Vấn đề giới hạn trách nhiệm bồi thường của người vận chuyển trong vận tải hàng hóa đường biển

  • www.doanhtri.net
  • 20-09-2024
  • 407 lượt xem
Trong quá vận chuyển hàng hóa thương mại, giả sử có tổn thất xảy ra do bên vận chuyển, và bên vận chuyển phải bồi thường, thì theo quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam cũng như các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trách nhiệm bồi thường của người vận chuyển không phải là vô hạn. Thay vào đó, trách nhiệm này thường được điều chỉnh bởi các điều khoản hợp đồng vận chuyển và những quy định pháp lý liên quan nhằm đảm bảo sự cân bằng về quyền lợi giữa các bên, đồng thời tránh việc người vận chuyển phải chịu thiệt hại vượt mức hợp lý. Nguồn luật sử dụng tham khảo là Các công ước quốc tế có liên quan và Bộ luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 hiện hành.
 
Trong vụ việc 42 chiếc ô tô bị rơi xuống biển, chủ lô hàng đã khởi kiện đơn vị vận chuyển, yêu cầu bồi thường số tiền hơn 38 tỉ đồng (Nguồn: Báo Thanh Niên – link dưới cuối bài). Bài viết đề cập khá nhiều nội dung của vụ việc cần tranh luận, kể cả nguy cơ ô nhiễm môi trường nước khi xảy ra sự việc. Vụ việc xảy ra đã nêu bật một vấn đề pháp lý quan trọng có liên quan là giới hạn trách nhiệm bồi thường của người vận chuyển.
 
Công ước quốc tế về giới hạn trách nhiệm
 
Ngày nay, hầu hết các lô hàng sẽ được bảo hiểm theo quy tắc Hague-Visby (bản sửa đổi năm 1968 của quy tắc cũ), quy tắc Hamburg (1978) hoặc quy tắc Rotterdam được ký kết vào năm 2009, tùy theo quốc gia áp dụng. Các Công ước trên có quy định cụ thể về giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển đối với mất mát hoặc thiệt hại về hàng hóa. Theo đó, trừ khi người gửi hàng đã kê khai giá trị của hàng hóa đó trước khi xếp hàng lên tàu và giá trị của hàng được ghi rõ trên vận đơn, trong bất kỳ trường hợp nào người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm về tổn thất, mất mát của hàng hóa vượt quá số tiền được quy định trong nội dung giới hạn trách nhiệm bồi thường của người vận chuyển. Cụ thể như sau: 
 
Quy tắc Hague-Visby (Hague - Visby Rules), được sửa đổi bởi Nghị định thư SDR 1979 (SDR Protocol) – tại Điều 2 Nghị định thư quy định người vận chuyển có thể giới hạn trách nhiệm bồi thường không vượt quá 666,67 Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights – SDRs) cho mỗi kiện hàng hoặc 2 SDRs cho mỗi kilogram trọng lượng hàng hóa, tùy theo mức nào cao hơn. Giá tri quy đổi SDRs do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thiết lập. Vào thời điểm tháng 9/2024, 1 SDR tương đương 1,4 USD
 
Quy tắc Hamburg 1978 (Hamburg Rules), quy định tại Điều 6 và Điều 26: Mức giới hạn trách nhiệm tương đương với 835 SDRs cho một kiện hàng hóa hoặc đơn vị vận tải, hoặc 2.5 SDRs cho mỗi kg hàng hóa hư hỏng, tổn thất, tùy mức nào cao hơn.
 
Công ước Rotterdam 2009 (Rotterdam Rules), tại điều 59 quy định: Giới hạn trách nhiệm của người chuyên chở không cao hơn 875 SDRs/kiện-đơn vị và 3 SDRs/kg. Theo tính toán, so với Quy tắc Hague-Visby, mức giới hạn trách nhiệm mới đã tăng 31,25% tương ứng với một kiện/đơn vị hàng hóa và tăng 50% đối với một kilogram
 
Quy định theo pháp luật Việt Nam (Điều 152 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015)
 
Theo Điều 152 Bộ luật Hàng hải Việt Nam hiện hành, giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp hàng hóa bị mất mát, hư hỏng hoặc tổn thất khác liên quan đến hàng hóa được quy định cụ thể như sau:
 
Mức bồi thường khi không có khai báo giá trị hàng hóa: Nếu người giao hàng không khai báo trước tính chất, giá trị của hàng hóa hoặc không ghi rõ trong các chứng từ vận chuyển như vận đơn hay giấy gửi hàng, người vận chuyển chỉ có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi giới hạn tối đa tương đương với 666,67 SDRs cho mỗi kiện hoặc mỗi đơn vị hàng hóa; hoặc 02 SDRs cho mỗi kilogram trọng lượng cả bì của hàng hóa bị mất mát, hư hỏng – tùy theo mức nào cao hơn. Đơn vị tính toán SDRs trong quy định này được xác định là mức bồi thường sẽ được chuyển đổi thành tiền Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán bồi thường. Tại thời điểm tháng 9/2024, 1 SDR tương đương 33.159 VND.
 
Mức bồi thường khi sử dụng container: Trường hợp hàng hóa được đóng trong container hoặc công cụ tương tự, mỗi kiện hoặc đơn vị hàng hóa ghi trong chứng từ vận chuyển sẽ được coi là một kiện hoặc một đơn vị hàng hóa theo giới hạn quy định ở trên. Nếu chứng từ vận chuyển không ghi rõ số kiện hoặc đơn vị hàng hóa, toàn bộ container hoặc công cụ đó sẽ được coi là một kiện hoặc một đơn vị hàng hóa.
 
Mức bồi thường khi khai báo giá trị hàng hóa: Nếu tính chất và giá trị hàng hóa được người giao hàng khai báo trước khi bốc hàng và được người vận chuyển chấp nhận, ghi vào chứng từ vận chuyển, thì người vận chuyển phải bồi thường dựa trên giá trị khai báo đó.
 
Cụ thể:
 
  * Đối với hàng hóa bị mất mát hoàn toàn: Bồi thường bằng giá trị đã khai báo.
 
  * Đối với hàng hóa bị hư hỏng: Bồi thường dựa trên mức chênh lệch giữa giá trị khai báo và giá trị còn lại của hàng hóa sau khi bị hư hỏng.
 
Vai trò của bảo hiểm hàng hóa
 
Trong bối cảnh giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển được pháp luật Việt Nam và quốc tế quy định như trên, việc mua bảo hiểm hàng hóa là một biện pháp quan trọng và cần thiết đối với chủ hàng. Điều này giúp bảo vệ chủ hàng khỏi rủi ro về tổn thất vượt quá giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển. Nếu không có bảo hiểm hàng hóa, chủ hàng có thể gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại trong trường hợp hàng hóa bị mất mát hoặc hư hỏng nghiêm trọng.
 
Yếu tố ảnh hưởng đến số tiền bồi thường (nếu có)
 
Trong vụ kiện đòi bồi thường hơn 38 tỉ đồng, giả sử phát sinh yêu cầu bồi thường, để xác định yêu cầu bồi thường hợp lý, cần xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vận chuyển cũng như các quy định pháp luật và công ước quốc tế có liên quan như đã giới thiệu ở trên. Giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển sẽ là một yếu tố then chốt trong việc quyết định mức độ bồi thường mà họ phải chịu. 
 
Như vậy, giới hạn trách nhiệm bồi thường không chỉ mang tính pháp lý mà còn là công cụ quan trọng để đảm bảo sự cân bằng trong các giao dịch thương mại phức tạp như vận chuyển hàng hóa, tránh việc phát sinh các yêu cầu bồi thường vượt quá khả năng thực tế và luật định đối với người vận chuyển.
 
Luật sư Nguyễn Quốc Thụy Phương
Chi hội Luật Gia Viện Khoa học Pháp Lý & Kinh Doanh Quốc Tế IBLA
 
Tài liệu tham khảo
 
* Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015
 
* Ly kỳ vụ 42 chiếc ô tô rơi xuống biển, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?- Báo Thanh Niên Ly kỳ vụ 42 chiếc ô tô rơi xuống biển, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai? (thanhnien.vn)
 
* Hamburg Rules 1978 tại địa chỉ hamburg_rules_e.pdf (un.org)
 
* Rotterdams Rules 2009 tại địa chỉ UNITED
 
* SDR Protocol 1979 tại địa chỉ http://www.admiraltylawguide.com/conven/sdrprotocol1979.html 
 
* SDR Interest Rate Calculation tại địa chỉ  https://www.imf.org/external/np/fin/data/param_rms_mth.aspx 
 

Xem thêm Tin Pháp luật