Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 - Ảnh: VGP/LS
(Chinhphu.vn) - Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, Bộ này đang khẩn trương đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã theo phương án tổng thể và tổ chức lấy ý kiến nhân dân, thông qua HĐND các cấp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Sau sắp xếp giảm 619 xã và 14 huyện
Thông tin của Bộ Nội vụ cho biết, về tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ.
"Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định", Bộ Nội vụ cho biết.
Tổng hợp từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025.
Theo đó, cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị (bao gồm: 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị; tổng số ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.
Đối với cấp xã, tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị (bao gồm: 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Tổng số ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.
Một số nơi đề xuất số lượng lớn hơn thuộc diện khuyến khích, liền kề
Đánh giá về nỗ lực đẩy nhanh tiến trình sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã hiện nay, Bộ Nội vụ nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương đã chủ động và kịp thời ban hành sớm các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, ngay sau khi Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 được ban hành ngày 12/7/2023, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện (Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023); Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 công điện và các Bộ, cơ quan trung ương đã ban hành 14 văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng bộ, cụ thể, chi tiết, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện (trong đó có nội dung hướng dẫn để khắc phục những vướng mắc, bất cập của việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, như: việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; xử lý trụ sở dôi dư; về bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy hoạch; về chất lượng của ĐVHC đô thị sau sắp xếp; về chế độ, chính sách đặc thù đối với ĐVHC sau sắp xếp).
Các địa phương đã chủ động, tích cực quán triệt và triển khai nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn; đã xây dựng Kế hoạch, ban hành Chỉ thị của Tỉnh ủy/Thành uỷ, UBND tỉnh/thành phố về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương; thành lập Ban Chỉ đạo về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/ Thành uỷ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban. Công tác xây dựng phương án tổng thể được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt theo quy định của Đảng và pháp luật, phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan trung ương góp ý cụ thể phương án tổng thể của từng địa phương, làm cơ sở để địa phương xây dựng Đề án, trình Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Số lượng ĐVHC thực hiện sắp xếp trên tổng số đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp đạt tỷ lệ 166,66% đối với cấp huyện (50/30) và 99,20% đối với cấp xã (1.243/1.253). Trong đó, một số địa phương ngoài việc sắp xếp các ĐVHC thuộc diện sắp xếp còn đề xuất sắp xếp số lượng lớn các ĐVHC thuộc diện khuyến khích, liền kề.
30/56 tỉnh, thành phố chậm gửi phương án sắp xếp ĐVHC
Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ cho biết: Có 30/56 địa phương gửi phương án tổng thể chậm so với thời hạn quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 117/NQ-CP (theo quy định thì chậm nhất là ngày 30/10/2023 các địa phương phải gửi phương án về Bộ Nội vụ).
Một số bộ, ngành trung ương còn chậm hoặc không có ý kiến tham gia về Phương án tổng thể của các địa phương (theo Nghị quyết số 117/NQ-CP và Công điện số 972/CĐ-TTg ngày 17/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phương án tổng thể của từng địa phương do Bộ Nội vụ gửi lấy ý kiến, các Bộ, cơ quan trung ương phải kịp thời có ý kiến gửi về Bộ Nội vụ).
Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn (19/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 63,33% và 515/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 41,10%). Việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh.
Hoàn thành trước tháng 10/2024
Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025. Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp ĐVHC chỉ còn khoảng 6 tháng. Trong khi đó, do việc sắp xếp ĐVHC là nội dung quan trọng, phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 quy định ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường, đồng thời phạm vi phân loại đô thị và phạm vi đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị căn cứ vào một trong các quy hoạch là quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị (sửa đổi, bổ sung năm 2022) thì việc phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị các cấp (khoản 2 Điều 2). Do vậy, khi tiến hành sắp xếp ĐVHC nông thôn vào đô thị, để được phân loại đô thị thì các địa phương phải tiến hành lập mới hoặc điều chỉnh tất cả các quy hoạch có liên quan (dù Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 chỉ yêu cầu phù hợp với một trong số các quy hoạch).
Quy trình xây dựng, phê duyệt quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu,… và thực hiện phân loại đô thị đối với các ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp thường kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã có liên quan.
Do số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp nhiều và diễn ra đồng thời với việc thực hiện chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật về tinh giản biên chế tạo ra áp lực lớn cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp.
Linh hoạt, khoa học, phù hợp với tình hình, hoàn cảnh cụ thể từng địa phương
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cho rằng, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể chịu tác động, ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp ĐVHC; chuẩn bị phương án sắp xếp kỹ lưỡng, khoa học, linh hoạt, phù hợp với tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, trong đó đặc biệt lưu ý: Rà soát, xác định các trường hợp thuộc diện sắp xếp, khuyến khích sắp xếp và liền kề trong giai đoạn 2023 - 2025; đối với các trường hợp thuộc diện sắp xếp nhưng địa phương đề xuất chưa hoặc không sắp xếp trong giai đoạn 2023 -2025 thì phải giải trình thuyết phục, có đủ căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, cụ thể đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 thì phải đáp ứng đồng thời 02 điều kiện: có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt; nếu sắp xếp với ĐVHC liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp (về quy hoạch và phân loại đô thị, rà soát đánh giá chất lượng đô thị) đồng thời với việc xây dựng các Đề án sắp xếp ĐVHC, bảo đảm khi trình Chính phủ các Đề án này đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Tập trung xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.
Giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh
Theo đó, Bộ Nội vụ nhấn mạnh, phải đẩy mạnh chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, cụ thể: Bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật; rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các ĐVHC (bao gồm các đơn vị đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 và các đơn vị dự kiến sẽ sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025).
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở; cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp ĐVHC, giải quyết các chế độ, chính sách gắn với ĐVHC cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng.
Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; khen thưởng, động viên, khích lệ các địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Đưa nội dung đánh giá kết quả thực hiện công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là một trong các tiêu chí đánh giá công tác thi đua khen thưởng của cơ quan, đơn vị, địa phương và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm 2024; đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với trường hợp địa phương không quyết liệt, có biểu hiện né tránh thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Lê Sơn (baochinhphu.vn)