MƯA RÀO MÙA ĐÔNG
Thơ tự do: Nho Đoàn Chuyển thể "hát nói": Nguyễn Đình Đại

  • www.doanhtri.net
  • 27-08-2019
  • 1072 lượt xem

Mưa rào giữa đêm đông giá buốt,
Khiến cho ta thức suốt canh tràng.
Mưa rất to và sấm cũng rền vang,
Người đã khổ, trời đành "ban" nghịch cảnh.

Than trời chẳng để mưa hờn bớt,
Trách đất sao cho lũ xói mòn.
Gia cầm nuôi chết cả mấy ngàn con,
Nơi sơn cước trẻ còn không áo ấm.

Ruộng lúa nương rau công bao người chăm bẵm,
Đợt lạnh về mấy bận hóa thành không.
Tết còn chi để ngóng trông?

Lời bàn

Hát nói là một thể phối hợp thơ và nhạc rất thịnh hành vào thế kỷ XIX, còn được gọi là "hát ả đào" hay "hát cô đầu".

Nó có vẻ như một biến thể của thơ song thất lục bát với số chữ trong câu được "tự do" hơn.

Trên là một bài hát nói "đủ khổ" tức có đủ 3 khổ và gồm 11 câu (không kể các cặp câu lục bát có thể xuất hiện ở đầu bài hay trước câu chót được gọi là "mưỡu").

Khổ đầu có 4 câu gồm 2 câu "lá đầu" và 2 câu "xuyên thưa" (ba phách được giữ khoan thai vào đầu câu thứ tư) tả nguyên nhân khiến Tác giả (một vị thượng tá đã về hưu) phải canh khuya thao thức:

Mưa rào giữa đêm đông giá buốt,
Khiến cho ta thức suốt canh tràng.
Mưa rất to và sấm cũng rền vang,
Người đã khổ, trời đành "ban" nghịch cảnh.

Khổ giữa gồm 4 câu trong đó có một cặp câu đối (ngũ ngôn hoặc thất ngôn) được gọi là "thơ":

Than trời chẳng để mưa hờn bớt,
Trách đất sao cho lũ xói mòn.

Và hai câu "xuyên mau" (ba phách được đánh gấp vào đầu câu thứ tám):

Gia cầm nuôi chết cả mấy ngàn con,
Nơi sơn cước trẻ còn không áo ấm.

Ông thao thức vì quen nghĩ đến những người nông dân nghèo khổ sống quanh vùng, họ sẽ ra sao khi phải hứng chịu thêm nghịch cảnh?

Khổ xếp gồm 3 câu (câu dồn, câu xếp và câu keo trong đó câu keo luôn là câu 6 chữ) tả nỗi xót xa và cũng là nỗi lo ghê gớm của Tác giả khi ngày tết cổ truyền sắp đến:

Ruộng lúa nương rau công bao người chăm bẵm,
Đợt lạnh về mấy bận hóa thành không.
Tết còn chi để ngóng trông?

Nguyễn Đình Đại

 

Xem thêm Văn Nghệ