Kiều hối chảy về dồi dào, Việt Nam thuộc top 10 thế giới

  • www.doanhtri.net
  • 29-01-2023
  • 374 lượt xem
Việt Nam trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
 
Gần 19 tỉ USD tiền kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2022 theo ước tính của các chuyên gia World Bank.
 
Đây là dòng vốn quý giá trong bối cảnh sức ép tỷ giá và lạm phát căng thẳng. Tại Việt Nam, kiều hối được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), thu ngoại tệ từ xuất khẩu, kiều hối đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ rất quan trọng cho các ngân hàng, giúp giảm áp lực, cân đối được nguồn vốn cho vay ngoại tệ, nhất là dịp cuối năm.
 
Ngoài ra lượng kiều hối giúp ổn định tỷ giá hối đoái. Nếu ngoại tệ khan hiếm, đồng Việt Nam mất giá, tỷ giá của VND đối với ngoại tệ sẽ lên cao và làm tăng lạm phát.
 
Kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác, đó là không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay.
 
Dữ liệu kiều hối chảy về Việt Nam. Ảnh: WB
 
Chuyên gia WB cho biết, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và dự báo tăng từ 3,6-4,5% trong năm 2023.
 
Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Úc, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). 
 
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: “Nguồn kiều hối chuyển về năm 2022 là nguồn thu ngoại tệ, góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của ngân hàng trung ương, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lãi suất tăng là không nhỏ - khi áp lực lạm phát gia tăng và đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022”.
 
Kiều hối hỗ trợ cán cân thanh toán quốc gia, cân bằng cán cân thương mại
 
Giai đoạn 2006-2010, Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, kiều hối là nguồn rất quan trọng để bù đắp sự thâm hụt này, đã bù đắp gần 50% thâm hụt thương mại.
 
Năm 2012, cán cân vãng lai của Việt Nam từ tình trạng thiếu hụt lần đầu tiên trở nên thặng dư với con số khiêm tốn là 1 tỉ USD và tăng lên là 19 tỉ USD vào năm 2020. 
 

Xem thêm Tài chính