Thực thi điều ước của các FTA: Khó khăn, thách thức khi thực thi các quy định pháp luật về đảm bảo sự minh bạch

  • www.doanhtri.net
  • 21-09-2020
  • 541 lượt xem
(Pháp lý) – Minh bạch là vấn đề được nhấn mạnh trong nhiều cam kết ở hầu hết các Chương của CPTPP, như minh bạch trong các quyết định, chính sách thương mại, mua sắm công, DNNN…
 
Để hiểu rõ hơn về nghĩa vụ thực hiện cam kết về minh bạch trong CTPPP, thuận lợi và thách thức khi thực hiện cam kết này, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà – Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương.
 
Minh bạch – yếu tố cốt lõi
 
Phóng viên: Theo ông, minh bạch có ý nghĩa thế nào đối với phát triển kinh tế xã hội nói chung, đối với tham gia CPTPP nói riêng?
 
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà: Đối với thương mại quốc tế, từ lâu minh bạch hóa chính sách là một trong những nguyên tắc cơ bản được nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) yêu cầu các thành viên phải tuân thủ. Minh bạch trong quá trình ra các quyết định của các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước góp phần không nhỏ tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư ổn định, dễ dự báo, cạnh tranh và lành mạnh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Minh bạch là thành phần cốt lõi của một chính sách chống tham nhũng hiệu quả, vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phân bổ nguồn lực khách quan, công bằng cũng như cho phép người dân có quyền tiếp cận đối với các thông tin liên quan đến các quyết định của nhà nước. Minh bạch cũng góp phần đảm bảo thực hiện chính sách quản trị tốt, khi nhờ minh bạch, các hành vi bất hợp pháp có thể được ngăn chặn và giảm thiểu.
Đứng từ góc độ của CPTPP, minh bạch không chỉ là một nguyên tắc cơ bản, mà còn là một trong những yếu tố cốt lõi nhờ vào các quy định xuyên suốt nhiều chương của Hiệp định. Đồng thời CPTPP còn dành một chương (chương 26) về minh bạch và phòng chống tham nhũng. Điều này cho thấy, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động ra quyết định của các cơ quan nhà nước của một quốc gia thành viên là điều kiện giúp cho thành viên đó có thể thực thi tốt các cam kết và nghĩa vụ của mình về minh bạch trong CPTPP.
 
Đánh giá của ông về việc Việt Nam thực hiện cam kết minh bạch thời gian qua?
 
Đối với Việt Nam, sau khi trở thành thành viên của WTO vào năm 2007, Việt Nam đã thực thi khá tốt các cam kết về minh bạch hóa chính sách thương mại của mình. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam thực hiện các cam kết cao hơn về minh bạch hóa trong các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA.
 
Song vẫn còn một số những hạn chế tồn tại. Một trong những ví dụ có thể dễ thấy là việc công bố các thông tin về doanh nghiệp nhà nước, dù đã có Nghị định 81/2015/NĐ-CP, chưa được thực hiện đầy đủ.
 
Ví dụ nêu trên cho thấy Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các cam kết về minh bạch hóa của mình. Do đó, việc tham gia CPTPP sẽ tạo nên cơ hội tốt để Việt Nam cải thiện và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về minh bạch hóa đó.
 
Ông có thể cho biết, khi tham gia CPTPP, những Bộ, ngành nào của Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất và cần tuân thủ nghiêm nghĩa vụ, yêu cầu về công khai, minh bạch?
 
Có thể thấy các quy định về minh bạch hóa được đưa vào nhiều chương khác nhau của CPTPP, như Chương 9 về Đầu tư; Chương 15 về Mua sắm Chính phủ; Chương 16 về Chính sách cạnh tranh; Chương 17 về Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp độc quyền chỉ định; Chương 22 về Tính cạnh tranh và Thuận lợi hóa kinh doanh; Chương 26 về minh bạch hóa và chống tham nhũng…
 
Do các cam kết về minh bạch hóa nằm ở nhiều chương khác nhau của CPTPP, nên việc thực hiện các cam kết có liên quan cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nhà nước khác nhau của Việt Nam, từ Chính phủ đến các Bộ, ngành và cơ quan quản lý ở địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, khó có thể đánh giá các cam kết đó tác động đến Bộ, ngành nào ở Việt Nam nhiều nhất. Ngược lại, các Bộ, ngành, trong chừng mực có liên quan, đều phải cố gắng, nỗ lực hết mình để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Việt Nam về vấn đề này.
 
Minh bạch thông tin trong lĩnh vực đấu thầu và những thách thức
 
Trong lĩnh vực đấu thầu, Chương 15 của CPTPP đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên ở mức độ yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch, ông có thể cho biết những nguyên tắc cơ bản nhất mà CPTPP đưa ra trong vấn đề này? Luật Đấu thầu hiện nay của chúng ta có tương thích nguyên tắc này?
 
Trong Chương 15 của CPTPP về mua sắm Chính phủ, minh bạch hóa vừa là một nguyên tắc chung vừa là nguyên tắc riêng đối với một số gói thầu. Với ý nghĩa là một nguyên tắc chung, minh bạch hóa yêu cầu mỗi quốc gia thành viên phải ban hành và thực thi các quy định về minh bạch trong các bước của quy trình đấu thầu, trong đó có nghĩa vụ về thông tin và thông báo ở từng bước của thủ tục đấu thầu.
 
Đối với một số gói thầu, minh bạch hóa đưa ra các yêu cầu cụ thể. Ví dụ, đối với trường hợp đấu thầu rộng rãi, một số yêu cầu về minh bạch hóa cần tuân thủ là:
 
i) công bố thông tin về việc đấu thầu (gồm cả thông báo mời thầu và hồ sơ thầu) trên báo hoặc trên phương tiện điện tử, nếu trên phương tiện điện tử thì phải miễn phí;
ii) Công bố sớm kế hoạch mời thầu hàng năm;
iii) quy định cụ thể thời hạn nộp hồ sơ thầu tối thiểu (ví dụ: 40 ngày đối với các trường hợp thông thường, 25 ngày đối với trường hợp thủ tục đấu thầu thực hiện hoàn toàn qua mạng; 10 ngày đối với một số trường hợp khẩn cấp)…
 
Đối với trường hợp đấu thầu hạn chế, cơ quan mua sắm có nghĩa vụ đăng tải thông báo trong một thời gian đủ đề nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ quan tâm hoặc hồ sơ dự sơ tuyển; cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu cho các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn; thông báo kịp thời đến các nhà thầu đã nộp hồ sơ quan tâm hoặc hồ sơ dự sơ tuyển về quyết định liên quan đến việc tham dự thầu…
 
Về cơ bản, Luật Đấu thầu năm 2013 của Việt Nam đã tương thích với các quy định nêu trên. Tuy nhiên cũng có một số quy định còn chưa tương thích như nghĩa vụ về công bố sớm kế hoạch mời thầu hàng năm…
 
Song một trong những khó khăn đối với Việt Nam là việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong nước về minh bạch hóa thông tin có thể tạo thành thách thức khi thực thi các cam kết trong CPTPP. Ví dụ: tình trạng công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu thường xuyên bị chậm trễ, ảnh hưởng đến việc tham gia đấu thầu của các nhà thầu.
 
Để đảm bảo tuân thủ Hiệp định CPTPP trong công tác lựa chọn nhà thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có những giải pháp pháp luật nào?
 
Để đảm bảo tuân thủ Hiệp định CPTPP nói chung và trong công tác lựa chọn nhà thầu nói riêng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 409/QĐ-BKHĐT ngày 04/04/2019. Một trong những công việc đã được Bộ thực hiện trên cơ sở Quyết định này là xây dựng Nghị định hướng dẫn CPTPP về đấu thầu . Đây là bước đi cần thiết nhằm đưa ra các hướng dẫn cụ thể, chi tiết để thực thi các quy định của CPTPP về đấu thầu, trong đó có các cam kết của Việt Nam về minh bạch. Hy vọng rằng Nghị định này sẽ sớm được Chính phủ ban hành để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ giúp Việt Nam có thể thực thi tốt nghĩa vụ của mình.
 
Mua sắm công: những khuyến cáo nếu không thực thi đúng cam kết minh bạch
 
Trong các cam kết về minh bạch hóa, cam kết minh bạch trong mua sắm công được xem là bước ngoặt lớn trong lịch sử hoạt động mua sắm công của chúng ta lâu nay. Ông có thể cho biết, đối với cơ quan thực hiện mua sắm công, nếu không thực hiện đúng các nguyên tắc của Chương MSCP là đảm bảo công khai, minh bạch thì sẽ gặp những rắc rối, hệ lụy gì?
 
Theo Phụ lục 15-A của Việt Nam trong chương 15 CPTPP về mua sắm Chính phủ, Việt Nam đã đàm phán để có thời gian chuyển đổi là 05 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam để không phải áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp đối với các trường hợp vi phạm nghĩa vụ của Việt Nam theo Chương 15. Trong thời gian này, Việt Nam sẽ tham vấn với nước thành viên CPTPP có ý kiến quan ngại về việc thực thi nghĩa vụ của Việt Nam. Đồng thời, đối với nghĩa vụ theo Điều 15.19 về giải quyết kiến nghị trong nước, Việt Nam có thời gian chuyển đổi 03 năm để tạm hoãn thi hành các nghĩa vụ tại điều này. Khi đó, Việt Nam vẫn cho phép các nhà thầu của các nước thành viên gửi kiến nghị đến cơ quan mua sắm về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu.
 
Như vậy, trong các khoảng thời gian chuyển đổi nêu trên, các cơ quan thực hiện mua sắm công không tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ về minh bạch hóa của chương 15, Việt Nam sẽ không phải đối mặt với các vụ kiện cấp Chính phủ đến từ các nước thành viên khác của CPTPP hoặc các vụ kiện ở cấp độ các nhà thầu. Nói cách khác, các hệ lụy mà cơ quan mua sắm công gặp phải, như bị nhà thầu hay Chính phủ nước ngoài khởi kiện, sẽ chỉ phát sinh sau khi thời gian chuyển đổi chấm dứt. Khi đó, họ sẽ mất thời gian, chi phí để giải quyết các vụ kiện và nếu thua kiện, không chỉ uy tín của các cơ quan bị giảm sút mà còn có thể dẫn đến nguy cơ phải thực hiện các trách nhiệm vật chất đối với nhà thầu và chính phủ thắng kiện.
 
Ông có khuyến cáo gì đối với Chính phủ và các DN trong mua sắm công để không gặp rắc rối, kiện tụng?
 
Như đã nói ở trên, Việt Nam có một số thời gian chuyển đổi cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan mua sắm công cần sử dụng khoảng thời gian này để có những điều chỉnh phù hợp trong việc thực hiện đấu thầu, nhằm đảm bảo khi hết các khoảng thời gian đó, sẽ thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình về minh bạch thông tin. Nói cách khác, các cơ quan mua sắm công, không nên vì lý do có thời gian chuyển đổi, mà “cố tình” vi phạm vì các hành vi vi phạm đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới uy tín của chính các cơ quan đó và cũng có thể tác động xấu tới môi trường kinh doanh của Việt Nam.
 
Vì vậy, thực thi tốt các cam kết chính là khuyến nghị quan trọng nhất đối với Chính phủ và các doanh nghiệp trong mua sắm công để không gặp phải rắc rối, kiện tụng sau này.
 
Minh bạch trong thu nhập, tiền lương để bảo vệ NLĐ
 
Lâu nay, vấn đề về tiền lương và thu nhập của NLĐ trong các DN về cơ bản thường không minh bạch. Hiện, chúng ta đang xây dựng quan hệ lao động theo hướng Nhà nước giảm dần sự can thiệp mà tăng cường thương lượng, thỏa thuận trực tiếp của người lao động với chủ sử dụng lao động. Giải pháp này, theo ông liệu có đáp ứng yêu cầu về công khai minh bạch trong vấn đề lao động, tiền lương khi hội nhập?
 
Có thể thấy Chương 19 của CPTPP hàm chứa một số quy định về minh bạch thông tin, như yêu cầu về công bố công khai các thông tin liên quan đến Luật Lao động, các thủ tục thực thi và tuân thủ; về việc người có lợi ích bị ảnh hưởng có thể tiếp cận phù hợp với tòa án độc lập và công bằng để thực thi Luật Lao động của mỗi nước thành viên…
 
Việc Nhà nước tăng cường cho phép người lao động và người sử dụng lao động thương lượng, thỏa thuận trực tiếp chỉ có thể bảo vệ được quyền lợi của cả hai bên nếu các thông tin liên quan đến việc thương lượng, thỏa thuận đó được công khai, người sử dụng lao động công bố công khai và người lao động có quyền tiếp cận. Nói cách khác, các vấn đề về lao động và tiền lương nếu không được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ, kịp thời, công khai, người lao động sẽ không thể có căn cứ để bảo vệ cho các quyền lợi của mình.
 
Do đó, giải pháp này chỉ thực sự hiệu quả nếu nó gắn liền với việc thực thi tốt các nghĩa vụ về minh bạch đã được đưa vào Chương 19 nêu trên.
 
Tiền lương và thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp cần được công khai minh bạch (ảnh minh họa)
 
Khó khăn, thách thức ở khâu thực thi các quy định pháp luật
 
Để chủ động bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của mình trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp cần chú ý tới những vấn đề gì trong những cam kết về minh bạch hóa, thưa ông?
 
Về cơ bản, minh bạch hóa là nghĩa vụ của Nhà nước và các doanh nghiệp là người được hưởng lợi từ việc thực thi tốt các nghĩa vụ có liên quan của Nhà nước. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các lợi ích mà minh bạch hóa mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật và sử dụng các cơ chế về minh bạch hóa đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm; đồng thời, không sử dụng các cơ chế này để làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của các chủ thể khác. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của chính doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ cho lợi ích chung cũng như không xâm phạm đến các trật tự kinh tế mà Nhà nước đã thiết lập nên.
 
Nghĩa vụ minh bạch còn có trong nhiều nội dung khác của CPTPP như hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, cạnh tranh… Hiện Quốc hội đang giao các Bộ, ngành liên quan dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và nhiều văn bản luật về kinh tế khác. Từ thực tiễn và kinh nghiệm của mình, ông có khuyến cáo, kiến nghị gì tới cơ quan soạn thảo trong quá trình sửa đổi các đạo luật quan trọng trên để đảm bảo yêu cầu minh bạch?
 
Như đã nhắc đến nhiều lần ở các câu trả lời ở trên, tôi cho rằng các quy định pháp luật của Việt Nam về minh bạch là khá đầy đủ. Khó khăn, thách thức đối với Việt Nam không nằm ở khâu ban hành quy định pháp luật trong nước để đảm bảo sự minh bạch mà là ở khâu thực hiện các quy định pháp luật đó. Vì vậy, đây là vấn đề cần được các cơ quan nhà nước quan tâm, để có thể xây dựng được các cơ chế đảm bảo thực thi đủ mạnh và thực hiện tốt các cơ chế đó nhằm giúp Việt Nam tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế về minh bạch của mình.
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 
Trong nhóm cam kết về minh bạch liên quan đến các văn bản pháp luật áp dụng chung có yêu cầu các nước thành viên phải ít nhất là đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cấp Trung ương trên ấn phẩm hoặc trên một website chính thức duy nhất. Cũng như vậy khi các văn bản này đã được ban hành, cần được đăng trên Công báo hoặc một website chính thức duy nhất, khuyến nghị có thêm bản giải trình thuyết minh cho văn bản đó.
 
Minh bạch liên quan đến các thủ tục tố tụng hành chính áp dụng pháp luật đòi hỏi các nước tham gia CPTPP đảm bảo rằng, trong các thủ tục ban hành quyết định hành chính, chủ thể bị ảnh hưởng trực tiếp phải được thông báo đầy đủ, phải có cơ hội để trình bày thực tế và lập luận để bảo vệ mình trước các quyết định hành chính cuối cùng.
 
Đình Nguyễn (thực hiện)  https://phaply.net.vn/
 
 

Xem thêm Tin Pháp luật