Chùm thơ 1-2-3 Phạm Tuyết Hạnh: Về đây cùng Già múc nước tắm cho dê

  • www.doanhtri.net
  • 01-04-2024
  • 813 lượt xem
Vanvn- Tháng Ba mùa lễ hội Nhô Dơng/ Năm cây nêu dựng lên giữa sân nhà sàn dài/ Lễ vật bày quanh bốn ché rượu cần// Hỡi lũ làng một năm vất vả cùng nương rẫy/ Về đây cùng Già múc nước tắm cho dê/ Thành tâm xin Yàng cho mang cơn mưa về.
 
Tây nguyên mùa khô khát
 
Cơn gió mang theo cái nóng hừng hực
Len qua vách nhà sàn phả vào thịt da
 
Ngọn cỏ héo khô cong người cúi rạp
Ngã mình lên đất bazan khô khốc
Cỏ cây và người và đất khát một cơn mưa.
 
 
Ơi cơn mưa rừng mày còn ở nơi đâu?
 
Cái nắng oi nồng rút cạn nước nguồn
Con suối dòng sông trơ lòng khô hạn
 
Cao su, cà phê, tiêu, điều… gồng mình thoi thóp
Những chiếc lá vàng xanh cháy quá nửa rồi
Xin cơn mưa mau về cho vạn vật tốt tươi.
 
 
Tháng Ba mùa lễ hội nhô dơng(*)
 
Năm cây nêu dựng lên giữa sân nhà sàn dài
Lễ vật bày quanh bốn ché rượu cần
 
Hỡi lũ làng một năm vất vả cùng nương rẫy
Về đây cùng Già múc nước tắm cho dê(**)
Thành tâm xin Yàng cho mang cơn mưa về.
 
(*) Lễ hội câu mưa
 
(**) Câu chuyện được trao truyền của người Cơ Ho xưa, đang giữa mùa khô hạn mà dê được tắm nước thì vài ngày sau trời sẽ đổ mưa.
 
 
Nhà thơ Phạm Tuyết Hạnh ở Lâm Đồng
 
Khi cái bụng đã ưng nhau rồi
 
Như suối phải có mạch nguồn, ghềnh thác
Như cối phải có chày, cồng phải có chiêng
 
Em phải có anh mới đủ thành đôi cặp
Chúng mình yêu nhau da đã chạm da, thịt chạm thịt
Xin đừng tháo chiếc nhòng(*) nơi cổ xuống từ hôn.
 
(*) Nhòng: Vòng cổ được làm bằng bạc hoặc đồng. Một trong các lễ vật bắt chồng của người K’ho Tây nguyên.
 
 
Mùa xuân – mùa lễ hội bắt chồng
 
Mặt trời núp mình sau dãy núi phía xa,
Tiếng tù và bắt đầu vang lên phá toang tĩnh lặng
 
Cô gái K’ho cầm chiếc cúc áo sau lần hò hẹn
Nhờ người mối mai mang lễ qua thưa mẹ cha
Đeo chiếc vòng đồng vào tay dắt người thương vội vã về nhà.
 
 
Dòng sông Đồng Nai huyền thoại quê mình
 
Chong đèn người già trong bản kể chuyện con trăn rừng
Hóa vị thần hút nước trời đổ xuống cứu mùa khô khát
 
Từ phía ngọn núi cao nước chảy thành dòng xanh mát
Mang phù sa âm thầm đắp bồi hình thành làng mạc
Hai tiếng “quê hương” cũng đầy huyền thoại từ đó ra đời.
 
Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy
 
Lạc vào trầm tích thánh địa Cát Tiên
 
Dòng sông thời gian chở trong lòng bao điều bí mật
Thế giới Phù Nam một thời tráng lệ huy hoàng
 
Linga, yoni nuôi dưỡng đời sống tâm linh phồn thực
Mùa lễ hội muôn loài vui ca, dâng lòng thành tế lễ
Linh thiêng đất cổ trầm hùng.
 
 
Kỳ diệu người mẹ S’tiêng
 
Ngôi nhà mẹ nằm cạnh triền núi cao
Mái liếp tranh thưa, gia tài đôi nong thóc
 
Mẹ gùi trên lưng những hạt gạo vừa giã trắng tinh
Từ bản làng rừng núi xa xôi mang về nuôi quân đánh giặc
Những hạt gạo tình thương của người mẹ anh hùng.
 
 
PHẠM TUYẾT HẠNH

Xem thêm Văn Nghệ