Mưa đá và các biện pháp phòng tránh tác hại của mưa đá

  • www.doanhtri.net
  • 27-04-2024
  • 478 lượt xem
(ĐCSVN) - Cùng với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ở khu vực miền núi những năm gần đây xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, mưa đá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do dông lốc, mưa đá gây ra thì việc chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp đặc biệt quan trọng.
 
Mưa đá là gì? 
 
Nước mưa đông tụ thành những tảng đá, cục băng có đa dạng kích thước, hình dáng và rơi xuống được gọi là mưa đá. Hiện tượng này bị ảnh hưởng bởi các đám mây giông gây ra, các đợt Frông lạnh cực mạnh tràn về nhanh. Kích thước của mưa đá khoảng 5mm đến hàng chục cm.
 
Mưa đá xảy ra trong khoảng 5 - 30 phút và thường rơi xuống cùng với mưa rào. Hiện tượng thường xuất hiện ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi, kể cả mùa mưa hay mùa hè. Ở khu vực miền Bắc nước ta thường xuyên xảy ra mưa đá, chủ yếu là vào tháng 3 - 5.
 
Tại sao lại có mưa đá?
 
Khi các dòng không khí đối lưu hay nói cách khác là dòng không khí lên suốt liên tục thì sẽ hình thành mưa đá. Điển hình như các tháng thay đổi giữa mùa lạnh sang mùa nóng hoặc ngược lại.
 
Nếu nhiệt độ trong những đám mây lạnh hơn - 20 độ C, thì hơi nước trong mây sẽ tạo thành những hạt băng nhỏ và rơi xuống. Hạt băng nhỏ rơi xuống gặp tầng mây thấp hơn biến thành các giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C.
 
Các luồng không khí không ngừng bốc lên cao, đưa một khối lượng lớn các giọt nước lạnh lên tầng trên của đám mây. Chúng đông kết với các hạt băng đang tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích của các hạt băng càng ngày càng lớn hơn, khi trọng lượng tăng đến mức độ nhất định nào đó chúng sẽ rơi xuống thấp.
 
Khi mưa đá rơi xuống tầng mây thấp sẽ được bao bọc thêm một lớp màng nước và chịu sự tác động của không khí bốc lên cao. Đến một lúc nào đó, các luồng khí không giữ được mưa đá nữa thì sẽ rơi xuống mặt đất và hình thành các cơn mưa đá.
 
Các dạng mưa đá
 
Mưa dạng hạt băng: Còn gọi là mưa đá nhỏ, thường có hình cầu, hình nón với đường kính khoảng 5mm.
 
Mưa dạng hạt nước đá: Hình dạng không đều, hình nón và hình cầu với đường kính dao động khoảng 5 - 50mm, rơi xuống từ đám mây, có thể rơi rời rạc, hoặc kết thành màn không đều.
 
Dấu hiệu nhận biết sắp xảy ra mưa đá
 
 * Đám mây có dạng như hình bầu vú đen sẫm lại.
 
 * Gió thổi và giông mạnh với các tiếng ù ù, ầm ầm liên tục.
 
 * Nhiệt độ không khí giảm mạnh.
 
 * Tiếng động mưa rơi rơi mái nhà phát ra lớn
 
Ảnh hưởng của mưa đá đến đời sống
 
 Đối với con người: Nặng có thể dẫn đến tử vong bởi khối lượng của mưa đá lớn và rơi với tốc độ nhanh. Thậm chí, mưa đá còn gây thủng mái tôn, sập nhà cửa, hư hỏng xe cộ, các công trình thi công cũng bị ảnh hưởng.
 
 Đối với động vật: Động vật chết hàng loạt do không chịu nổi không khí lạnh lẽo và mưa đá rơi trúng. 
 
 Đối với thực vật: Các loại cây trồng, hoa quả sẽ bị dập nát, gãy cây, gãy cành, không thể phát triển tốt. Đất bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh khiến cây khó sinh sôi, nảy nở, từ đó làm mất cân bằng thảm thực vật.
 
Cách phòng tránh, giảm thiểu tác hại của mưa đá
 
Hiện nay đang là thời kỳ chuyển mùa, thời tiết có nhiều biến động, là thời kỳ xảy ra nhiều mưa dông kèm theo sấm sét và gió lốc thổi mạnh, có khi có mưa đá. Đây là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, xuất hiện và gây hại nhanh, bất ngờ, rất khó dự báo chính xác về thời gian xuất hiện, vùng ảnh hưởng và mức độ gây hại. 
 
Trong điều kiện hiện nay công tác Dự báo mưa vẫn còn hạn chế, do vậy chúng ta cần thường xuyên theo dõi cập nhật các bản tin Dự báo và Cảnh báo cac hiện tượng thời tiết nguy hiểm được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khu vực, kết hợp với các biện pháp phòng chống thụ động dựa vào kết quả thống kê, điều tra xác định những vùng thường xảy ra mưa đá để từ đó bố trí các loại cây trồng ít bị ảnh hưởng, ít bị tàn phá bởi mưa đá hoặc dịch chuyển thời vụ cho phù hợp để cây trồng phát triển, ra hoa kết quả và cho thu hoạch vào thời điểm an toàn nhất; kịp thời che, đậy hạn chế mức độ tàn phá của mưa đá,...
 
Nơi ở, nơi có các công trình, nhà cửa, nơi đặt các máy móc thiết bị, cột điện, ăng ten, ống khói, nơi thường tập trung đông người như trường học, chợ, bệnh viện, công sở, nhà cao tầng... nhất thiết phải có hệ thống chống sét, đó là cột Thu Lôi. Cột Thu Lôi có thể xây thành cột riêng rẽ sát công trình hoặc có thể gắn vào nơi cao nhất của công trình với một thanh sắt có đầu nhọn đặt hướng thẳng đứng lên trời; một dây dẫn điện có một đầu nối với thanh sắt còn đầu kia của dây buộc vào lá kim loại được xẻ làm nhiều nhánh chôn sâu xuống đất. Cột chống sét càng cao thì phạm vi bảo vệ của nó càng lớn. Không gian bảo vệ là một vòng tròn có tâm là chân cột, bán kính bằng chiều cao của cột. Các vật dụng bên trong vòng tròn này được bảo vệ không bị sét đánh. 
 
Khi đang chăn thả gia súc hoặc lao động sản xuất ở nương dãy, ngoài đồng, đi lại ngoài đường nơi không có các hệ thống chống sét mà thấy có cơn dông đến thì cần nhanh chóng tìm cách phân tán đàn gia súc; bản thân để dụng cụ tại nơi làm việc đi nhanh vào nhà hoặc không gần nhà thì tìm đến ngồi yên nơi đất thấp xa cột điện, xa các vật dụng kim loại, xa các nơi có mặt nước như ao, hồ,vv, chờ cơn dông đi qua. Không nên di chuyển (kể cả di chuyển trên các phương tiện giao thông cá nhân); tuyệt đối không nấp dưới các gốc cây to nhất là các gốc cây đứng một mình giữa đồng, dưới các đống rơm, bó lúa, nơi có gò đất nhô cao.
 
Khi có dông cần lưu ý cắt điện các dụng cụ máy móc tiêu thụ điện chỉ để lại những thứ thật cần thiết; cắt nguồn hoàn toàn các thiết bị điện tử, rút dây ăng ten ra khỏi ti vi chuyển sang dây nối đất (tất cả các ăng ten cần được làm dây nối đất dạng như hệ thống thu sét); không nên gọi điện thoại, tắt các ống khói, đóng bớt cửa ngăn gió ẩm vào nhà; bản thân không đi chân trần mà nên đi dày, dép khô... 
 
Khi bị sét đánh cần được cấp cứu khẩn trương theo quy cách: Để nạn nhân nằm nơi đất ẩm, nới rộng quần áo cho dễ thở; pha 5 gam muối Bicarbornate với 300ml nước cho nạn nhân uống từ từ. Nếu thấy nạn nhân có dấu hiệu nặng khó thở, nhịp tim không rõ cần làm các thao tác hô hấp nhân tạo, hỗ trợ tim bằng cách xoa bóp hoặc đấm mạnh vào vùng ngực. Và cuối cùng là nhanh chóng tìm cách gọi xe cấp cúu kịp thời đưa nạn nhân đi bệnh viện. 
 
Trong điều kiện hiện nay công tác dự báo mưa đá vẫn còn hạn chế, do vậy chúng ta cần thường xuyên theo dõi cập nhật các bản tin Dự báo và Cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khu vực, kết hợp với các biện pháp phòng chống thụ động dựa vào kết quả thống kê, điều tra xác định những vùng thường xảy ra mưa đá để từ đó bố trí các loại cây trồng ít bị ảnh hưởng, ít bị tàn phá bởi mưa đá hoặc dịch chuyển thời vụ cho phù hợp để cây trồng phát triển, ra hoa kết quả và cho thu hoạch vào thời điểm an toàn nhất; kịp thời che, đậy hạn chế mức độ tàn phá của mưa đá./.
 
NTT (Tổng hợp)   (dangcongsan.vn)

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe