Vị luật sư của dân chủ và pháp quyền

  • www.doanhtri.net
  • 03-07-2020
  • 555 lượt xem
Ngay từ lúc là sinh viên luật tại Pháp những năm 1930, Nguyễn Hữu Thọ luôn tự nhủ: Ráng học xong để về nước làm điều gì có ích cho dân, cho nước. Cả cuộc đời ông đã sống và làm vì điều đó.
 
Trở về nước, khi trở thành luật sư, ông hiểu rất rõ thân chủ của mình trước tiên là dân nghèo thuộc đủ thành phần bị áp bức và những người kháng chiến lỡ sa vào tay giặc.
 
Đấu tranh tại pháp đình trong lòng địch
 
Năm 1948, ông Hoàng Xuân Bình, một cán bộ cao cấp của cách mạng bị Cao ủy Pháp khép tội “phản quốc”, có thể bị kết án từ năm năm tù đến tử hình. Trước Tòa án Quân sự Sài Gòn, trạng sư Thọ hùng hồn: “Nếu buộc tội một người Việt phản bội nước Pháp khi làm bổn phận người Việt thì là sự lầm lỗi về mặt luật pháp cũng như về mặt lý lẽ”… “Người Việt có bổn phận tuân theo Chính phủ Hồ Chí Minh do Pháp nhìn nhận”. Sau đó, ủy viên chính phủ Pháp phải nêu lại tội danh là “hoạt động lật đổ”. Cuối cùng, địch buộc chỉ kết án ông Bình ba năm tù giam.
 
Ngày 12-12-1952, 121 anh em tù binh Côn Đảo vượt ngục, bị địch bắt lại và đưa ra Tòa án binh Sài Gòn xử về tội phá rối trật tự trong nhà tù. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã phản bác lại lời buộc tội của Tòa án binh Pháp nên anh em tù binh được trắng án.
 
Những năm 1953, bà Nguyễn Thị Bình (sau này là Phó Chủ tịch nước) và bà Đỗ Duy Liên (sau này là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) bị bắt. Với hồ sơ thuộc loại “nặng”, họ có thể bị tù vài chục năm. Ông đã làm giảm nhẹ “tội” cho hai bà, họ được tại ngoại và ông gánh lấy mọi trách nhiệm để hai bà được trở lại hàng ngũ kháng chiến.
 
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (ảnh chụp năm 1962). Ảnh: Tư liệu
 
Ông đã nhiều lần gặp trực tiếp Thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu và yêu cầu trả tự do cho học sinh, sinh viên, công nhân bị bắt, trả lại công ăn việc làm cho công nhân bị sa thải v.v… Là trưởng phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn-Chợ Lớn, ông phân công các thành viên đi làm việc với các công sở liên quan đến từng vụ việc…
 
Đau đáu với nhà nước pháp quyền XHCN
 
Sau ngày giải phóng, ông quan tâm ngay đến việc xây dựng luật hình sự và luật tố tụng hình sự của Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đối phó với tình hình an ninh trật tự. Với nỗ lực lớn, hai luật nói trên được công bố cuối năm 1975, được giới luật gia đánh giá cao.
 
Đến khi cuộc bầu cử Quốc hội chung cả nước được tiến hành, với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử trung ương, ông đề nghị: Nên có ứng cử viên là những người ngoài Đảng có đủ tiêu chuẩn, kể cả những người đã làm việc trong chính quyền Sài Gòn cũ nhưng có cộng tác với cách mạng và có lý lịch rõ ràng, bảo đảm.
 
Được Quốc hội khóa 6 bầu làm Phó Chủ tịch nước, luật sư bắt tay ngay vào những việc đã được Chủ tịch Tôn Đức Thắng phân công: phụ trách vấn đề luật pháp và vấn đề đối ngoại của nhà nước.
 
Ông luôn quan tâm chống tệ nạn quan liêu lợi dụng chức quyền ăn cắp của công, ức hiếp quần chúng. Nhiều lần người dân đến xin gặp ông ở nơi làm việc, ông sẵn sàng tiếp và lắng nghe. Ông nói: “Dân ta sẵn sàng chịu đựng đói nghèo nhưng không thể chấp nhận áp bức, bất công”.
 
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (giữa) và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết ở Algérie (tháng 9-1973). Ảnh: Tư liệu
 
Ông là người đầu tiên đề xuất đất nước cần ban hành những bộ luật căn bản vì trước đó, ngoài Luật Hôn nhân và Gia đình, đất nước chỉ có sắc lệnh, chưa có Bộ Tư pháp.
 
Khi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng qua đời, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ được Quốc hội khóa VI bầu giữ chức Quyền Chủ tịch nước. Trên cương vị mới, ông đã cùng Chính phủ tổ chức chỉ đạo nhân dân cả nước thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, tái thiết và xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, tìm hướng phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
 
Ông dành nhiều trí lực cho việc soạn thảo Hiến pháp năm 1980 và ông chỉ đạo dự thảo đề án thành lập Ủy ban Giám sát trực thuộc Ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của người dân.
 
Ông lưu ý: Những kết luận của Ủy ban Giám sát phải có hiệu lực, không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thanh tra và kiến nghị, mà còn có quyền ngưng thi hành hoặc đề nghị hủy bỏ những quyết định sai trái, xử lý những cán bộ vi phạm.
 
Tháng 7-1982, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội (Khóa 7) kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Quốc hội khóa 7 đã xây dựng được nhiều bộ luật cơ bản được như Luật Tổ chức Quốc hội và các cơ quan đầu não của nhà nước, quy chế đại biểu Quốc hội v.v… Đây là Quốc hội của thời kỳ đổi mới. Xác định nguyên tắc, phương hướng xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Pháp luật phải nghiêm minh thì mới có tự do, dân chủ
 
Đảng ta là một Đảng cầm quyền, để thực hiện pháp luật có hiệu quả, ông phát biểu quan điểm bằng bài viết: “Phân định chức năng giữa tổ chức Đảng và nhà nước - điều kiện đầu tiên thực hiện pháp luật”.
 
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thăm giải phóng quân. Ảnh: Tư liệu
 
“Tất cả các tổ chức Đảng, từ cấp cao đến cấp thấp đều phải xem các bộ luật là của Đảng, là của nhà nước, đều phải tôn trọng và chấp hành, không hề có ngoại lệ. Một trường hợp mà tổ chức Đảng phát hiện thuộc phạm vi xã hội cần xử lý thì nhất thiết phải thông qua cơ quan pháp luật, phải do cơ quan pháp luật thụ lý và phán quyết đúng như những điều khoản đã ghi trong luật…"
 
Ông thường nói: “Tự do, dân chủ chỉ có được thực sự khi hệ thống luật pháp đúng, đủ và được thực hiện nghiêm chỉnh. Người dân phải được bảo vệ các quyền cơ bản của mình”. Ông thường xuyên cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp và cụ thể những vụ khiếu nại, tố cáo khi xét thấy nghiêm trọng; sau đó tiếp tục chăm chú theo dõi những bước xử lý. Ông hay nhắc nhở câu: “Luật mà thi hành không nghiêm thì sẽ đẻ ra luật rừng, luật rừng đẻ ra xã hội rừng”.
 
Trong làm luật, ông nhấn mạnh đến “nguyên tắc suy đoán vô tội”, người chưa bị kết án thì chưa thể bị coi là có tội. Về làm luật hình sự, ông lưu ý: “Chúng ta làm luật là để bảo vệ người lương thiện. Không phải là bộ luật hình sự là để trừng phạt những người có tội. Bởi trong 80 triệu dân Việt Nam thì chỉ có vài ngàn hoặc vài chục ngàn người có tội”. Ông cũng có phần đóng góp rất có ý nghĩa trong Điều 68 của Chương 9 quyền công dân thuộc Hiến pháp năm 1992: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước và về nước theo quy định của pháp luật.
 
Trong điều hành, ông rất mạnh dạn, có khi chấp nhận cả sự gai góc nhưng có lý, có tình, vì lợi ích của đại cuộc, vì sự nhiệt thành với dân, với nước.
 
NGUYỄN HỮU CHÂU   https://plo.vn/

Xem thêm Thời sự