởng ngày nay nên Hoạn Thư oai ghê lắm, tính cách lại rất giống với nàng Phượng Thư của Hồng Lâu Mộng:

Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.

Nghe tin chồng là Thúc Sinh có vợ bé:

Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người thì lắm, tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc, ra lòng trăng hoa.

Ngày nay, người ta hay ví người phụ nữ cuồng ghen là có máu Hoạn Thư nhưng thực ra cô tiểu thư họ Hoạn này ghen tỉnh táo hơn ai hết:

Ví bằng thú thực cùng ta,
Có dung kẻ dưới mới là người trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình.
Lại còn bưng bít dấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!

Với một cô vợ luôn coi chồng như "trẻ ranh", đố anh chồng nào dám thú thực nên:

Tưởng rằng cách mặt khuất lời,
Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho.
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu...

Và nàng "nỗi lòng kín chẳng ai hay", đến mức:

Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.

Thậm chí:

Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin, ý cũng liệu bài tâng công.
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
"Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi.
Chồng tao nào phải như ai,
Điều này hẳn miệng những người thị phi... "
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng,
Nào ai còn dám nói năng một lời.

Quả thật Hoạn Thư có thể làm bất cứ việc gì, từ đốt nhà đến bắt cóc rồì tra tấn Thúy Kiều:

Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên.
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người tham ván bán thuyền biết tay...

Vậy nên Thúy Kiều lúc là "Từ phu nhân báo ân - báo oán" đã nói riêng với Thúc Sinh ngay tại "tòa":

Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau!

Khiến chàng "Bill Clinton "họ Thúc một phen" mặt như chàm đổ, mình giường dẽ giun" (loại chim dẽ giun lúc nào cũng có vẻ run lẩy bẩy đến nực cười):

Dưới cờ gươm tuốt nắp ra,
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.
Thoắt trông, Kiều đã chào thưa:
"Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan?
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều!"

Thế nhưng khi:

Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng lựa điều kêu ca.
Rằng: "Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình...
... Lòng riêng, riêng cũng kính yêu,
Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai?
Trót lòng gây chuyện chông gai,
Còn nhờ lượng cả thương bài nào chăng... "

Thì Thúy Kiều đã phải buột miệng:

"Khen cho thật đã nên rằng,
Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời."

Và tự nghĩ:

"Tha ra thì nó may đời,
Bằng không, mình hóa ra người nhỏ nhen?"

Cuối cùng, Kiều quyết định:

"Đã lòng tri quá thì nên…"
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay!

"Tri quá" là "biết lỗi", ý nói "bị cáo" biết lỗi rồi thì thôi chứ tự nhiên truyền lệnh tha cũng kì.

Thực ra kẻ có lỗi trong "chuyện ba người" này không ai khác, chính là:

 

 

 

Thúc Sinh trông mặt bấy giờ,
Mồ hôi chàng đã như mưa ướt dầm.
Lòng riêng mừng, sợ khôn cầm,
Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai...

Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)

 

Xem thêm Văn Nghệ