Doanh nghiệp Bình Dương lấy sản xuất “xanh” làm lợi thế cạnh tranh

  • www.doanhtri.net
  • 10-09-2024
  • 284 lượt xem
(ĐCSVN) - Nhiều thị trường nhập khẩu đang đưa ra các tiêu chuẩn xanh để ký kết hợp đồng giao thương. Điều này buộc các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Bình Dương phải thay đổi để thích ứng. Trước thực tế trên, các doanh nghiệp cũng xác định đây sẽ là chiến lược và lợi thế trong cạnh tranh.
 
Ngành chế biến gỗ là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương. Hàng năm, giá trị xuất khẩu của ngành chiếm từ 18-22% giá trị xuất khẩu của tỉnh và liệc tục giữ mức tăng trưởng từ 10-20% trong suốt 20 năm qua.
 
Riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành chế biến gỗ của Bình Dương đạt giá trị xuất khẩu hơn 3,5 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 18,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, trong số các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ Bình Dương, Hoa Kỳ chiếm 71,1%, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2023; Liên minh châu Âu (EU) chiếm 13,3%, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp đến là Canada, Hàn Quốc, Úc...
 
Mặc dù hiện nay, tình hình sản xuất, xuất khẩu có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, bà Lê Thị Xuyến – Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Thuận An (TP Thuận An) cho rằng, các yếu tố tăng trưởng hiện nay vẫn chưa bền vững, sức mua thị trường chưa tăng. Doanh nghiệp cũng đang gặp phải một số khó khăn như: xung đột địa chính trị khiến chi phí logistics tăng, đẩy giá hàng hóa tăng theo; giá nguyên liệu nhập khẩu không giảm; đơn hàng số lượng ít... Thêm vào đó là những đòi hỏi về kỹ thuật, mỹ thuật ngày càng cao. Điều này khiến cho các doanh nghiệp cạnh tranh nhau khốc liệt, đòi hỏi công ty phải nhập khẩu thêm các dây chuyền hiện đại mới đáp ứng được các yêu cầu. Bên cạnh đó, hiện tại, công ty đang nghiên cứu tiếp dòng sản phẩm lắp ráp theo xu hướng thương mại điện tử trên toàn cầu. Bởi vì, các sản phẩm như tủ gỗ thường to, cồng kềnh.
 
Cũng theo chia sẻ của bà Xuyến, Mỹ, EU là thị trường khó tính nhưng ổn định và là thị trường truyền thống của nhiều doanh nghiệp gỗ trong các năm qua. Thế nhưng, hiện các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam ngày càng đẩy mạnh bảo hộ sản phẩm trong nước. Đồng thời, các nước thắt chặt các quy định về nguồn gốc gỗ, đặc biệt là quy định về việc quản lý xuất nhập khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng (EUDR) của châu Âu, sẽ có hiệu lực ngay cuối năm 2024.
 
Theo bà Lê Thị Xuyến, tính bền vững, chuyển đổi xanh trong sản phẩm gỗ không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc.
 
Công nhân chế biến gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty CP Gỗ Thuận An (Bình Dương). (Ảnh: Nguyên Vỹ)
 
Công ty Gỗ Thuận An sẽ tiếp tục duy trì thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015, và hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm FSC-CoC; kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, bà Xuyến chia sẻ.
 
Tại thị trường châu Âu, một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon... yêu cầu các quốc gia xuất khẩu phải tuân thủ. Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất. Doanh nghiệp cần thay đổi cách thức quản lý, ứng dụng chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, cập nhật thông tin và ra quyết định kịp thời để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
 
Còn theo bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, nhu cầu thị trường sản phẩm dệt may dự kiến sẽ cải thiện hơn do các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp ngành may mặc.
 
"Để tuân thủ các yêu cầu mới từ thị trường, doanh nghiệp phải nâng cấp công nghệ, sẵn sàng đáp ứng việc thực thi các yêu cầu mới như năng lượng xanh, chuyển đổi số", bà Trang chia sẻ.
 
Trên thực tế, không riêng gì ngành gỗ, ngành may mặc Bình Dương cũng đang cấp tập chuyển đổi, tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường.
 
Ông Vũ Thông Hiệp, đại diện Công ty TNHH May mặc Kung Kiu (TP Tân Uyên) cho biết, nhà máy đã ngưng sử dụng lò hơi đốt viên nén từ cuối năm 2023, chuyển sang sử dụng bàn ủi điện. Đồng thời, công ty sử dụng hệ thống ánh sáng tự nhiên nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe người lao động.
 
"Nhờ nỗ lực thực hiện những cam kết xanh, từ đầu năm đến nay, đơn hàng của công ty tăng dần, và được khách hàng đánh giá cao. Công ty sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, đáp ứng những tiêu chí xanh hóa mà các nhãn hàng đưa ra để đón đầu sự dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường nước ngoài", ông Hiệp chia sẻ.
 
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đó là phát triển xanh. Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ tập trung phát triển xanh hóa nền kinh tế với sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh… nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội.
 
Có thể thấy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã và đang tập trung vào sản xuất xanh như một chiến lược cạnh tranh quan trọng. Doanh nghiệp chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tái tạo, và giảm thiểu chất thải để giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Các hành động này không chỉ đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh mà còn định hình tương lai của ngành công nghiệp tại Bình Dương, hướng tới xây dựng các khu công nghiệp sinh thái và đạt tiêu chuẩn xanh trong thời gian tới./..
 

Xem thêm Doanh nghiệp