Trong thẳm sâu mỗi người đều có tình yêu sâu nặng dành cho quê hương. Quê nhà thật đơn sơ, mộc mạc với những hình ảnh quen thuộc hiện hữu tự bao đời nay. Đó là cây đa, bến nước, mái đình, cổng làng, đường làng, chợ quê, cánh đồng, dòng sông, lối ngõ…
Nam Định tự hào có hai nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ hay về cảnh quê, người quê, tình quê: Đó là nhà thơ thôn ca Đoàn Văn Cừ và thi sĩ chân quê Nguyễn Bính. Trong thơ Đoàn Văn Cừ đầy ắp những hình ảnh sinh động, tươi sáng về thiên nhiên và đời sống thôn quê với những đêm mượt mà điệu chèo, những đêm trăng gặt lúa, ngày mùa, mái nhà tranh, xóm nhỏ, bữa cơm quê, những dòng sông phù sa màu mỡ, những phiên chợ Tết đông vui, đầy màu sắc, những thuần phong mỹ tục của làng. Tình yêu sâu nặng và bền chặt với quê hương đã tạo cảm hứng cho ông viết nên những câu thơ đẹp như tranh vẽ: “Dòng sông trong dẫn nắng chảy rung rinh/ Bóng đa mát thả chùng trên bãi cỏ”; “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”.
Nhiều bức tranh quê thuần khiết như hội họa dân gian: “Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa/ Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ/ Bóng cây lơi lả bên hàng dậu/ Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ/ Ông lão nằm chơi ở giữa sân/ Tàu cau lấp lánh ánh trăng ngân/ Thằng cu đứng vịn bên thành chõng/ Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân”. Còn đây là xã Nam Hoa, miền quê ngoại trong nỗi nhớ của ông: “Ngày nhỏ xuân sang sống cạnh bà/ Vườn bà mơ mận nở đầy hoa/ Tóc thơm các chị cài hoa bưởi/ Em áo đào nô giỡn trước nhà”. Các tác giả “Thi nhân Việt Nam” đã ghi nhận: “Trong các nhà thơ đồng quê Việt Nam, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”. Đối với nhà thơ Nguyễn Bính, trong cuộc đời có biết bao năm tháng tha hương, đúng như câu thơ ông viết: “Đi lâu quên cả màu hoa đại/ Quên cả mùi hương gạo tám thơm”. Nhưng trong nỗi nhớ của ông, hình ảnh quê hương luôn hiện lên thật thơ mộng và sâu nặng nghĩa tình. Nhiều hình ảnh cứ trở đi trở lại trong thơ ông, mang đậm phong vị hương đồng gió nội như hoa chanh, hoa xoan, giàn thiên lý, giậu mồng tơi, giàn đỗ ván, ao rau cần, vườn cải hoa vàng, những đêm hội làng náo nức nhịp trống chèo: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”; “Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng/ Bời bời ngõ cũ tím hoa xoan”. Và đây là thôn Vân quê ông đẹp như tiên cảnh: “Thôn Vân có biếc có hồng/ Biếc trong nắng sớm, hồng trong vườn chiều/ Đê cao có đất thả diều/ Giời cao lắm lắm có nhiều chim bay/ Quả lành nặng trĩu từng cây/ Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen/ Hiu hiu gió quạt trăng đèn/ Với dăm trẻ nhỏ thả thuyền ta chơi/ Ăn gỏi cá, đánh cờ người/ Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân”.
Tình yêu quê hương, đất nước qua thời gian vẫn là chủ đề tư tưởng xuyên suốt, là mạch nguồn cảm hứng sáng tạo dạt dào cho rất nhiều nhà thơ sau này. Tiếp nối những nhà thơ lớp trước, trong thơ Nam Định lại lấp lánh những câu thơ hay về quê hương sâu nặng nghĩa tình. Nhà thơ Phạm Như Hà đã viết thật hay về dòng sông quê mình: “Sông Ninh dòng nước vẫn hiền/ Như còn bà ngoại ở bên kia đò/ Mái gianh gió cũ cào xơ/ Tre gai mấy bụi gày gò xóm đê/ Đò Sồng bến ngấn cát se/ Mía vương vương tím lối về thắp hương/ Sông trôi cứ ngỡ vẫn thường/ Bồi bên nhớ, lở bên thương lúc nào!”. Trần Hồng Giang trong bài thơ “Nỗi nhớ mùa hè” đã phác họa một bức tranh quê mang vẻ đẹp thật yên ả, thanh bình: “Trong vườn trưa bầy bướm lang thang/ Quên cái nắng chói chang đổ lửa/ Con chuồn ớt mỏng tang đôi cánh lụa/ Bay lượn lờ chạm xuống mặt ao/ Bến sông quê tiếng cười nói lao xao/ Bọn trẻ con mình trần da khét nắng/ Dòng nước mát như mời chào xuống tắm/ Những thân hình vùng vẫy thỏa thuê!/ Tia nắng chiều xuyên qua tấm phên che/ In lên áo lung linh hạt ngọc/ Hoa cau trắng vương đầy trên mái tóc/ Tỏa hương vào ngọn gió nồm nam”.
Nhà thơ Bình Nguyên Trang khi xa quê luôn nhớ về cánh đồng tháng mười, về tháng ba nhọc nhằn và nhất là những mùa thu: “Những mùa thu đi qua đời con/ Gieo âm thanh bình yên/ Trái chín rụng thơm triền miên lối ngõ/ Rất chênh vênh là chiếc cầu ao nhỏ/ Ngồi với mùa thu con đợi mẹ về/ Men theo lối quen đá sỏi ghồ ghề/ Con đi giữa hai bờ toàn hoa dại/ Nhưng cổ tích buồn cứ theo con mãi/ Lạc một dòng sông con chẳng có thuyền về”. Tác giả Đỗ Phú Nhuận cũng tràn đầy xúc cảm khi “Lâu rồi về với chợ quê/ Bước chân lạc giữa bốn bề thân quen”. Dù cuộc sống nông thôn đã có nhiều đổi thay, nhưng chợ quê vẫn mãi là chốn để mọi người gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những sản vật của quê nhà: “Tôi len về phía tiếng cười/ Khế chua tháng chạp, gừng tươi đầu mùa/ Cô hàng bán mật đong đưa/ Thấy tôi tha thẩn, không mua - cũng mời”. Tác giả Vũ Ngọc Phác trong bài “Đồng màu” đã hòa chung niềm vui với người dân quê trước sự đổi thay ấm no, trù phú: “Đất no màu như mật ủ mùa cây/ Đất tơi như mỡ láng luống cày/ Cho ruộng đỗ túa mầm đứng dậy/ Ngô tròn mình bóng nhẫy/ Lá mở dài sóng sánh tít bờ mây/ Tháng mười đến, thóc vàng như ruối chín/ Chim cu về/ Chim cu bịn rịn/ Cánh xập xòe/ Nhịp vỗ gần xa”. Và đây là những câu thơ mang vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc như chính ngôi “Chùa làng” trong thơ Trần Đắc Trung: “Chùa làng không sư không tiểu/ Cuốc rã hè khua mõ thưa/ Men lối đài sen Tam bảo/ Móng rồng chầm chậm thơm mưa”.
Hình bóng quê hương trong lòng mỗi người còn là hình ảnh những người thân yêu trong gia đình, đặc biệt là hình ảnh người mẹ một đời vất vả, tảo tần, hết lòng vì chồng con. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu rời xa quê nhà lên đường chiến đấu khi mới 18 tuổi. Trong nỗi nhớ của ông về quê hương luôn khắc khoải hình ảnh người mẹ: “Tháng ba dáng mẹ cùng cây gạo/ Đứng ở đầu làng đưa tiễn tôi/ Lưng còng bên dáng cây gạo khỏe/ Tóc bạc bên hoa gạo đỏ trời”; “Mẹ tôi răng đen hạt na/ Quần thâm nhuộm lại như là mới may/ Nón mê, chân đất tối ngày/ Cái khăn mỏ quạ vá dày nắng mưa”. Nhà thơ Vũ Quần Phương lại thấy lòng rưng rưng khi một buổi sáng thức dậy, trong làn khói bếp vấn vương được chứng kiến khung cảnh gia đình thật giản dị mà đầm ấm: “Trong khói mẹ cời rơm thổi lửa/ Chim gù trên tổ, bếp cơm reo/ Em nhỏ học bài trên ngưỡng cửa/ Khói bay ra mờ mịt ao bèo”.
Trong bài “Thơ còn mắc nợ”, tác giả Hà Chí Đạt đã viết những dòng thơ đầy xúc cảm về mẹ: “Ơn Người một nắng hai sương/ Vì con - rút ruột tơ vương như tằm/ Đêm khuya chiếu ướt đằm đằm/ Chỗ ướt Mẹ nằm, con ngủ chỗ khô/ Trưa hè cánh võng ầu ơ/ Tiếng ru… nhuộm tím câu thơ một thời/ Thân cò lặn lội Mẹ ơi!/ Bến bờ ấy… mãi đầy vơi nỗi buồn”. Tác giả Chu Đình An trong bài “Lời ru của mẹ” đã viết: “Tuổi thơ ngon giấc trong nôi/ À ơi! Mẹ hát ru tôi thuở nào/ Bổng trầm những khúc ca dao/ Ngọt ngào tiếng Mẹ thấm vào máu xương”.
Đối với nhiều nhà thơ, hình bóng quê nhà còn luôn gắn liền với những món ăn dân dã, mộc mạc nhưng đầy dư vị. Nhà thơ Nguyễn Bính từng thổn thức bởi hương ngô nếp ngọt ngào nơi đồng bãi: “Bến đò ai quạt thơm ngô nướng/ Mái mái chèo khua rối bóng trăng”. Nhà văn, nhà thơ Trần Thị Nhật Tân trong bài thơ “Mùi rơm” đã gợi lại những ký ức tuổi thơ quê hương thơm nức mùi rơm rạ: “Ngày mùa vàng óng đường rơm/ Ùa vào giấc ngủ say thơm lúa đồng/ Dăm ba con muỗm con còng/ Đốt rơm lên nướng ấm lòng trẻ thơ/ Nhớ về năm tháng xa xưa/ Ổ rơm ấp ủ gió lùa đêm đông/ Mẹ đi cấy rét ngoài đồng/ Đốt rơm rạ sưởi khói nồng nàn bay/ Lớn lên đi khắp đông tây/ Nhớ mùi rơm rạ chiều nay con về/ Rơm vàng phơi nắng triền đê/ Nhà ai đốt trấu cay xè cười vui/ Bước đi rơm níu chân người/ Nồi cơm thơm dẻo thổi vùi than rơm/ Liền tay mẹ xới mẹ đơm/ Con ăn ngon ngọt mùi rơm quê nhà”. Và trong nhiều bài thơ khác, ta được trở về với quê hương trong miếng bánh đúc bùi ngậy vị lạc, bát ngô bung nồng đượm mùi vôi, bát nước vối đậm đà sóng sánh và những món ngon đặc sản của mỗi miền quê - những món ăn thường ngày của một thuở lam lũ, nhọc nhằn nhưng không thể nào quên.
Trong dòng chảy cuộc sống ngày càng bộn bề, gấp gáp hôm nay, quê nhà luôn là điểm tựa bình yên và vững chãi cho mỗi người. Về với quê nhà để lắng lại những cảm xúc yêu thương, thuần hậu, để bồi đắp, nuôi dưỡng cho mình tình yêu quê hương, đất nước./.
Lam Hồng