Động lực để ngành Tuyên giáo tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trau dồi, phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân

  • www.doanhtri.net
  • 05-08-2024
  • 322 lượt xem
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2024). (Ảnh: Tuấn Anh)
 
(TG) - Tấm gương tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho Nước, cho Dân và những giá trị tư tưởng quý báu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong đó có công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của Đảng đã và đang trở thành động lực để cán bộ, đảng viên toàn ngành Tuyên giáo tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trau dồi, phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân...
 
Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2024) tổ chức tại Hà Nội, sáng 1/8. Đầu đề do Tạp chí đặt.
 
Hôm nay, Lễ kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo diễn ra trong bầu không khí đặc biệt hơn so với các năm trước. Cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cán bộ, đảng viên ngành Tuyên giáo chúng ta tiếc thương đưa tiễn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn về với các bậc tiền bối cách mạng, về với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.
 
Tấm gương tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho Nước, cho Dân và những giá trị tư tưởng quý báu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong đó có công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của Đảng đã và đang trở thành động lực để cán bộ, đảng viên toàn ngành Tuyên giáo tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trau dồi, phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, góp phần giữ vững và khẳng định cơ đồ, phát huy tối đa tiềm lực, nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
 
Trong không khí trang trọng và xúc động này, chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử vẻ vang, những đóng góp lớn lao của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vào ngày 1/8/1930, tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1-8” do Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành đã tạo tiếng vang lớn, thôi thúc mạnh mẽ quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, trở thành dấu mốc đặc biệt, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sức mạnh công tác tuyên truyền của Đảng.
 
Kể từ thời khắc lịch sử đó, ngành Tuyên giáo đã luôn xung kích, đi đầu trên mặt trận tư tưởng - mặt trận vô cùng khó khăn, gian khổ và phức tạp. Trong những thắng lợi chung của dân tộc, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mồ hôi, công sức, máu đào các thế hệ ngành Tuyên giáo đã đổ xuống để cổ vũ, xây dựng nền tảng tinh thần, ý chí quật khởi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đi đến thắng lợi cuối cùng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, được ghi dấu ấn tại những địa danh lịch sử gắn liền với sự nghiệp Tuyên giáo như Thôn Thia, xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, di tích Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam tại Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh. Ngày 24/7/2024 vừa qua, di tích Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam được trao bằng di tích lịch sử cấp quốc gia đã một lần nữa khẳng định sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những đóng góp, hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ ngành Tuyên giáo trong những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
 
94 năm xây dựng và phát triển, trải qua những tên gọi khác nhau, có khi chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng tôi và các đồng chí có thể tự hào rằng: Ngành chúng ta đã hoàn thành rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình; trong bất cứ hoàn cảnh nào, lĩnh vực Tuyên giáo cũng luôn giữ được vị trí đi đầu, xung kích trong công tác lãnh đạo của Đảng.
 
Bước sang năm 2024, bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp, toàn ngành Tuyên giáo đã triển khai, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, với nhiều điểm mới, nổi bật và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
 
Công tác tham mưu, chỉ đạo trên lĩnh vực Tuyên giáo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính riêng 6 tháng đầu năm, Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng 15 đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 10 văn bản mới, tiêu biểu là Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 9/5/2024 về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, ghi nhận.
 
Ban cũng đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trực tiếp tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng có sức lan tỏa lớn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, nổi bật là Hội nghị gặp mặt trí thức, nhà khoa học văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024, Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ...
 
Chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại kịp thời, hiệu quả, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, liều lượng, thời điểm, kỷ luật thông tin, nhất là những vấn đề, sự kiện chính trị quan trọng trong nước và quốc tế; kết quả đạt được trong các lĩnh vực của xã hội và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
 
Chỉ đạo, định hướng công tác văn hóa, văn nghệ, khoa giáo đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, triển khai đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội; nắm chắc các nghị quyết của Đảng về đường lối văn hóa, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; thực hiện tốt các chủ trương, định hướng của Đảng trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
 
Công tác chỉ đạo, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, định hướng thông tin, tuyên truyền về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nhất là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn; công tác cán bộ được tiến hành kịp thời, chủ động, tích cực triển khai, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội...
 
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2024). (Ảnh: Tuấn Anh)
 
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước dự báo diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường các hoạt động chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước, chế độ; tận dụng mọi cơ hội để tác động xấu đến tư tưởng xã hội. Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ toàn Ngành chúng ta cần ý thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, sứ mệnh của mình; đoàn kết, quyết tâm với nỗ lực cao nhất thực hiện tốt những nội dung sau:
 
Một là, tích cực tham gia tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới đất nước; đóng góp thiết thực vào việc xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng; chủ động triển khai thực hiện và hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
 
Hai là, chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp về công tác tuyên giáo trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định của Đảng để kịp thời tham mưu, tháo gỡ những vấn đề đặt ra của cuộc sống; lan tỏa, nhân rộng điển hình tiên tiến, những điều tốt đẹp; xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng. Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nghiên cứu, học tập và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa trong các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
 
Ba là, chỉ đạo tập trung thông tin, tuyên truyền về những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trên các lĩnh vực; tham mưu tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, địa phương và các ngành, nhất là kỷ niệm70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam... khơi dậy khát vọng dân tộc, khích lệ các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
 
Bốn là, chủ động nghiên cứu, dự báo, nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội; kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý, định hướng tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động, kịp thời tổ chức hội nghị quán triệt và hướng dẫn tổ chức thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.
 
Năm là, tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao tính gương mẫu, thể hiện tốt vai trò “đi trước, mở đường” của công tác tư tưởng của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cổ vũ nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ cách mạng.
 
Ngày 1/8/2018, tại Lễ kỷ niệm Lễ kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “…Tôi mong muốn toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là ngành tuyên giáo và đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa, vai trò, vị trò quan trọng của công tác tư tưởng. Ngành tuyên giáo phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đấy chính là nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đã đi, tuyệt đối không dao động, mơ hồ”.
 
Thực hiện tâm nguyện của đồng chí Tổng Bí thư, phát huy cao nhất truyền thống lịch sử và sức mạnh của toàn Ngành, tôi tin chắc rằng, ngành Tuyên giáo chúng ta sẽ đóng góp nhiều hơn nữa và ngày càng khẳng định được vị trí đặc biệt trong công tác lãnh đạo của Đảng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện như hiện nay./.
 

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe