Từ thực tế các vụ DOC điều tra chống lẩn tránh thuế: Kinh nghiệm pháp lý và kinh doanh cho Doanh nghiệp Việt

  • www.doanhtri.net
  • 25-09-2020
  • 485 lượt xem
(Pháp lý) – Ngày 9/6 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành Gỗ dán Việt Nam. Trước đó ngày 13/5, sản phẩm thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam cũng bị DOC vào cuộc. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, các DN liên quan đối mặt với 2 cáo buộc về gian lận thương mại. Làm gì và làm thế nào để giúp DN Việt không vướng phải những cáo buộc về gian lận thương mại trong dài hạn là vấn đề rất cần được quan tâm hiện nay ?
 
Những tình huống pháp lý có thể xảy ra ?
 
Quyết định điều tra ngành Gỗ dán Việt Nam được DOC đưa ra dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ rằng một số công ty xuất gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường này đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế trong khuôn khổ của Đạo luật Thuế năm 1930 của Hoa Kỳ. Còn sản phẩm thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam, DOC điều tra dựa trên các thông tin sẵn có với cáo buộc mặt hàng thép tấm không gỉ đang có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) mà Hoa Kỳ đang áp dụng.
 
Cả hai cuộc điều tra trên đều do DOC trực tiếp thực hiện. Vấn đề là trong thời hạn trong và sau 300 ngày (theo quy định của đạo luật Hoa Kỳ) để DOC điều tra và đưa ra kết luận chính thức, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tình huống pháp lý nào?
 
DOC là từ viết tắt của Bộ Thương mại Hoa Kỳ – Cơ quan có thẩm quyền điều tra các vụ việc chống lẩn tránh thuế. Thông thường, song hành với DOC là Uỷ ban Thương mại quốc tế (ITC), trong đó DOC đóng vai trò chính trong khi ITC chỉ đưa ra ý kiến liên quan đến một số vấn đề. Tuy nhiên nếu một trong hai cơ quan này ra kết luận phủ định – không có phá giá/trợ cấp hoặc không có thiệt hại, thì vụ việc sẽ được chấm dứt. Tại DOC, đơn vị chịu trách nhiệm điều tra là Vụ Thực thi và Tuân thủ (Enforcement and Compliance- E&C) thuộc Tổng vụ Quản lý thương mại Quốc tế.
 
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), chế tài mà các doanh nghiệp ngành Gỗ dán Việt Nam và sản phẩm thép tấm không gỉ ngành Thép Việt Nam bị Hoa Kỳ áp dụng sẽ là điều luật về chống lẩn tránh thuế được quy định tại Mục 1321 của Đạo luật Thương mại liên ngành và Cạnh tranh 1988 (còn gọi là Đạo luật Thương mại 1988) với tên gọi “Ngăn chặn việc lẩn tránh lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp” (được pháp điển tại Mục 781 Đạo luật Thuế quan ban hành năm 1930). Quy định của điều luật về chống lẩn tránh thuế ra đời tại Hoa Kỳ, một mặt để theo kịp với quy định của EU về chống lẩn tránh thuế được thông qua vào năm 1987 và mặt khác là do quan ngại việc các nhà sản xuất Châu Á tham gia vào các hành vi lẩn tránh thuế.
 
Có 4 hành vi lẩn tránh bị cấm được quy định tại Mục 1321 nói trên, bao gồm: Lẩn tránh đối với hàng hoá được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở Hoa Kỳ (còn gọi là lẩn tránh thượng nguồn); hàng hoá được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở nước ngoài (qua nước thứ 3); sự thay đổi nhỏ đối với hàng hoá và hàng hoá phiên bản mới (lẩn tránh sản phẩm).
 
Sau vòng đàm phán Uruguay, Hoa Kỳ đã sửa đổi một số tiêu chí đối với các quy định chống lẩn tránh thuế tại Đạo luật Thương mại 1988 thông qua Đạo luật Các Hiệp định về vòng đàm phán Uruguay (URAA). Những thay đổi này chủ yếu liên quan đến lẩn tránh thượng nguồn và lẩn tránh qua nước thứ 3 để sửa những lỗ hổng pháp lý. Trong trường hợp lẩn tránh qua nước thứ 3, yêu cầu tại Đạo luật 1988 về sự khác biệt “nhỏ” giữa trị giá của hàng lắp ráp và linh kiện nhập khẩu là không đủ để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh ví dụ như hoạt động lắp ráp ở nước thứ 3 là nhỏ trong khi lượng linh kiện mua từ những nguồn khác là lớn.
 
Tuy nhiên, theo quy định chống lẩn tránh thuế hiện tại của Hoa Kỳ, thuế chống bán phá giá (CBPG) có thể được mở rộng cho các linh kiện nhập khẩu và sản phẩm từ một nước thứ 3 mà không cần phải tiến hành một cuộc điều tra về phá giá/trợ cấp và thiệt hại, điều này bị cho là vi phạm quy định WTO.
 
Về thủ tục chung: Mục 1321 (e) Đạo luật Thương mại 1988, một cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC (CTC là chuyển đổi mã số HS của hàng hóa – là tiêu chí xuất xứ ngày càng trở nên phổ biến trong các FTA) sẽ được khởi xướng nếu ngành sản xuất trong nước liên quan nộp đơn kiện (ở đây là Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ) và cung cấp bằng chứng đầy đủ về việc xảy ra hành vi lẩn tránh. Sau khi cuộc điều tra được khởi xướng, các bên liên quan sẽ được cung cấp bảng câu hỏi để cung cấp thông tin liên quan về các hành vi lẩn tránh. Những nguồn khác như tài liệu chính thức cũng có thể cung cấp thông tin phù hợp cho DOC. Một quyết định tạm thời sẽ được ban hành nếu DOC ra kết luận. Tuy nhiên, bên liên quan có thể tiếp tục cung cấp bằng chứng và đưa ra quan điểm hoặc yêu cầu tranh tụng chính thức.
 
Theo quy định, một cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế phải được thực hiện trong vòng 300 ngày sau khi khởi xướng. Các quyết định của DOC về các biện pháp chống lẩn tránh thuế bị rà soát tư pháp.
 
Khi DOC ra kết luận cuối cùng khẳng định có lẩn tránh thuế, thuế sẽ không bị áp ngay lập tức sau quyết định này mà yêu cầu một khoản đảm bảo (thường dưới dạng đặt cọc bằng tiền mặt) đối với hàng hoá bị nghi ngờ. Điều đó có nghĩa, sau khi có kết luận chính thức của DOC nếu khẳng định các DN Việt Nam bị điều tra có hành vi lẩn tránh thuế thì chế tài về thuế sẽ không bị Hoa Kỳ áp đặt ngay mà còn phải trải qua một cuộc rà soát hành chính để tính toán mức thuế cuối cùng chính thức. Khi đó việc tính toán và thu thuế chính thức được thực hiện sau cuộc rà soát hành chính này. Mức thuế chính thức được tính toán phụ thuộc vào mức độ phá giá/trợ cấp của giai đoạn rà soát.
 
Mặc dù có những khác biệt liên quan đến định nghĩa về hành vi lẩn tránh thuế và quy trình thủ tục điều tra áp dụng mở rộng biện pháp CBPG/CTC, nhưng điều luật của Hoa Kỳ quy định rằng hành vi sẽ không bị coi là lẩn tránh thuế trong trường hợp hành vi đó là hoạt động lắp ráp từ nước thứ 3. Vấn đề trừng phạt hành vi lẩn tránh thuế từ hoạt động lắp ráp từ bên thứ 3 liên quan đến quy định về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm bị áp dụng biện pháp CBPG/CTC. Nếu hoạt động lắp ráp tại nước thứ 3 không thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cuối cùng thì việc áp thuế CBPG/CTC vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nếu hoạt động lắp ráp làm thay đổi nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cuối cùng, hành vi lẩn tránh thuế có thể bị điều tra và áp dụng.
 
Như vậy nếu các DN ngành gỗ dán Việt Nam và ngành Thép Việt Nam chứng minh được các sản phẩm gỗ dán và tấm thép không gỉ không thay đổi nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm cuối cùng thì việc áp thuế CBPG diễn ra bình thường. Điều đó cũng đồng nghĩa, DN ngành Gỗ dán Việt Nam và các DN kinh doanh sản phẩm tấm thép không gỉ có quyền hy vọng sẽ “vượt cạn” và không bị chế tài bởi điều luật về chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ.
 
Nếu các DN ngành gỗ dán Việt Nam và ngành Thép Việt Nam chứng minh được các sản phẩm gỗ dán và tấm thép không gỉ không thay đổi nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm cuối cùng thì việc áp thuế CBPG diễn ra bình thường. Điều đó cũng đồng nghĩa, DN ngành Gỗ dán Việt Nam và các DN kinh doanh sản phẩm tấm thép không gỉ có quyền hy vọng sẽ không bị chế tài bởi điều luật về chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ.
 
Từ các vụ DOC điều tra chống lẩn tránh thuế …
 
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 3/2020, đã có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
 
Trong số 22 vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỷ lệ 30%. Đa số các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Hoa Kỳ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc.
 
DOC tự khởi xướng điều tra mặt hàng thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam dựa trên các thông tin sẵn có.
 
Gần đây nhất là 02 vụ điển hình (ngành Gỗ dán Việt Nam và sản phẩm tấm thép không gỉ). Sự khác biệt trong 2 vụ việc này là, nếu như ngành Gỗ dán Việt Nam, DOC đưa ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ; thì đối với sản phẩm thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam, DOC tự khởi xướng điều tra dựa trên các thông tin sẵn có với cáo buộc mặt hàng thép tấm không gỉ đang có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp PVTM (mà Hoa Kỳ đang áp dụng với hàng hóa tương tự của Trung Quốc từ năm 2016 với mức thuế là từ 139% – 267%).
 
Căn cứ để DOC khởi xướng điều tra là do lượng xuất khẩu sản phẩm thép tấm không gỉ từ Việt Nam có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn trước và sau khi Mỹ áp thuế với Trung Quốc. Theo đó, DOC hoài nghi, các nhà sản xuất của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thép cán phẳng không gỉ từ Trung Quốc, gia công hoàn thiện tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ.
 
Việc DOC tự khởi xướng điều tra (không căn cứ trên yêu cầu của các doanh nghiệp), cho thấy Hoa Kỳ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế PVTM để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng. Bên cạnh việc tự khởi xướng điều tra vụ việc, Hoa Kỳ còn sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu điều tra về lẩn tránh thuế mặc dù nguyên đơn trong vụ việc đã nộp quá thời hạn quy định.
 
Ngành Gỗ dán Việt Nam bị DOC điều tra dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ.
 
Nhìn lại các vụ việc Hoa Kỳ đã và đang tiến hành điều tra tại Việt Nam (với các sản phẩm: cá tra, mắc áo bằng thép, thép chống ăn mòn, thép cán nguội và mới đây là thép tấm không gỉ và gỗ dán), có thể thấy: Phần lớn các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hàng Việt Nam đều liên quan đến cáo buộc lẩn tránh thuế áp với Trung Quốc, đa phần liên quan đến hình thức lắp ráp tại một nước thứ ba (Việt Nam), lấy xuất xứ để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
 
Trong tất cả các vụ việc nói trên kết thúc điều tra, Hoa Kỳ đều kết luận thép CORE và CRS của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ là lẩn tránh các biện pháp PVTM Hoa Kỳ đang áp dụng do mức độ đầu tư; chuyển đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm thép này tại Việt Nam là không đáng kể. Với kết luận tồn tại lẩn tránh thuế, Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế đang áp dụng cho hàng hóa của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
 
Mặc dù vậy, đối với vụ việc với sản phẩm mắc áo bằng thép, sau khi điều tra và áp thuế chống lẩn tránh thuế (mở rộng biện pháp CBPG, CTC của Trung Quốc và áp mức thuế bằng với mức thuế áp với Trung Quốc cho sản phẩm mắc áo từ Việt Nam), Hoa Kỳ đã điều tra CBPG, CTC với sản phẩm của Việt Nam. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt cần lưu ý vì mức thuế chống lẩn tránh sẽ bằng với mức thuế của vụ việc gốc và do đó hàng hoá bị điều tra chống lẩn tránh thuế có thể bị áp một mức thuế rất cao, ngoài ra, một vụ việc chống lẩn tránh thuế có thể dẫn tới một vụ việc điều tra CBPG/CTC.
 
Mức thuế chống lẩn tránh bằng với mức thuế của vụ việc gốc và do đó hàng hoá bị điều tra chống lẩn tránh thuế có thể bị áp một mức thuế rất cao. Ngoài ra, một vụ việc chống lẩn tránh thuế có thể dẫn tới một vụ việc điều tra CBPG/CTC. Đây là một thực tế pháp lý mà các DN Việt cần hết sức lưu ý để không phạm phải.
 
Để Doanh nghiệp Việt không vướng phải những cáo buộc về gian lận thương mại ?
 
Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều lên, nhất là đối với một số sản phẩm đang trong tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu. Vì vậy hơn lúc nào hết các DN Việt cần phải chủ động áp dụng các biện pháp PVTM để tự cứu mình.
 
Từ thực tiễn các vụ việc điều tra gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM đã và đang xảy ra, để giảm rủi ro, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, thông qua việc trao đổi, làm việc trực tiếp với các cơ quan điều tra, cho thấy sự chuẩn bị, tham gia của các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt. Cụ thể là DN cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện. Đặc biệt là phải nhìn thấy được, nguy cơ bị điều tra về gian lận xuất xứ, lẩn tránh đang ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Ca-na-đa…
 
Các DN cần chủ động tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước. Không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện PVTM khi xây dựng chiến lược xuất khẩu. Xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến. Sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết…
 
Trước mắt, theo quy định của Mục 1321 (e) Đạo luật Thương mại 1988, về thủ tục chung, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chắc chắn sẽ ban hành bản câu hỏi để thu thập thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, các DN đang bị điều tra cần tích cực hợp tác, chuẩn bị và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời hạn đặc biệt liên quan đến nguồn nguyên liệu, quy trình quản lý cho DOC để tránh việc bị sử dụng dữ liệu sẵn có (thường là bất lợi) trong quá trình điều tra. Thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước.
 
Luật sư Lưu Bá Khiết (Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên & Associates – Đoàn Luật sư TP.HCM) khuyến cáo: Cần lưu ý, mục tiêu chính của Hoa Kỳ từ các vụ việc khởi xướng điều tra không phải là áp thuế chống lẩn tránh đối với ngành Thép hay ngành Gỗ dán của Việt Nam mà để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp PVTM Hoa Kỳ đang áp dụng. Sản phẩm thép hay gỗ dán được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác sẽ được phép sử dụng cơ chế khai báo để hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế. “Do đó, trên thực tế, kết luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về các vụ việc chống lẩn tránh không tác động đáng kể đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nếu chúng ta phát triển được các ngành thượng nguồn, tức là sản xuất đầu vào…”
 
 
 

Xem thêm Tin Pháp luật