Từ vụ tranh chấp nhãn hiệu của Công ty WINCO với INCOLAW: Bài học nào cho các doanh nghiệp trong bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ?

  • www.doanhtri.net
  • 09-01-2021
  • 1031 lượt xem
(PLBQ). Mới đây, chuyên trang Pháp luật và Bản quyền có đăng tải bài viết “Tranh chấp nhãn hiệu “WINCOLAW” với “INCOLAW”: Khi công ty chuyên làm dịch vụ sở hữu trí tuệ cũng gặp khó trong bảo vệ Quyền ....”. Sau khi bài viết đăng tải, chúng tôi nhận được những quan tâm tương tác phản hồi từ nhiều độc giả về vấn đề xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu của từng cá nhân, doanh nghiệp.
 
Đặc biệt nhiều Doanh nghiệp quan tâm và mong muốn Pháp luật và Bản quyền phân tích chỉ rõ để các Doanh nghiệp Việt hiểu rõ hơn và rút ra những bài học quan trọng trong hành trình gây dựng thương hiệu và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của Doanh nghiệp.
 
Tóm tắt vụ tranh chấp
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật và tham gia vào các Công ước quốc tế, Hiệp định hợp tác quốc tế, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Điều này mở ra cơ hội và tạo thuận lợi giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát triển hơn. Tuy nhiên, các vụ vi phạm và tranh chấp nhãn hiệu, tên thương mại ở Việt Nam vẫn xảy ra ngày một nhiều hơn với diễn biến phức tạp.
 
Câu chuyện này đang xảy ra đối với nhãn hiệu “WINCOLAW & hình” của Công ty WINCO. Phía Công ty WINCO cho rằng Công ty Tư vấn INCOLAW và Công ty Luật INCOLAW đã sử dụng dấu hiệu “INCOLAW” trong tên thương mại, trên các giấy tờ giao dịch, trên website, trên các phương tiện quảng cáo, biển hiệu cho các dịch vụ sở hữu công nghiệp, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “WINCOLAW & hình” của Công ty WINCO.
 
Sau nhiều lần liên lạc để làm việc với Công ty tư vấn INCOLAW và Công ty Luật INCOLAW nhưng không thành, Công ty WINCO đã hoàn tất thủ tục pháp lý để tiến hành khởi kiện hai công ty INCOLAW ra Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu trên.
 
Cụ thể, Công ty WINCO yêu cầu hai công ty INCOLAW chấm dứt sử dụng dấu hiệu “INCOLAW” trong tên thương mại, trên các phương tiện quảng cáo, trên website, biển hiệu, trên các phương tiện kinh doanh…; Thay đổi tên Công ty tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh và Giấy đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh; ngoài ra, đăng 5 lần liên tiếp tại 5 loại báo và truyền hình để xin lỗi Công ty WINCO; Yêu cầu bồi thường cho Công ty WINCO về sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp với số tiền tạm tính tới nay là 35 tỷ đồng Việt Nam. 
 
“WINCOLAW và hình” và “INCOLAW”
 
Thuật ngữ “nhãn hiệu”, “tên thương mại” được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Còn Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
 
Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”
 
Có thể thấy, mục đích để các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại chính là để phân biệt với các tổ chức, doanh nghiệp khác. Việc sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại tương tự sẽ dẫn đến hệ lụy là cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của các công ty có nhãn hiệu, tên thương mại tương tự nhau.
 
Trong bài viết tại kỳ I, chúng tôi đã phân tích xem nhãn hiệu “WINCOLAW và hình” của Công ty WINCO có bị tên thương mại của hai công ty INCOLAW xâm phạm hay không?  Pháp luật và Bản quyền đã phân tích khá rõ điểm giống và khác nhau giữa nhãn hiệu của Công ty WINCO và tên thương mại của hai công ty INCOLAW.
 
Theo đó, việc Công ty WINCO cho rằng tên thương mại của hai Công ty INCOLAW sử dụng tương tự và gây nhầm lẫn với nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “WINCOLAW và hình” đã được bảo hộ của mình là chưa đủ căn cứ khách quan, cơ sở pháp lý để khẳng định.
 
Theo ý kiến của Luật sư Trần Hồng Cường - Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á thì Công ty WINCO cần phải tìm thêm tài liệu chứng cứ để chứng minh nếu muốn kiên quyết khởi kiện.
 
Bài học các doanh nghiệp nhận được là gì?
 
Cả phía Công ty WINCO và hai công ty INCOLAW đều có những lập luận và chứng cứ riêng để bảo vệ quyền lợi cho nhãn hiệu và dấu hiệu trong tên thương mại của mình. Chuyện ai đúng ai sai thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
 
Vụ việc đang được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nhưng bài học pháp lý mà nó mang lại là vô cùng có giá trị. Có thể thấy, việc sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại của các doanh nghiệp , nếu không nghiên cứu kĩ và tuân thủ pháp luật, rất có thể sẽ dễ dàng vướng vào tranh chấp. Các doanh nghiệp cần cảnh giác hơn, tự chuẩn bị cho mình những hiểu biết và hành động nhất định nếu tranh chấp xảy ra với công ty mình.
 
Những hành động pháp lý nhằm bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng và các doanh nghiệp cần phải làm ngay bây giờ.
 
Thứ nhất, việc xin cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu, tên thương mại … để bảo vệ “tài sản sở hữu trí tuệ” là điều cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ việc đăng ký sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các doanh nghiệp mới thành lập. Các doanh nghiệp này đang bỏ qua một loại “tài sản vô hình” có giá trị quan trọng và đại diện cho cả hành trình xây dựng và phát triển của chính mình.
 
Việc bảo đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu, tên thương mại… là điều kiện tiên quyết mà tất cả các doanh nghiệp dù mới thành lập hay đã thành lập lâu năm đều cần phải thực hiện. Cho đến khi có tranh chấp liên quan xảy ra, điều đầu tiên các doanh nghiệp cần là chứng minh nhãn hiệu, tên thương mại… là “tài sản” của mình. Nếu doanh nghiệp không tiến hành đăng ký bảo hộ với nhãn hiệu, tên thương mại… của mình thì hoàn toàn không có cơ sở để đòi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết quyền lợi.
 
Thứ hai, doanh nghiệp cần tự trang bị kiến thức pháp luật và cả các mối quan hệ cho mình. Nhiều doanh nghiệp nước ta khi vướng đến tranh chấp liên quan đến Sở hữu trí tuệ lại không biết phải làm gì, nhờ cơ quan nào, quy trình thủ tục và giải quyết như thế nào. Sự thiếu hiểu biết này vừa khiến sự việc mất thời gian vừa dẫn đến các thiệt hại về kinh tế, uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp đó.
 
Thế nên, các doanh nghiệp cần có hiểu biết nhất định về pháp luật liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp có thể hỏi thăm các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực nhãn hiệu, thương hiệu để tìm hiểu về điều kiện, phương thức, thủ tục, hạn chế của pháp luật Sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu, tên thương mại nói riêng.
 
Các doanh nghiệp cũng cần có sự liên kết với những tổ chức có thể hỗ trợ mình như các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề, câu lạc bộ doanh nghiệp… Như thế, lúc xảy ra tranh chấp liên quan đến thương hiệu, doanh nghiệp sẽ có sự ủng hộ, trợ giúp của các doanh nghiệp này trong việc bảo vệ quyền lợi liên quan cũng như uy tín với khách hàng.
 
Thứ ba, doanh nghiệp cần chuẩn bị kĩ càng trước khi tiến hành yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết khi cảm thấy “tài sản” sở hữu trí tuệ của mình bị xâm phạm.
 
Khi doanh nghiệp phát hiện có một bên khác đang sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại… có thể ảnh hưởng đến nhãn hiệu, tên thương mại… của doanh nghiệp mình, doanh nghiệp đó cần tìm hiểu cho kỹ càng trước khi tiến hành bảo vệ quyền lợi bản thân: Cần kiểm tra xem doanh nghiệp kia sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại… đó từ bao giờ; liên quan như thế nào đến nhãn hiệu, tên thương mại… của mình; mức độ ảnh hưởng; hệ quả liên quan...
 
Cuối cùng, doanh nghiệp nên hỏi ý kiến các chuyên gia, luật sư, những đơn vị pháp lý hỗ trợ xem có đủ căn cứ tiến hành khởi kiện hay không? Nếu có thể khởi kiện thì cần thu thập thông tin, chứng cứ, tài liệu gì?
 
Vụ tranh chấp nhãn hiệu giữa công ty WINCO và hai công ty INCOLAW đã để lại bài học đáng nhớ cho các doanh nghiệp khác. Và không chỉ trong việc bảo hộ nhãn hiệu, tên thương mại… các doanh nghiệp còn phải có ý thức cao trong việc thực hiện nghĩa vụ và bảo vệ các quyền lợi khác mà pháp luật quy định. Chỉ khi bảo vệ được quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, thì xã hội mới ngày càng phát triển và nền kinh tế cũng ngày một tăng cao.
 
 

Xem thêm Doanh nghiệp