Ý kiến đóng góp dự thảo Luật Giáo Dục (DỰ THẢO 5) - LG Nguyễn Quốc Thụy Phương

  • www.doanhtri.net
  • 20-04-2018
  • 2084 lượt xem

Bác Hồ đã từng nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” cho thấy việc giáo dục con người rất quan trọng, chính sách giáo dục ảnh hưởng rất lâu và rất sâu đến sự phát triển của đất nước. Vì vậy, Luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn liên quan góp phần rất quan trọng trong sự phát triển đất nước, không chỉ ngay giai đoạn hiện nay mà còn qua nhiều thế hệ sau này.

Thực tiễn cho thấy chất lượng giáo dục của Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Thời gian gần đây ở Việt Nam rộ lên nhiều vụ việc vi phạm về đạo đức của giáo viên, vi phạm của phụ huynh, cũng là một sản phẩm của giáo dục, đối với giáo viên gây rung động dư luận xã hội. Rồi những việc đã thường xuyên xảy như chuyện học sinh bị ép học thêm, giáo viên bị chèn ép phải bỏ tiền để được ký hợp đồng dạy học nhưng có thể bị đuổi bất cứ lúc nào….

Được soạn thảo và đề xuất trong hoàn cảnh thực trạng xã hội như trên, dự thảo 5: LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC * rõ ràng đã nhận được sự quan tâm của các tầng lớp trong xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo con người, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng phát triển. Dự thảo có một số điều tiến bộ hơn quy định hiện hành, ví dụ như quy định chi tiết hơn về việc công nhận văn bằng nước ngoài (Điều 110), hoặc  về tổ chức kiểm định giáo dục (điều 110 a, 110 c), hoặc việc bỏ các điều 13, 17, là những điều mang tính định nghĩa hơn là quy định. Tuy nhiên, bên cạnh đó dự thảo vẫn còn một số điều cần đóng góp ý kiến

-          Thứ nhất là tại điều 7, quy định về “Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; dạy ngoại ngữ”. Như chúng ta đã biết, hiện nay nguồn kiến thức hiện nay trên thế giới rất khổng lồ, cơ hội học tập, giao dịch, kinh doanh cũng rất rộng mở,  cho nên đa số các nước Đông Nam Á cũng đưa tiếng Anh hoặc tiếng Hoa vào là ngôn ngữ chính thức của quốc gia bên cạnh ngôn ngữ gốc của nước đó. Và các em học sinh sẽ được đào tạo ngôn ngữ thứ hai từ những ngày đầu đến trường. Như vậy trong quá trình học tập sau này các học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận đến nền tri thức của nhân loại hơn, thậm chí có quốc gia thu được nguồn ngoại tệ lớn từ việc đào tạo tiếng Anh như Phillippines, hoặc đi lao động nước ngoài như Phillipines, Ấn Độ, hoặc giao lưu trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, hoặc việc một học sinh Malaysia khi tốt nghiệp đại học có thể sử dụng dễ dàng 3-4 ngôn ngữ và có nhiều điều kiện đi du học, hoặc có việc làm tốt…. Tại Việt Nam, cũng theo xu hướng thế giới, các bậc phụ huynh có điều kiện đều cho con đi học thêm ngoại ngữ, mà chủ yếu là Anh ngữ tại các trung tâm với chi phí khá đắt đỏ so với thu nhập bình quân của họ. Xuất phát từ thực trạng đó, nên chăng Việt Nam cũng quy định tiếng Anh là một ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng Việt, được sử dụng và đào tạo trong nhà trường từ cấp tiểu học. Được như vậy ngành giáo dục có thể có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí, giảm sự hỗ trợ từ nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời gíup cho trình độ học sinh sinh viên cũng đồng đều và phát triển, nâng cao năng lực phát triển bản thân trong quá trình hội nhập quốc tế, và cũng là tiền đề để có thể phát triển các chương trình đào tạo liên kết, nâng cao năng lực làm việc và trình độ của sinh viên Việt Nam hiện nay

-          Thứ hai là về chế độ tài chính quy định tại điều 66, dự luật 5 chỉ thay thế cụm từ “trường dân lập, tư thục” thành “cơ sở giáo dục ngoài công lập” mà không thay đổi nội hàm của điều luật. Tôi kiến nghị bổ sung nội dung “tỉ lệ lợi nhuận tối thiểu cần trích để lập quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác của nhà trường theo quy định của pháp luật”. Việc quy định tỉ lệ này nhằm đảm bảo việc tái đầu tư lợi nhuận vào hoạt động giáo dục để đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

-          Tiếp theo và quan trọng nhất là nội dung kiến nghị điều 70 quy định về Nhà giáo. Một thực trạng không thể không quan ngại hiện nay là tình hình đạo đức xuống cấp trong ngành giáo dục, như chuyện bảo mẫu bạo hành trẻ, cô giáo cho học sinh quỳ nhiều lần liên tiếp và không có lý do, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng và trầm trọng nhất là vụ án thầy giáo dâm ô hàng loạt trẻ em…Tại điểm a khoản 2 điều 70 chỉ quy định nhà giáo phải có “phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt”, rất chung mà không có chế tài cũng như tiêu chuẩn liên quan. Nên chăng có quy định cụ thể hơn, đồng thời phài có chế tài và xây dựng quy tắc ứng xử riêng cho những người làm công tác giáo dục.

-          Cuối cùng là vấn đề thu hút nhân tài cống hiến cho ngành giáo dục. Thực trạng giáo dục hiện nay cũng như nhận thức của người dân trong xã hội phải chăng bắt nguồn từ một giai đoạn mà ngành giáo dục thiếu người tài, từ câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, khi mà phần lớn những người không thể học các ngành kinh tế, y dược, bách khoa… mới chọn học ngành sư phạm, khi đầu vào ngành sư phạm là thấp nhất trong các ngành, khi mà các bạn vào sư phạm để được học miễn phí, nhưng sau đó ra trường lại không có được thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra, khi mà thu nhập không đủ nuôi bản thân và gia đình, nhà giáo phải làm thêm đủ thứ nghề khác ngoài giờ để kiếm sống. Tôi cho rằng dự luật 5 cũng như luật giáo dục hiện hành không chú trọng nội dung này. Cho nên theo tôi, luật giáo dục cần quy định các chính sách liên quan đến khuyến khích nhân tài, tạo điều kiện để người làm giáo dục yên tâm công tác, đồng thời chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra … phải phù hợp và thực tế, không sáo rỗng, không tạo áp lực cho người học, phụ huynh, người dạy, người làm công tác quản lý…, có vậy chất lượng giáo dục mới tăng lên, đáp ứng nhu cầu xã hội và theo kịp đà phát triển của thế giới.

-          Trên đây là một số ý kiến đóng góp về Luật giáo dục, rất mong nhận được sự quan tâm, xem xét và sửa đổi để Luật giáo dục có thể đi vào cuộc sống.


* Luật giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi: (1) Luật số 44/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010; (2) Luật giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015; (3). Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017

 

 LG Nguyễn Quốc Thụy Phương

www.doanhtri.net

 

Xem thêm Tin Pháp luật