WHO bồi thường cho tác dụng phụ của vaccine COVID-19

  • www.doanhtri.net
  • 25-02-2021
  • 411 lượt xem
(Chinhphu.vn) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng ý bồi thường cho những khiếu nại về tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine COVID-19 đối với 92 nước có tham gia Chương trình phân phối vaccine toàn cầu (COVAX).
 
Trong thông báo ngày 22/2, WHO cho biết chương trình No-Fault Compensation (Tạm dịch: Bồi thường không lỗi) là cơ chế đầu tiên và duy nhất trên quy mô toàn cầu bồi thường các trường hợp chịu ảnh hưởng của vaccine. Đối tượng được bồi thường là những người tham gia tiêm chủng loại vaccine được phân phối theo Chương trình COVAX do WHO chủ trì.
 
“Bằng cách cung cấp khoản bồi thường một lần mà không phải nộp đơn kiện ra tòa án (no-fault lump-sum compensation) để giải quyết đầy đủ và đến cùng bất kỳ khiếu nại nào, chương trình COVAX nhằm mục đích giảm đáng kể nhu cầu kiện cáo đòi bồi thường - một quá trình có thể kéo dài và tốn kém”, tuyên bố cho biết.
 
WHO khẳng định toàn bộ vaccine được phân phối trong COVAX đều phải được cấp phép lưu hành hoặc cấp phép sử dụng khẩn cấp để xác thực độ an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát sinh các trường hợp gặp phản ứng phụ là điều khó tránh khỏi, tương tự các loại thuốc dù được cấp phép lưu hành, song nhiều trường hợp hiếm hoi vẫn gặp phải những phản ứng phụ nghiêm trọng.
 
Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022, trong đó bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng và minh bạch cho những cá nhân gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng. Sẽ có một nhóm chuyên gia đánh giá những ảnh hưởng tiêu cực của vaccine đối với sức khỏe người khiếu nại. Hồ sơ yêu cầu bồi thường sẽ được tiếp nhận qua cổng điện tử www.covaxclaims.com từ ngày 31/3/2021.
 
Chương trình bồi thường sẽ do ESIS, một chi nhánh của Chubb Limited, công ty bảo hiểm đa quốc gia có trụ sở tại Zurich (Thụy Sĩ), điều hành. Theo WHO, nguồn quỹ bồi thường sẽ do Liên minh vaccine GAVI đảm nhận thông qua khoản phí tính trên tất cả các liều vaccine COVID-19 được phân phối qua COVAX.
 
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh thỏa thuận này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn và tạo dựng niềm tin đối với vaccine cứu sống mạng người - vốn là điều mà người dân nhiều nước đang quan ngại và cản trở công tác tiêm chủng tại nhiều nước. 
 
Giám đốc điều hành của Liên minh vaccine GAVI, đồng lãnh đạo COVAX, Seth Berkley cho biết, thỏa thuận về cơ chế bồi thường là "một sự thúc đẩy lớn" cho COVAX, nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine COVID-19. Theo ông Berkley, không chỉ giúp các nước bớt lo lắng, quỹ bồi thường cũng hỗ trợ tinh thần cho các nhà sản xuất vaccine, khuyến khích họ mạnh tay cung cấp vaccine cho COVAX.
 
Theo Reuters, động thái của WHO đã giải quyết mối quan tâm lớn của các chính phủ tiếp nhận vaccine theo cơ chế COVAX. Reuters bình luận, việc WHO đồng ý thành lập quỹ bồi thường sẽ xóa tan nghi ngờ và phần lớn lo ngại của các nước này.
 
COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine tới các nước tham gia trong năm 2021, trong đó có 1,3 tỷ liều dành cho 92 nước thu nhập thấp và trung bình. "Đây sẽ là đợt phân phối vaccine nhanh nhất và lớn nhất trong lịch sử", WHO nhấn mạnh trong thông cáo ngày 22/2.
 

Xem thêm Thế giới