Các trường nói gì về việc điều chỉnh chương trình THPT?

  • www.doanhtri.net
  • 05-08-2022
  • 419 lượt xem
Thí sinh làm thủ tục thi vào lớp 10 ở Hà Nội hôm 17/6. Ảnh: Giang Huy
 
Việc Bộ Giáo dục điều chỉnh chương trình THPT giúp học sinh lựa chọn môn thuận tiện hơn, trong khi các trường được "gỡ lúng túng", theo nhiều hiệu trưởng.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 3/8 ban hành thông tư điều chỉnh chương trình tổng thể và môn Lịch sử bậc THPT nhằm bảo đảm yêu cầu của Quốc hội về việc "thiết kế môn Lịch sử THPT có cả phần bắt buộc và lựa chọn".
 
Theo đó, chương trình cấp THPT (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp) có tám môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (tăng một so với ban đầu) gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.
 
Chín môn lựa chọn gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Chín môn này không chia thành ba nhóm môn gồm Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Nghệ thuật như trước. Điều này đồng nghĩa học sinh được chọn bốn môn bất kỳ để học thay vì chọn tối thiểu mỗi nhóm một môn như quy định trước đây.
 
Thầy Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông, Hà Nội, nhận thấy thay đổi của Bộ thuận lợi hơn cho các trường, phụ huynh và học sinh trong quá trình hướng nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. "Điều chỉnh này rất hợp lý và kịp thời, tạo thêm sự chủ động cho nhà trường, phụ huynh và học sinh", thầy Trung nói.
 
Thầy Nguyễn Ngọc Tú, Hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Côi, Thái Bình, cũng nhìn nhận sự thay đổi là tích cực.
 
"Đây là giải pháp tốt trong lúc các trường cũng đang lung túng. Nó như một nút gỡ cho trường và học sinh", thầy Tú đánh giá.
 
Hồi giữa tháng 7, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch xây dựng chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12, nhiều trường đã rục rịch ứng phó, trong đó có trường THPT Lê Lợi. Nhà trường đã xây dựng tổ hợp bốn môn lựa chọn. Vì vậy, với nhóm Tự nhiên, trường dự kiến rút bớt môn Sinh hoặc Lý để đảm bảo bốn môn vẫn được lựa chọn từ ba nhóm môn. Đồng thời, Lịch sử trong tổ hợp lựa chọn bị loại bỏ do có phần bắt buộc.
 
Theo thầy Trung, trường Lê Lợi dự kiến xếp tổ hợp môn theo trụ là các khối tuyển sinh đại học. Thầy lấy ví dụ, với khối A00, trường sẽ định hướng cho học sinh sao cho ngoài 8 môn bắt buộc, trong 4 môn lựa chọn có hai môn Lý, Hóa; khối B00 có Hóa, Sinh; khối C00 có Địa. Khối D01 đơn giản hơn do cả ba môn đều là môn bắt buộc.
 
Trong 1-2 ngày tới, trường sẽ lên phương án và thống nhất, sau đó phổ biến, tư vấn để học sinh đăng ký khi tập trung khối 10 vào tuần sau.
 
Trường THPT Quỳnh Côi trước đó cũng đã sắp xếp tổ hợp và cho học sinh đăng ký nhưng sau khi có thay đổi, trường sẽ điều tiết các môn để tối ưu hóa được nhu cầu của các em.
 
Thầy Tú cho biết thêm, trường cũng sẽ điều chỉnh lại kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu cho phù hợp hơn. Những môn học sinh có sở trường sẽ vẫn cho thành môn lõi, trong khi các môn khác thì căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên của nhà trường.
 
Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng không gặp khó khăn với điều chỉnh của Bộ do có sự chủ động ngay khi có thông tin môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc. Theo thầy hiệu trưởng Vũ Đình Hà, điều chỉnh giúp học sinh chọn theo định hướng nghề nghiệp và đại học. Những em có thiên hướng xã hội sẽ chọn thêm Sử, Địa..., trong khi tự nhiên sẽ là Lý, Hóa...
 
Các hiệu trưởng cho hay, với phương án khi chưa điều chỉnh, những em có định hướng khối A chỉ có thể chọn hai trong ba môn Lý, Hóa, Sinh nhưng giờ có thể chọn cả ba môn trong khối thi và thêm 1-2 môn nữa. Các trường cũng sẽ cơ động hơn trong việc điều chỉnh môn học.
 
"Với điều chỉnh mới của Bộ, học sinh có lợi hơn và các nhà trường cũng dễ làm hơn", thầy Tú nói.
 
Khi chỉ phải chọn bốn môn trong 9 môn lựa chọn, học sinh có hơn 100 cách chọn khác nhau. Tuy nhiên, các trường cho hay sẽ định hướng cho học sinh chọn để vừa đáp ứng được nguyện vọng và vừa phù hợp với khả năng của nhà trường.
 
Theo thầy Trung, với chương trình phổ thông mới, các nhà trường đều đối mặt với tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ. Có những môn được chọn nhiều nhưng sẽ có môn ít học sinh. Nhiều trường sẽ thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Văn hoặc Toán nhưng có thể thừa Sinh, Sử, Địa, thậm chí Lý, Hóa hay Tin học.
 
Thầy Trung cho hay, trường Lê Lợi có thế mạnh khối D01 (Toán, Văn, Ngoại ngữ) nhưng vẫn phải đáp ứng cho các em có nguyện vọng khối A00, B00, C00 hay A1.
 
"Bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất trường, lớp, nhà trường phải xem xét nguồn lực ở từng bộ môn để từ đó gợi ý cho phụ huynh, học sinh lựa chọn môn", đại diện trường Lê Lợi cho hay.
 
Trường THPT Trần Hưng Đạo có thể sẽ đưa ra một số phương án lựa chọn cho phụ huynh và học sinh trong trường hợp không đáp ứng được giáo viên. Nếu có môn ít học sinh chọn không thành lập được lớp, trường sẽ tư vấn để học sinh chuyển sang phương án hai.
 
Trường Quỳnh Côi cũng đang rà soát nguyện vọng của học sinh, cân đối nguồn lực để làm căn cứ điều chỉnh cho phù hợp.
 
Tâm đắc với những thay đổi kịp thời của Bộ, song thầy Trung mong Bộ sớm ban hành kế hoạch hay quy chế tổ chức thi tốt nghiệp theo chương trình mới.
 
"Tôi mong có sự đổi mới tiệm cận các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế trong công tác tuyển sinh đại học. Tôi ủng hộ các bài kiểm tra đánh giá năng lực", thầy Trung cho hay.
 
Bình Minh    vnexpress.net

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe