Xác định vốn và giá trị đất trong cổ phần hóa DNNN: 2 vấn đề pháp lý “nóng” cần tháo gỡ

  • www.doanhtri.net
  • 29-05-2020
  • 571 lượt xem
(Pháp lý) – Theo dự tính, năm 2020 sẽ là năm trọng tâm của hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên trên thực tế thì hoạt động này lại diễn ra chậm vì những lý do khách quan và thể chế. Vướng mắc mà các doanh nghiệp nêu ra là quy trình phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa quá chặt chẽ. Một vướng mắc nữa là vấn đề xác định vốn trong cổ phần hóa.
 
Việc xác định vốn cổ phần hóa là vấn đề “nóng”
 
Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Có 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, có 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.
 
Cụ thể, có 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên gồm: 1- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 2- Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) – Công ty mẹ; 3- Tổng Công ty Lương thực miền Bắc; 4- Công ty TNHH MTV Khoáng sản.
 
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai quy trình này khó có thể hoàn thành đúng thời hạn vì những quy định chặt chẽ trong quá trình cổ phần hóa và do sự phối hợp chưa kịp thời ở các tỉnh thành cũng như các cơ quan chức năng được giao. Thực tế, việc xác định vốn trong cổ phần hóa vẫn là vấn đề nóng. Định giá quá cao thì khó bán. Định giá thấp thì làm thất thoát vốn của nhà nước. Vướng mắc lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa… còn là phương án xử lý về giá trị đất đai.
 
Doanh nghiệp lớn vướng mắc cũng lớn
 
Theo quy định của Quyết định 26 của Thủ tướng, TKV là Công ty nhà nước được giao cổ phần hóa đến năm 2020. Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2019, doanh nghiệp này đã phải xin lùi thời gian cổ phần hóa.
 
Theo yêu cầu, sau cổ phần TKV là một trong bốn doanh nghiệp Nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên. Chủ tịch Tập đoàn này đã xác định rõ quy trình để cổ phần hóa tại doanh nghiệp mình. Bước đầu tiên là phải lập phương án xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bước thứ 2 là tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Bước thứ 3 là lập phương án cổ phần hoá, trong đó có phương án xử lý tài chính, xử lý lao động, cơ cấu bán cổ phần lần đầu, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hoá. Bước thứ 4 là tổ chức bán cổ phần ra công chúng. Bước cuối cùng là tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu để thành lập công ty cổ phần, sau đó bàn giao và quyết toán cổ phần hoá.
 
Trên trang thông tin của Tập đoàn, đơn vị này cũng xác định rõ những thuận lợi và khó khăn gặp phải trong quá trình cổ phần hóa. Theo đó, về mặt chủ quan, TKV phải xử lý những tồn tại về tài chính qua nhiều năm hoạt động, nhất là những tồn tại về tài chính trong quá trình cổ phần hóa các công ty con trước đây được chuyển về Công ty mẹ – Tập đoàn để xử lý. Mặt khác, do sử dụng rất nhiều đất đai, nhà xưởng phục vụ sản xuất (17,37 triệu m2 đất và 1,6 triệu m2 nhà ở 33 tỉnh, thành phố) nên việc lập phương án xử lý nhà đất và quá trình thẩm định, phê duyệt đã bị kéo dài do số lượng công việc quá lớn. Ngoài ra, do quy mô lao động của Công ty mẹ trên 50 ngàn người nên việc tính toán số năm công tác của người lao động để mua cổ phần ưu đãi cũng là một công việc có khối lượng rất nhiều và mất thời gian.
 
Và thực tế, TKV đã tiến hành cổ phần hóa chậm hơn kế hoạch. Lý do được lý giải là theo quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp thì phương án sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Bộ Tài chính và địa phương) trước khi ban hành quyết định thực hiện cổ phần hóa. Thực tế, diện tích đất đai mà TKV đang quản lý, sử dụng được phân bố ở 32 tỉnh thành nên kế hoạch sắp xếp không hề đơn giản.
 
Tương tự, theo Quyết định số 26 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Bộ Công thương sẽ thực hiện cổ phần hóa 02 doanh nghiệp, gồm: Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC. Hiện nay, Bộ Công thương đang tiếp tục chủ trì, thực hiện sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các đơn vị này trước khi ban hành quyết định cổ phần hóa theo quy định.
 
Cũng là một doanh nghiệp lớn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN (Agribank) cũng gặp khó khăn và không thể cổ phần hóa đúng hẹn vì nợ xấu và liên quan đến định giá những bất động sản của ngân hàng. Trả lời tờ VietNam Finance, ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng này cho biết về những vấn đề doanh nghiệp này gặp phải khi cổ phần hóa: Ngân hàng gặp khó trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, nguyên nhân 1 phần là do nợ xấu. Trong giai đoạn tái cơ cấu, Agribank phải kiện ra tòa dân sự 6.500 vụ việc với tổng giá trị tranh chấp trên 4.000 tỷ đồng. Hiện đã có 3.300 bản án có hiệu lực pháp luật đang chờ các cơ quan thi hành án giải quyết. Số vụ án đang xử tại tòa là 3.200 vụ, công tác thi hành án cực kỳ phức tạp, có không ít vụ kéo dài 4 – 5 năm; tài sản bán đấu giá trên 10 lần không thành. Điều đáng nói, khi đưa vụ việc ra cơ quan bảo vệ pháp luật thì lập tức khách hàng ngừng trả nợ, tài sản bảo đảm không xử lý được nên xuống cấp, giá trị thu hồi không đáng kể so với số nợ vay. Có vụ hầu như mất trắng, đơn cử vụ việc liên quan đến 16 khách hàng có dư nợ trên 5.000 tỷ đồng, khi chốt thời điểm đưa vụ việc ra xét xử thì chỉ thu được 190 tỷ đồng, tương ứng 8,7%…
 
Agribank gặp nhiều khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
 
Liên quan đến phần xác định giá trị doanh nghiệp chuẩn bị cho cổ phần hóa, ông Khánh cho biết: Ngân hàng hiện có 294 cơ sở nhà đất, với tổng số 2,6 triệu m2 đất, nguồn gốc đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Mặc dù ngân hàng đã rốt ráo phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương xử lý từ 2 năm nay nhưng hiện tại vẫn ngổn ngang.
 
Kiến nghị
 
Dẫn Nghị định số 126/2017 về chuyển DNNN và Công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành Công ty cổ phần với việc bổ sung quy định xác định giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 05 năm (gồm các chi phí: thành lập doanh nghiệp, đào tạo nhân viên, quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước), Bộ Công thương cho rằng, quy định như trên, đặc biệt quy định giá trị thương hiệu được xác định dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống, hoàn toàn là các yếu tố định tính, sẽ rất khó khăn trong công tác xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp cổ phần hóa đang khó khăn hiện nay, thì quy định không rõ ràng sẽ dẫn đến các khả năng, hoặc doanh nghiệp cố tình không xác định, hoặc xác định không thỏa đáng về giá trị thương hiệu, đẩy trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định.
 
Trong khi đó, liên quan đến các quy định về đất đai, Bộ Công thương và doanh nghiệp phải thực hiện những quy trình, thủ tục rất chặt chẽ quy định tại Nghị định số 167/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để có thể thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý từng cơ sở nhà, đất của doanh nghiệp, như: doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tất cả các cơ sở nhà, đang quản lý, sử dụng để tổng hợp, báo cáo Bộ Công thương lập phương án xếp lại, xử lý nhà, đất tổng thể của cả Bộ; đối với các cơ sở nhà, đất tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công thương gửi Bộ Tài chính chủ trì, còn đối với các cơ sở nhà, đất tại các địa phương còn lại, Bộ Công thương chủ trì thực hiện các thủ tục sắp xếp (kiểm tra hiện trạng, xin ý kiến UBND tỉnh, thành phố nơi có đất, trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh, thành phố gửi Bộ Tài chính xin ý kiến, ban hành văn bản về quyết định phương án sử dụng đất…).
 
Theo Bộ Công thương, những thủ tục này phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều Bộ, ngành và các thủ tục khác có liên quan để có cơ sở cho các cơ quan chức năng xem, có ý kiến, do vậy mất rất nhiều thời gian. Hơn thế, điều kiện, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của doanh nghiệp trong khi việc này không chỉ phụ thuộc vào Bộ Công thương và doanh nghiệp nên rất khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng số lượng cơ sở nhà, đất lớn.
 
Từ thực tiễn này, Bộ Công thương kiến nghị cần có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc rà soát, xây dựng, báo cáo, đề xuất phương án sắp xếp lại, sử dụng cơ sở nhà, đất; có quy định và chỉ đạo cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành, Bộ Tài chính và UBND tỉnh/thành phố khi có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của doanh nghiệp. Đồng thời, có quy định về sự ưu tiên thực hiện các thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với các doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hóa.
 
Tổng Công ty Giấy Việt Nam (doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương) không thể tiến hành cổ phần hóa đúng kế hoạch.
 
Lo ngại chính sách sắp ban hành còn rào cản…
 
Được biết hiện nay, dự thảo sửa đổi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DNNN và Công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành Công ty cổ phần. Nghị định dự kiến sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành trong quý I/2020.
 
Dự thảo Nghị định sẽ tách bạch phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Nghị định sẽ hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, nội dung, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
 
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định để giúp doanh nghiệp cổ phần hóa, cơ quan đại diện chủ sở hữu và địa phương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền đối với diện tích đất của doanh nghiệp sử dụng khi cổ phần hóa. Theo đó, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt; nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp theo phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), các địa phương có ý kiến về diện tích đất trên địa bàn mà doanh nghiệp tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa. Sau đó, chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ phê duyệt phương án này.
 
Nghị định này quy định: Các địa phương phải có ý kiến thống nhất phương án sử dụng đất đối với các diện tích không có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có ý kiến về: sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), hình thức, mục đích sử dụng đất đối với các diện tích đất có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt và các diện tích đất doanh nghiệp được giao, nhận chuyển nhượng, thuê đất hợp pháp phát sinh từ sau thời điểm phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (nếu có).
 
Trường hợp đề xuất phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có) hoặc khác với mục đích sử dụng đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sử dụng đối với các diện tích đất này cho phù hợp. Trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh lại phương án sử dụng các diện tích đất này thì phải trả lại Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác.
 
Tuy nhiên, trao đổi với Phóng viên Pháp lý về chính sách trên, một đại diện doanh nghiệp cho rằng: Các quy định trên chưa đủ mở để tạo ra thông thoáng trong thủ tục hành chính dành cho doanh nghiệp cổ phần hóa. Yêu cầu trả lại đất để Nhà nước sử dụng vào mục đích khác khi doanh nghiệp không sắp xếp được theo quy hoạch địa phương sẽ không khả thi bởi thực tế, đất đai với doanh nghiệp là quyền tài sản, góp phần làm tăng giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa… không dễ gì doanh nghiệp muốn từ bỏ. E rằng những quy định này, nếu không được cân nhắc kĩ lưỡng trước khi ban hành, sẽ lại “tăng khó” cho DNNN cổ phần hóa.
 
 
 

Xem thêm Tin Pháp luật