Xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật

  • www.doanhtri.net
  • 08-12-2021
  • 486 lượt xem
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng
 
(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp thứ 6 diễn ra vào sáng 8/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật).
 
Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
 
Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật là sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền, đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
 
Với phạm vi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật gồm 10 điều, trong đó có 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
 
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.
 
Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí quan điểm xây dựng Luật đã được xác định tại Tờ trình số 535/TTr-CP của Chính phủ và nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật cần bám sát các quan điểm này để bảo đảm phạm vi sửa đổi, bổ sung phù hợp với mục đích ban hành Luật.
 
Để có thêm cơ sở, luận cứ cho việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về: Căn cứ của việc ban hành một Luật để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều luật; tính cấp thiết, cấp bách, có tác động ngay của từng nội dung sửa đổi, bổ sung, có thể thực hiện được ngay, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường của Quốc hội.
 
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn công tác triển khai thực hiện các luật vừa được Quốc hội ban hành năm 2020 và mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 để làm rõ hơn sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các Luật này.
 
Về hồ sơ và bố cục dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ các loại tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung dự án Luật theo Tờ trình số 535/TTr-CP đã tiếp thu nhiều ý kiến của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
 
Để bảo đảm Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện thêm về: Nội dung Báo cáo đánh giá tác động. Tình hình thực hiện các quy định của pháp luật, trong đó, tách bạch rõ những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc có nguyên nhân do luật và những vấn đề có nguyên nhân do văn bản dưới luật hoặc do quá trình tổ chức thực hiện; đánh giá đầy đủ thực tiễn làm cơ sở cho việc đề xuất chính sách mới, đặc biệt là khía cạnh bảo đảm an toàn hệ thống, quốc phòng, an ninh. Tiếp tục hoàn thiện dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nội dung sửa đổi, một số nội dung cần quy định chi tiết nhưng chưa có văn bản thì cần bổ sung trong Hồ sơ dự án Luật. Tiếp tục chỉnh lý các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật phù hợp với các nội dung mới của dự thảo Luật theo Tờ trình số 535/TTr-CP; bổ sung đầy đủ ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách và các cơ quan, tổ chức liên quan trực tiếp.
 
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng
 
Về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù với quy định của Hiến pháp năm 2013, đề nghị Chính phủ các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến nội dung được sửa đổi, bổ sung của các luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất nội tại của từng luật được sửa đổi, bổ sung.
 
Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, nhấn mạnh các Luật có quy định sửa đổi, bổ sung thuộc dự án Luật có phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, điều kiện bảo đảm thi hành khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ về việc áp dụng pháp luật, hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của từng quy định cụ thể, phù hợp với quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi và tránh gây vướng mắc trong thực tiễn.
 
Nguyễn Hoàng    https://baochinhphu.vn/
 

Xem thêm Tin Pháp luật