Đưa thiết bị bay vào gieo sạ, bón phân tạo bước đột phá trong sản xuất lúa

  • www.doanhtri.net
  • 08-05-2024
  • 270 lượt xem
Nông dân tỉnh Quảng Bình đang tập trung thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Trong niềm vui được mùa chung của người dân toàn tỉnh, mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đầu tiên tại Quảng Bình của anh Trần Duy Khánh (huyện Lệ hủy, Quảng Bình) với việc đưa công nghệ thiết bị bay vào gieo sạ, bón phân cũng đã mang lại hiệu quả cao và tạo ra một bước đi đột phá mới.
 
Thay đổi tư duy canh tác
 
Những ngày này trên cánh đồng lúa rộng 22 ha của anh Trần Duy Khánh tại xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) các máy gặt đang hoạt động hết công suất để thu hoạch lúa. Trước đó, sau hai trận mưa lớn bất chợt các ngày 2/5 và 4/5, cả cánh đồng lúa của anh Khánh đã bị đổ rạp xuống. Song lúa đổ vào giai đoạn này không ảnh hưởng lớn đến năng suất, chỉ tăng thêm chi phí phần máy gặt thu hoạch. Đánh giá lại thì mỗi ha lúa cũng cho lãi từ 25-30 triệu đồng, đó là thành quả bước đầu của anh Trần Duy Khánh.
 
Anh Trần Duy Khánh lớn lên tại vùng lúa huyện Lệ Thủy nhưng anh chưa có ngày nào làm nông dân. Thấy đồng ruộng ngày càng bạc màu, tôm cá cũng hết, anh không khỏi chạnh lòng và nảy sinh ý tưởng sản xuất lúa bằng công nghệ với mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Nghĩ là làm, anh lên vùng ruộng Hoàng Cồn, Chéo Đại… của thôn Xuân Lai (xã Xuân Thủy) là nơi vùng rộng nhất của xã để thuê lại ruộng của gần 200 hộ dân với tổng diện tích 22 ha ruộng để “thỏa chí”.
 
 
May mắn đến với anh Trần Duy Khánh khi Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã làm cầu nối để anh “bắt tay” với Tổng Công ty Sông Gianh để được cung ứng phân bón, giống lúa và bao tiêu sản phẩm. Qua đó, đã tiếp thêm động lực cho anh bắt tay vào công cuộc trồng lúa theo hướng hữu cơ.
 
Anh Trần Duy Khánh chia sẻ, diện tích đồng lúa rộng nên anh xác định phải đưa công nghệ về đồng ruộng thì mới thành công. Mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ đầu tiên được “trình diễn” trên đất huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Anh còn nhớ, ngày tổ chức gieo sạ lúa bằng thiết bị bay nhiều người dân đi kéo nhau đến xem và không khỏi bất ngờ với công nghệ này.
 
Hơn một tháng sau, ai cũng bất ngờ khi thấy lúa trên đồng lên đẹp, mật độ đều, anh không giấu nổi sự sung sướng. Tiếp đó, cũng dùng công nghệ với ba lần bay rải phân hữu cơ vi sinh cho ruộng đồng, cứ thế lúa lên nhanh, đẻ nhánh khỏe và đáng nói là không thấy xuất hiện sâu bệnh hại.
 
Không chỉ có ruộng lúa xanh tốt hơn so với thửa lúa canh tác theo lối truyền thống của bà con, canh tác theo hướng hữu cơ cũng khiến môi trường tốt dần lên. Minh chứng rõ nét nhất là trên cánh đồng lúa của anh Trần Duy Khánh, cá, tôm đã dần có lên rất nhiều, cá cũng lớn rất nhanh.
 
Ông Hoàng Văn Thành, người trông coi cánh đồng lúa của anh Trần Duy Khánh cho biết, cá lóc được thả vào thời điểm đầu mùa vụ , tỷ lệ cá sống cao và lớn cũng nhanh. Ngày thu hoạch lúa, cá lóc cũng to bằng cán dao. Ngoài cá lóc thả giống, ông Thành còn phát hiện trên ruộng lúa có nhiều cá cờ (các lia thia). Qua đó mới thấy, chỉ một vụ bón phân hữu cơ, đất và nước trong ruộng thay đổi, ruộng xuất hiện tôm, tép, cá là biết môi trường đang tốt lên.
 
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, vụ sản xuất Đông xuân năm nay, huyện có mô hình sản xuất rất mới của anh Trần Duy Khánh, mô hình vừa kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi hữu cơ, năng suất lúa rất cao.
 
Từ mô hình này, huyện Lệ Thủy sẽ nghiên cứu để sắp tới khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, nhà đầu tư có hiệu quả để tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất này, nhằm mở rộng cánh đồng lúa lớn trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Đặc biệt, là ứng dụng tốt khoa học công nghệ vào trong sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
 
Đưa công nghệ vào ruộng lúa
 
 
 
Thành công của mô hình sản xuất lúa hữu cơ của anh Trần Duy Khánh không chỉ có năng suất cao mà còn chứng minh việc đưa công nghệ vào đồng ruộng nông dân sẽ nhàn hơn, thu nhập cao hơn. Trên cánh đồng lúa của anh Trần Duy Khánh, tất cả đều được cơ giới và áp dụng công nghệ. Công đoạn nào cũng đã có máy móc, công nghệ hỗ trợ, người nông dân không phải vất vả “chân lấm, tay bùn”, chi phí đầu vào giảm nhiều. Từ làm đất có máy cày, lồng, gieo và bón phân dùng thiết bị bay. Khi thu hoạch có máy gặt, ô tô vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
 
Để chứng minh cho điều mình nói, anh Trần Duy Khánh cho biết, nếu gieo sạ theo truyền thống thì 140 kg nhưng gieo sạ bằng máy chỉ còn 70 kg giống. Phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh được bón lần thứ 3 trên đồng lúa với mức 200 kg/ha; nếu tiếp tục những vụ sau sẽ giảm còn 100 kg/ha. Quá trình sản xuất, sử dụng cơ giới hóa và công nghệ tiết kiệm nhân công khoảng 50 công/ha.
 
Theo anh Trần Duy Khánh, dù đã đạt được thành công bước đầu, song quá trình triển khai, áp dụng cộng nghệ cũng gặp không ít khó khăn. Việc sử dụng thiết bị bay gieo sạ ở vụ Đông xuân còn bị động. Bởi thời điểm xuống giống cuối năm ở Quảng Bình thường xảy ra gió đông lớn. Nếu nông lịch đã có, nhưng ngày gieo sạ gặp gió đông kéo dài thì rất khó. Khi đó, thiết bị bay hoạt động kém hiệu quả, tỷ lệ rải hạt giống đều đạt thấp. Vụ sau, để chủ động hơn  anh Trần Duy Khánh sẽ đưa máy gieo sạ cụm xuống đồng, vì bất kể thời tiết nào thì máy gieo sạ cụm vẫn hoạt động tốt.
 
Anh Trần Duy Khánh vui mừng chia sẻ, qua những ngày gặt lúa vừa qua cho thấy, năng suất đạt rất cao khoảng 75 tạ/ha. Những vụ sau chắc chắn sẽ tốt hơn, năng suất cao hơn vì chất đất ruộng đã được cải thiện tốt và tôm, cá cũng sẽ nhiều hơn. Hiện, việc thu hoạch lúa đến đâu, Tổng Công ty Sông Gianh thu mua lúa tới đó ngay tại ruộng với giá 7 triệu đồng/tấn. Những ngày sắp thu hoạch lúa vừa qua, lãnh đạo của một số địa phương, ngành trong và ngoài tỉnh Quảng Bình đã ra tận ruộng để thăm mô hình để nghiên cứu áp dụng tại địa phương mình.
 
Ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy sản xuất giống cây trồng (Tổng Công ty Sông Gianh) cho biết, cùng bao tiêu sản phẩm, công ty cũng đã hỗ trợ thêm cho anh Trần Duy Khánh bao bì đựng lúa và hỗ trợ vận chuyển. Hiện công ty đang thu mua với giá cao cho nông dân để khuyến khích các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ như anh Trần Duy Khánh. Vụ Hè Thu tới, đơn vị sẽ mở rộng mô hình sản xuất hướng hữu cơ và đưa công nghệ này vào sản xuất tại thị xã Ba Đồn và một số địa phương khác.
 
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, từ mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ áp dụng khoa học công nghệ ban đầu của anh Trần Duy Khánh, đơn vị sẽ nghiên cứu đề nghị các địa phương có kế hoạch mở thêm nhiều mô hình điểm, tăng diện tích gieo sạ, bón phân bằng thiết bị bay điều khiển từ xa trong những vụ mùa sau.
 
Bên cạnh đó, Sở cũng kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân như thuê đất ruộng, tích tụ ruộng đất, liên kết với các hợp tác xã… để thực hiện việc đưa công nghệ vào đồng ruộng và canh tác theo hướng hữu cơ để tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp cũng có lãi.
 
Ông Trần Quốc Tuấn cho biết thêm, vụ lúa Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh Quảng Bình gieo trồng gần 30.000 ha lúa; lúa đạt năng suất cao so với nhiều năm trước, một số địa phương tại huyện Lệ Thủy đạt năng suất 74-76 tạ/ha; giá bán cũng rất cao khoảng từ 8 - 9 triệu đồng /tấn. Năm nay lúa được mùa, được giá nên người dân rất phấn khởi.
 
Bài và ảnh: Tá Chuyên (TTXVN)

Xem thêm Doanh nghiệp