THÁI LƯƠNG lược dịch

Hôn nhân lý tưởng trong tiểu thuyết - Tác giả Adelle Waldman

Vanvn-Trăm năm tính cuộc vuông tròn”, hôn nhân từ xưa đến nay luôn là nỗi bận tâm của mỗi người, mọi thế hệ. Thế nào là đối tác lý tưởng trăm năm, không ít tiểu thuyết gia bỏ thời gian, công sức phân tích, xây dựng hình tượng hoàn hảo. Lạ là, dù trải nhiều năm, nhiều thay đổi, quan niệm tình yêu giữa nam nhà văn và nữ tác giả vẫn rất nhiều bất đồng.

Tiểu thuyết gia, nhà báo Adelle Waldman Mỹ. Nguồn: Internet

Lý trí hay bản năng

“Anh nói những lời tôi chưa từng tưởng tượng, chưa một lần dám nghĩ bằng giọng điệu ngọt ngào và đáng tin đậm chất Ý”. Đó là điều Elena Greco, nữ nhân vật chính trong tiểu thuyết Người ủng hộ Hoàn mỹ (My Brilliant Friend) của Adelle Waldman (Ý) nghĩ về Nino, chàng trai trẻ yêu cô say đắm. Nino là thanh mai trúc mã với Lila, bạn thân của Elena. Anh được đánh giá có “năng lực khiến mọi thứ trở nên hấp dẫn”, nhanh chóng gây ấn tượng với Elena bằng tài năng cảm nhận văn chương hoàn mỹ của mình. Khi thảo luận về các vấn đề như nạn đói, Nino “không lớn tiếng mà bằng một giọng điệu buồn buồn, luôn trích dẫn chính xác các sự kiện”. Anh khuyến khích Elena, người ôm tham vọng trở thành một tác giả lớn, nên dốc sức thể hiện bản thân.

Bốn tập tiểu thuyết Người ủng hộ Hoàn mỹ trải dài hơn 60 năm, tập trung vào mối quan hệ giữa Nino và Elena, sự ủng hộ của Nino với công việc của Elena. Trở thành bà mẹ đơn thân của hai đứa trẻ trong những năm đầu tuổi 30, Elena gần như từ bỏ viết lách. Nino dùng mọi lời lẽ để thuyết phục cô tiếp tục sáng tác. Anh hào phóng khen ngợi, “Em có khả năng kể chuyện mà anh ghen tị nhất”. Tin Nino, Elena trở lại nghề văn. Nhưng, sau một thời gian, cô bắt đầu phát hiện những khía cạnh không hoàn hảo từ chàng thanh niên cô yêu thương, tín phục. “Anh có vẻ không thoải mái lắm trong việc công nhận người khác có tiềm năng và thường bỏ đi ngang cuộc trò chuyện, thậm chí, thi thoảng, tỏ ra khinh thị những ai chưa giỏi”. Tình yêu của cô vơi dần. Ngay cả lời ngợi khen của anh cũng không còn khiến cô cảm động. “Tôi tóm tắt cốt truyện và các nhân vật phác thảo của mình đưa cho anh xem. Anh thốt lên ‘Tuyệt vời, em thật quá thông minh’, nhưng lời nói đó không còn trọng lượng. Tôi không tin anh”.

Thông minh, chính trực, cao thượng và vô cùng nhạy cảm trong việc quan sát, đánh giá từ lâu đã là những đặc tính của nhân vật nữ trong tiểu thuyết tình yêu của các nữ nhà văn. Họ luôn tìm hiểu, phân tích mọi khía cạnh, góc khuất trong tâm trí người yêu bằng “phương pháp, nhãn quan tinh tế, sâu sắc”. Bạn đời lý tưởng với Jane Austen, Charlotte Brontë, George Eliot (3 nữ tác giả Anh) luôn là một người khôn ngoan, đủ kiến thức và sự sáng trí để ngang hàng với nữ nhân vật chính, những người không chỉ mơ ước một tình yêu lãng mạn mà còn muốn được bình đẳng về trí tuệ và đạo đức.

Trái lại, các nam nhà văn không đặt nặng mối liên hệ giữa tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau. Họ ít bận tâm về trí tuệ của phụ nữ. Thay vào đó, các tác giả chú trọng nhấn mạnh sức hấp dẫn bản năng và cảm xúc. Từ Tolstoy (Nga) đến Saul Bellow (Mỹ), Philip Roth (Mỹ), Karl Ove Knausgaard (Na Uy), tình yêu đều là thứ gì đó bí ẩn, phi lý, không thể giải thích. Nó gắn liền với định mệnh hơn là mong muốn tìm một đối tác trí tuệ ngang hàng. Trông đợi một đức ông chồng bình đẳng, tin tình yêu lý tưởng là sự kết hợp giữa tâm và trí gần như chỉ tồn tại trong tác phẩm của các nhà văn nữ.

Tolstoy – tiểu thuyết gia mở đường

Anna Karenina (Anna Karenina) là tác phẩm được xem như sự đột phá của mối quan hệ lãng mạn. Bằng cuộc tình vụng trộm đầy mê đắm giữa Anna và Vronsky, cuộc hôn nhân Levin và Kitty, Tolstoy thách thức dòng tiểu thuyết chính thống đương thời. Hơn một thế kỷ sau, lối mô tả nhạy cảm và sắc sảo của đại văn hào Nga về mối quan hệ giữa vợ chồng Levin – Kitty vẫn là một trong những cách diễn đạt tuyệt vời nhất.

Khi câu chuyện bắt đầu, Levin điên đảo trong tình yêu với Kitty và suy sụp hoàn toàn khi bị nàng từ chối lần cầu hôn thứ nhất. Nhưng lấy được nhau, cuộc sống không hạnh phúc như Levin mơ tưởng. Anh muốn có thêm thời gian để làm việc, đọc sách và suy nghĩ còn Kitty sáp vào anh mọi lúc mọi nơi, luôn ghen tuông phi lý. Levin thất vọng. Tại sao nàng cứ chấp trách những thứ nhỏ nhặt? Sao nàng phải quan tâm quá nhiều những điều tầm thường như áo quần hay vệ sinh cá nhân? Tolstoy miêu tả nỗi thất vọng của cả hai bằng sự đồng cảm tuyệt vời nhất.

Levin yêu Kitty bởi vẻ ngây thơ và xinh đẹp của nàng. “Tất cả các thành viên của gia đình này (gia đình Kitty), đặc biệt là phụ nữ, đều như được bọc trong tấm màn ngây thơ bí ẩn”, Tolstoy viết. Levin từng yêu chị gái Kitty nhưng cô ấy lại kết hôn với người khác trong khi Levin vẫn ngây ngô chưa nghĩ gì về hôn nhân. Đến tuổi 30, anh bỗng chốc nhận ra Kitty đã lớn và xinh đẹp vô ngần. Tình yêu bùng cháy, mạnh mẽ hơn bất cứ cảm giác nào trước đó. Biểu hiện trẻ thơ trên gương mặt Kitty, dáng người mỏng mảnh, nụ cười dễ thương dẫn anh vào thế giới đầy mê hoặc, nơi tâm trí anh dịu lại và tràn đầy sự êm ái ngọt ngào. Levin thấy ở Kitty sự mềm mại, nét bình thản và đôi mắt chân thật. Anh tìm được những gì mà người ta gọi là “nữ tính truyền thống”, “người vợ hoàn hảo”. Vừa sáng suốt lại vừa cảm thông, Levin tin Kitty là lựa chọn tuyệt vời nhất cho cuộc sống hòa hợp vợ chồng. Vì thế, khi đối mặt với những điều ngoài tưởng tượng, những ghen tuông phi lý, những nhu cầu tầm thường của nàng, anh thất vọng. Và, cái khiến hôn nhân của Levin – Kitty không hoàn hảo, theo nhãn quan của Tolstoy, là khác biệt tự nhiên giữa nam và nữ. Bằng lối diễn đạt thuyết phục và nhạy cảm, Tolstoy ám chỉ mối quan hệ giữa Levin – Kitty là một kiểu rất đặc biệt của hôn nhân. Levin không tìm kiếm một đối tác trí tuệ mà muốn một người vợ trẻ đáng yêu, đầy lòng vị tha, nhân hậu.

Tolstoy sống và viết rất lâu trước khi có cuộc cách mạng nữ quyền hiện đại. Tuy nhiên, các tác phẩm của ông vẫn nuôi dưỡng các ý tưởng cho các tác giả khác. Hôn nhân trong tiểu thuyết của Tolstoy giúp họ xác định mục tiêu rõ ràng. Ví dụ, tiểu thuyết của Austen thường có những đoạn viết về nỗi phiền hà mà người đàn ông khôn ngoan phải chịu đựng trước đối tác là một phụ nữ hẹp lượng. Nhân vật Bennet trong Kiêu hãnh và Định kiến (Pride and Prejudice) của bà là minh chứng điển hình.

Yêu cầu của nữ tác giả

Ở Hành khúc nửa đêm (Middlemarch), George Eliot phân tích chi tiết hơn về chủ đề này. Nhà khoa học trẻ đầy tham vọng Tertius Lydgate không ghét phụ nữ thông minh nhưng, theo bản năng, anh cảm thấy phụ nữ khoe trí tuệ hơn người là điều không nên. Với nữ nhân vật chính, Dorothea, anh thừa nhận cô hấp dẫn nhưng không thích vì cô quá nghiêm túc. Anh tỏ ra ấn tượng với Rosamond Vincy, cô gái vừa quyến rũ vừa ngoan hiền. “Cái thông minh nên có ở một phụ nữ chỉ là sự tao nhã, tinh tế, ngoan ngoãn”, anh nhận định. Mọi thứ khác đều không cần thiết.

Trong thời gian Lydgate và Rosamond tìm hiểu nhau, anh nói nhiều về khát vọng khoa học của mình. Dù Rosamond không phản ứng nhiệt tình cho lắm, Lydgate vẫn thấy “được lắng nghe bởi một người sẽ mang lại cho mình sự ngọt ngào là điều cực kỳ thú vị”. Không may cho Lydgate, giống như Levin, anh sớm vấp bài học mệt mỏi trong cuộc sống. Rosamond quan tâm nhiều đến những thứ anh cho là nhỏ nhặt, tầm thường. Cô cũng không hiểu cho tham vọng khoa học của anh như anh ngây thơ tin tưởng. Nếu biết cái gì khiến Rosamond chú ý anh và cố kiên nhẫn nghe anh nói về những thí nghiệm cô hoàn toàn mù tịt, chắc Lydgate không sống nổi. Là một thiếu nữ quý tộc kiêu kỳ, thứ duy nhất Rosamond quan tâm là vị thế của mình trong xã hội thượng lưu. Cái danh nhà khoa học của Lydgate đáp ứng được điều này. Hạnh phúc của họ mong manh, càng mong manh hơn so với hạnh phúc của Levin – Kitty vì Lydgate là không giàu như Levin. Levin đủ tài chính thỏa mãn mọi ham muốn vật chất của Kitty, còn Lydgate ngày càng hao mòn, cuối cùng kiệt quệ. Anh phải gác lại khát vọng khoa học vì những nhu cầu sinh hoạt đời thường.

Trong khi Tolstoy thiên vị quan điểm về tình yêu của Levin, Eliot quan tâm suy nghĩ của Lydgate. Giống như Austen, Eliot thích sự lãng mạn dựa trên các giá trị chung và sự tôn trọng lẫn nhau, không cân đong sự khác biệt về giới. Cuộc hôn nhân của Dorothea với chính trị gia trẻ tuổi, sáng giá Will Ladislaw là ví dụ điển hình. Charlotte Brontë còn thể hiện rõ ràng hơn. “Cô dâu của tôi ở đây vì sự bình đẳng với tôi”, Rochester nói với Jane Eyre trong Jane Eyre (Jane Eyre). Sự tự tin, mạnh mẽ và tâm hồn rộng mở của Rochester bù đắp mọi thiếu hụt trong ông, khiến Jane bất chấp mọi thứ để chung sống với người đàn ông đã bị tàn phế này.

Hiểu biết lẫn nhau là điều các nữ nhà văn luôn khao khát. Bằng nhiều cách, Austen làm nổi bật mối tình lãng mạn của nhân vật chính trước “nỗi thất vọng trần tục và sự hiểu lầm của đời sống thường ngày”. Marianne Dashwood trong Lý trí và Cảm xúc (Sense and Sensibility) chứng minh cho điều ấy. Cô thẳng thắn nói ghét cay ghét đắng cách cợt nhả tầm thường, lời lẽ sáo rỗng của anh chàng đẹp mã Sir John. Trong bữa tiệc, nơi hầu hết mọi người đều giống như Sir John, Marianne cố tìm kiếm đối tượng tinh tế, thông minh, người có thể trò chuyện một cách lý thú.

Cả Eliot, Austen và Brontë đều tỏ ra chống đối hình mẫu phụ nữ truyền thống. Nhân vật nữ trí tuệ của họ thường bị từ chối, chế nhạo nhưng cuối cùng tìm được hạnh phúc như ý. Các cuộc hôn nhân trong tác phẩm của họ có thể không đại diện cho lý tưởng trăm năm hạnh phúc nhưng chúng cho ta thấy sức mạnh và sự cần thiết của mối quan hệ bình đẳng.

Mong muốn của nam nhà văn

Sự khôn ngoan, thú vị, đồng cảm là những gì các nhà văn nữ hướng đến. Nó hoàn toàn khác với mong muốn được viết bởi các nhà văn nam, tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ, ví dụ Samuel Richardson (Anh), Thomas Hardy (Anh), Jonathan Franzen (Mỹ), Norman Rush (Mỹ),… Song, với hầu hết các nam nhà văn, cả những tác giả cố hướng sự chú tâm ra khỏi khuôn mặt, cơ thể nữ nhân vật để nhấn mạnh vẻ đẹp nội tâm của cô, điều này hết sức mong manh.

Trong Herzog (Herzog), Saul Bellow viết: “Ramona không cao nhưng có một cơ thể đầy đặn, săn chắc. Cô không chắc cằm của mình đáng yêu nhưng tự tin cần cổ rất đẹp. Vì thế, cô thường ngẩng cao đầu… Đôi mắt cô màu nâu, lanh lợi và thông minh, gợi cảm và thận trọng. Cô biết rõ mình có những gì. Mùi hương ấm áp, cánh tay phủ lông măng, nửa thân trên hoàn mỹ và hàm răng trắng tuyệt vời”. Philip Roth cũng vậy. Ông và Bellow là hai nhà văn miêu tả sinh động nhất sức hấp dẫn của những phụ nữ bình thường. Khác với Tolstoy, họ không nhấn mạnh sự ngây thơ, thiếu kinh nghiệm tình dục của nhân vật nữ. Thay vào đó, họ tập trung vào sự hớ hênh vô tình. Chúng ta biết nhiều về đồ lót bằng ren màu đen của nhân vật và bữa ăn tối cô dày công chuẩn bị hơn là việc cô có thật sự thông minh hay không.

Cũng trong Herzog, vẻ gợi cảm đậm chất nhục dục của Ramona tương phản với Madeleine, người vợ trẻ đã phản bội Herzog (nhân vật chính), lén lút qua lại với bằng hữu thân nhất của anh. Madeleine không chỉ đẹp mà còn rực rỡ, rạng ngời. Sự sáng chói của cô giống như Anna Karenina, vừa tuyệt vời, mê đắm lại vừa có gì đó tàn ác. Cô không có kỷ luật hay những đức tính tốt đẹp của một học giả trí thức mà chỉ đầy dối trá, phù phiếm. Dù Madeleine là một phụ nữ trí tuệ, Herzog chưa bao giờ đặt cô ngang hàng với mình. Cái thông minh của Madeleine chỉ đơn giản để nâng cao giá trị, vẻ đẹp của cô, cao đến mức xa vời, trở thành nhân vật không thể bàn đến chuyện tình dục.

Ở Tín đồ của Dục vọng (The Professor of Desire), Roth cũng xây dựng hai loại hình nhân vật nữ tương tự. Nam nhân vật chính là David Kepesh bị giằng xé giữa Birgitta, người anh say đắm, có mối quan hệ nồng nhiệt trong suốt tuổi thanh niên, và Claire, một giáo viên ngay thẳng, chính trực, đoan trang.

Karl Ove Knausgaard đưa ra một trường hợp khác qua loạt 6 cuốn tự truyện, Cuộc đấu tranh của tôi (My Struggle). Khi vợ sinh con gái, Karl Ove nghỉ việc một năm để chăm sóc vợ và con. Anh nấu ăn, làm việc nhà và nghĩ đây là chuyện thường tình. Anh thậm chí bế con gái đến lớp Mẹ và Bé, nơi chỉ mỗi anh là nam nhân trong phòng. Nhưng nói điều này không nhằm thể hiện Knausgaard là con đẻ của tân thế giới bình đẳng giới. Bản thân Knausgaard là một phản đề với chủ nghĩa bình đẳng. Cái ông kể lại là sự oán hận và bất hạnh trong cuộc sống gia đình.

Loạt tự truyện của Karl Ove Knausgaard được công bố gần như cùng thời điểm với Người ủng hộ Hoàn mỹ của Ferrante. Cả hai đều đậm chất thực tế, rất hiện đại, tâm lý, thể hiện mọi khía cạnh nghiêm trọng của cuộc sống đơn thân. Họ là những nhà văn thành công, mô tả hết sức thành thật cảm xúc của nhân vật chính về danh tiếng và địa vị. Cả hai đều chú ý đến công việc gia đình và chăm sóc trẻ con nhưng Knausgaard viết về tình yêu đằm thắm...

Trong lần đầu gặp đối tác hôn nhân của mình, Linda, Knausgaard miêu tả cô như sau: “Khi cô hăng hái nói, môi cô cong lên làm hở hàm răng trên… Cô có một đôi môi thật xinh đẹp. Đôi mắt cô màu xám xanh và sáng lấp lánh… Cô đứng dựa lưng vào tường. Tôi chưa nói được bất cứ điều gì với cô vì có rất nhiều người xung quanh nhưng cô thấy tôi và hình như có điều gì muốn nói với tôi”. Sức hút bí ẩn này khiến ta nhớ phản ứng của Levin trước nụ cười của Kitty, cái đưa anh trở lại thời thơ ấu. Bức tường mà Linda dựa là tường một hội thảo văn học uy tín. Điều này bật tín hiệu rằng cô là phụ nữ hợp với Karl Ove. Knausgaard có thể tập trung vào cảm xúc cô gợi lên trong nhân vật chính. “Tôi nhức nhối với mong muốn cho cô ấy biết rằng khi tôi đang đọc, mỗi từ đều đến từ cô ấy, là cô ấy. Tôi chưa bao giờ cảm thấy điều này trước đây”.

Khi họ trở thành vợ chồng, nhiều người dự đoán tương lai của Karl Ove sẽ giống tương lai của Levin. Linda không rời anh nửa bước, ghen cả với chuyện Karl Ove dành nhiều thời gian cho công việc và, để xoa dịu cô, Karl Ove phải phỉnh nịnh hết lời. Chuyện này ngày càng phiền phức hơn khi họ có con.

Phiên bản tình yêu của Knausgaard không giống như Tolstoy, Roth hay Bellow. Bản chất tự nhiên, nguyên cớ của tình yêu được đánh giá theo tiêu chuẩn khác và rất bất ổn. Chưa hết, trong số các biến thể vô tận, ý tưởng lãng mạn dường như nghiêng về một trong hai thái cực: Tình yêu là thứ gì đó bí ẩn, không lời giải đáp hoặc duy nhất một người có khả năng hiểu được nội tâm một người.

Có nhiều lý do để giải thích tại sao phụ nữ khao khát mối quan hệ vợ chồng bình đẳng còn đàn ông thì không. Trong khi Herzog là một học giả nổi tiếng, đầy bạn bè giàu có và thành công, Jane Eyre chỉ là một gia sư bình thường, thấp kém, cô đơn. Cô không được ai để mắt đến cho tới khi Rochester phát hiện thế giới nội tâm độc đáo của cô và mở cho cô lối thoát bấy lâu cô khao khát. Trong suốt nhiều thế kỷ, nam giới được ưu tiên, công nhận. Trái lại, phụ nữ phải phụ thuộc vào đàn ông, nhờ kết hôn để có cơ hội thể hiện tài năng và đồng hành với bạn văn chương.

Phân biệt giới tính cũng là một phần của lý do. Nam giới có lẽ không mong đợi một phụ nữ ngang bằng về tri thức. Dù sao tình yêu vẫn nảy nở, sinh trưởng, bất chấp việc nó bắt đầu từ đâu, có phù hợp với mong muốn của thời đại hay không. Thú vị hơn là, trên cả những ưu điểm hay nhược điểm của mỗi quan niệm tình ái, ngay cả khi trải qua rất nhiều thay đổi trong hai thế kỷ qua, hôn nhân lý tưởng của phụ nữ và đàn ông vẫn khác, cho đến nay cũng còn nhiều bằng chứng bộc lộ sự bất đồng.

ADELLE WALDMAN

THÁI LƯƠNG lược dịch

theo Newyorker.com/ Văn Nghệ

—————

Tác giả Adelle Waldman: Tiểu thuyết gia, nhà báo Mỹ thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí có tiếng như Slate, The New Republic, Vogue.com, và The New York Observer; được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm ăn khách Chuyện tình của Nathaniel P. (The Love Affairs of Nathaniel P.) xuất bản năm 2013.