TSKH - Nhà phê bình Phan Hồng Giang: Mẹ tôi là người đề cao nữ quyền

  • www.doanhtri.net
  • 22-06-2019
  • 778 lượt xem

TSKH Phan Hồng Giang là con trai thứ của nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Vốn sinh ra và lớn lên ở Huế, lại được sống trong một nếp nhà của những người làm khoa học nên ông là người trầm tĩnh, đĩnh đạc và kiệm lời…

Những ngày Tết, với ông luôn là những ký ức đầy tràn về gia đình, về mẹ, về tuổi thơ thiếu vắng hình bóng người mẹ thân yêu vì bà ra đi sớm, khi vừa về hưu được vài tháng, các con chưa kịp trưởng thành để chăm sóc và nuôi dưỡng mẹ. Những kỷ niệm về ngày Tết bên gia đình xa xưa luôn có một giá trị bền vững là điểm tựa cho ông và những người con khác trong suốt những năm tháng sau này.

Trong suốt cả một thế kỷ văn học, người ta nhắc đến nhà phê bình văn học Việt Nam Hoài Thanh - Hoài Chân cùng với "Thi nhân Việt Nam" như một hiện tượng phê bình độc nhất vô nhị của Việt Nam. Cho đến nay, đỉnh cao phê bình "Thi nhân Việt Nam" vẫn chưa ai vượt qua.

Điều đặc biệt hơn, chính niềm say mê của nhà phê bình Hoài Thanh như một cầu nối để 2 trong số những người con sau này đi theo nghề của cha mình, để lại những trang văn được nhiều thế hệ nghiên cứu phê bình nhớ đến. Người ta vẫn nói, đằng sau sự thành công của người chồng, có bóng dáng người vợ đảm đang, một người mẹ chăm lo, xông xáo vì các con. Nhắc về mẹ của mình, TSKH Phan Hồng Giang có những ký ức không nguôi ngoai.

Nhà phê bình Phan Hồng Giang.

Mẹ ông là bà Phan Thị Nga, người đàn bà họ Phan mà sau này, nhà phê bình Phan Hồng Giang đã lấy họ của mẹ để đặt bút danh cho mình (tên thật của ông là Nguyễn Đức Hân). Bà quê gốc ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Khi cụ thân sinh bà, là một bác sĩ, vào lập nghiệp ở Phan Thiết đã sinh bà ở Phan Thiết. Một thời gian sau chuyển ra Huế và bà theo học trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế).

Nhà phê bình Hoài Thanh với vợ gặp nhau nhờ sự giới thiệu của bà Tài, vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư. Hai người bạn trai thân kết hôn cùng hai người bạn gái thân. Bức thư lần đầu tiên nhà phê bình viết cho vợ vẫn được các con giữ nguyên vẹn, trong đó, ông nói một câu mà sau này, thành câu chuyện cuộc đời của ông: "Chuyện hôn nhân quan trọng nhưng quan trọng là chúng ta đóng góp được gì cho xã hội". Bà Nga vốn là một nhà hoạt động xã hội, là nhà báo.

Từ những năm 1933-1935, bà Phan Thị Nga là nhà báo nữ hiếm hoi, đã viết bút ký "11 tháng trong lao Thừa Phủ" bị thực dân Pháp cấm (vì hoạt động cách mạng, bà bị Pháp giam 11 tháng). Năm 1931, bà tham gia chi bộ cộng sản đầu tiên ở Huế cùng bà Nguyễn Thị Quang Thái (là vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và ông Lê Viết Lượng (sau này là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Sau 1945, bà là nhà giáo rồi là cán bộ nghiên cứu nghệ thuật sân khấu tại Vụ Nghệ thuật sân khấu, Bộ Văn hóa.

Khi lấy chồng, sinh con thì bà lo chăm chồng chăm con theo bổn phận và thiên chức của người phụ nữ nhưng bà là người năng động, không phải típ người nữ công gia chánh nên khi lần lượt 5 người con ra đời (sau này, người con út mất khi còn nhỏ) bà cũng thường càm ràm với ông vì bà bị "cuồng chân", không được đi ra những nơi có đời sống sôi động để viết bài, phản ánh cuộc sống. Trong kháng chiến, bà đi dạy học, khi không có lớp học thì đi bán rau cỏ.

Vợ chồng nhà phê bình Hoài Thanh và các con.

Chính vì thế năm 1949 bà có bút ký đăng báo "Nhật ký chị hàng rau" cũng chính là câu chuyện của mình. Hòa bình lập lại, bà làm cán bộ nghiên cứu sân khấu cho đến khi về hưu. Tháng 10 năm 1964 bà nghỉ hưu được 1 tháng thì đột quỵ và mất. Điều đáng tiếc là hôm ấy, tối Thứ 7, mấy anh con trai đi chơi hết, một mình bà ở nhà với ông. Ông đưa bà đi cấp cứu nhưng không kịp. Sau khi vợ mất, ông Hoài Thanh buồn và đến ở cùng em ruột là Hoài Chân.

Cả cuộc sống ngắn ngủi đó, bà luôn đấu tranh cho nữ quyền, không thua kém gì đàn ông. Bà thể thao thể dục thường xuyên, khẳng định vai trò của nữ giới trong đời sống. Có lẽ chính vì thế, trong đời sống, bà hơi cứng nhắc và giáo điều, thậm chí, với các con, bà khá khắt khe, nghiêm khắc, không học hành tử tế bà sẽ cho "ăn roi". Nhà toàn con trai, nhưng đều phải vào bếp nấu ăn theo sự phân công của bà.

Sau này, các con bà đều là những người được học hành và đào tạo bài bản theo chuyên môn của mình: Con trai cả là nhà phê bình Từ Sơn (tên thật là Nguyễn Đức Dũng, đã mất); con trai thứ hai là nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Năng (bút danh Khương Huân); nhà phê bình Nguyễn Đức Hân (bút danh Phan Hồng Giang); em kế Nguyễn Đức Kiên, mất năm 11 tuổi và con trai út là Đại tá, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Cương, nguyên Viện phó Viện Tên lửa và hiện nay đang là Chủ tịch Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam.

Trong số những người con, Phan Hồng Giang là người tình cảm nhất và cũng được mẹ thương nhất vì sự quan tâm ấy của ông. Nhà phê bình Phan Hồng Giang cũng kể lại rằng, hồi 4-5 tuổi ông sống ở Huế cùng bố mẹ và ông bà ngoại. Điều mà Phan Hồng Giang nhớ nhất là những ngày tết luôn rất đông người, ai cũng cười nói vui vẻ, các bữa ăn thường nhiều món hơn, ngon hơn, người lớn thường lì xì cho trẻ con...

Bà lại không phải là típ phụ nữ ham nữ công gia chánh nên vào những dịp tết cũng không bày vẽ gì nhiều. Chỉ có nồi bánh chưng tự gói chừng chục cái, mấy mẹ con ngồi canh bên bếp đun bằng mùn cưa. Cũng luộc gà đặt lên bàn thờ cúng gia tiên đêm giao thừa. Một cành đào nhỏ với chậu quất đơn sơ..

Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất thời thơ bé trong ông còn đọng lại tới tận bây giờ không phải là về tết mà là về lần đầu tiên được ra biển - biển Thuận An, ngợp mình trước sự lớn lao vô cùng của trời - biển - đất, cảm nhận cái nhỏ bé của con người cùng những chú dã tràng trốn chạy trên cát... Ấn tượng khó quên tiếp theo là sự sợ hãi rợn người khi cả nhà phải chui xuống gầm giường vì máy bay quân Đồng minh ném bom phát xít Nhật...

Tác phẩm “Thi nhân Việt Nam”.

Năm 1946, ông cùng gia đình ra Hà Nội sinh sống rồi cuối năm ấy sơ tán lên Việt Bắc. Mấy năm sau đó chỉ lo chạy giặc Pháp đi càn, ăn khoai độn cơm cho đỡ đói, chẳng biết gì đến cái gọi là tết nữa... Năm 10 tuổi (1951), ông sang Nam Ninh (Trung Quốc) học Trường Thiếu sinh quân, đến tận năm 17 tuổi mới trở về Hà Nội học tiếp cấp 3.

Có một kỷ niệm ông vẫn nhớ như in: Tháng 8-1964, khi Phan Hồng Giang mới 23 tuổi, đi học từ Liên Xô về. Hằng ngày mẹ ông đi bộ đi làm từ phố Nguyễn Thượng Hiền đến Vụ Nghệ thuật sân khấu ở sau Nhà hát Lớn. Trên đường về, qua hiệu mỳ vằn thắn trên phố Lý Thường Kiệt, giáp với phố Bà Triệu, bà ghé vào mua cả bát mỳ rồi xách hàng mấy cây số về nhà cho con ăn. Bà vừa cười mãn nguyện vừa nói: "Con là đứa ít ở nhà với mẹ nhất nên mẹ ưu tiên mua mỳ về nhà cho con ăn". Phan Hồng Giang nghẹn ngào trước tấm lòng của mẹ. Vài tháng sau, mẹ ông qua đời khi mới 55 tuổi.

Gia đình không còn mẹ, mỗi người một nơi và không còn là một gia đình nguyên vẹn nữa. Khi vợ mất, nén lại nỗi buồn, lao vào công việc viết lách, nhà phê bình Hoài Thanh đã để lại danh tiếng lẫy lừng. Với Hoài Thanh, đi tìm cái đẹp trong cuộc đời là chức năng của nghệ thuật. Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật, trong thơ - phải là đam mê lớn nhất của nhà phê bình văn học nói chung và của Hoài Thanh nói riêng.

Tìm được cái Đẹp trong Thơ, ông say sưa bình phẩm, chia sẻ với mọi người. Đó là việc làm ông yêu thích nhất trong đời. Tác phẩm lớn nhất của ông - cuốn “Thi nhân Việt Nam” - là minh chứng cho điều này. Trong cảm nhận của Hoài Thanh, Thơ với Đời hòa quyện làm một, không thể tách rời. Và cái Đẹp trong Thơ với Đời đều luôn hướng tới cái Thiện, cái Chân. Cả cuộc đời Hoài Thanh là hành trình không ngừng vươn tới Chân - Thiện - Mỹ.

Trong cương vị một người cha, nhà phê bình Hoài Thanh là một người tận tụy với công việc, với gia đình và con cái. Từ tuổi vị thành niên, ông đã làm việc nhà nông ở miền quê nghèo Nghi Lộc, Nghệ An. Học tập chuyên cần, giỏi giang và đi làm gia sư. Khi trưởng thành phải làm chân chữa mo-rát ở nhà in Đắc Lập (Huế), kiêm thêm việc viết báo, dạy học tư nuôi cả nhà gồm cha cùng mấy người em còn nhỏ. Ông đã từng từ bỏ học bổng đi du học Pháp (dành cho thí sinh đỗ đầu kỳ thi tú tài Trung Bộ) vì phải lo cho gia đình.

Tại căn nhà trên phố Nguyễn Thượng Hiền, ông luôn là người thức khuya nhất, cặm cụi đọc và viết cái gì đó. Ông cũng là người dậy sớm nhất rồi đi làm bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Ông luôn nghiêm khắc với con cái nhưng không bao giờ dùng đến roi vọt. Ông luôn quan tâm tới cuộc sống của con cái nhưng không bao giờ áp đặt ý muốn của mình mà chỉ khuyên bảo khẽ khàng...

Những năm cuối đời, ông là “khách” thường xuyên của Bệnh viện Việt-Xô. Ngay cả trên giường bệnh ông cũng không thôi làm việc. 2 tuần trước khi mất, ông còn viết bài “Câu văn trước tiên cần phải chính xác” đăng trên Báo Văn nghệ (1982).

Dù được tiếp thu rất nhiều kiến thức văn học từ người cha, nhà phê bình Hoài Thanh nhưng do sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc, nuôi nấng và yêu thương của mẹ, nên trong cuộc sống, có vẻ như Phan Hồng Giang cùng các anh em là người trầm lặng. Nhà phê bình Phan Hồng Giang thường trút hết tâm sức cho các cuốn sách mà ông tâm đắc như cuốn “Ghi chép về tác giả và tác phẩm” (NXB Văn học, 1996) và cuốn “Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật” (NXB Văn hóa - Thông tin, 2007).

Từ mười năm nay, sau khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục viết. Nhiều bài viết mới này làm nên phần tiếp theo (phần 2) của cuốn “Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật”. Tập sách ông cho là cuối cùng của đời mình. Cuốn này của ông đang được NXB Văn hóa dân tộc ấn hành bằng nguồn vốn từ ngân sách.

Bây giờ, nhà phê bình Phan Hồng Giang cũng đã qua tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hy, nhưng đối với ông, ký ức về những tháng ngày có mẹ vẫn tròn vẹn những ngọt ngào tuổi nhỏ. Có chút buồn, có chút tủi thân, nhưng ông bảo, đó là số phận thì phải chấp nhận. Mẹ ông ra đi sớm, lại là động lực để các anh em tự lập và tự lo cuộc sống của mình tròn vẹn theo một cách khác.

Đối với rất nhiều người quanh năm đã phải sống xa nhà vì mưu sinh, ngày tết là ngày đoàn tụ gia đình; ông bà, bố mẹ, con cái, cháu chắt vui vẻ quây quần bên mâm cỗ. Ngày tết là dịp mọi người xứng đáng được thư dãn, xả hơi sau bao vất vả lo toan kiếm sống.

Với nhà ông thì tết bây giờ không còn được háo hức chờ đợi, mà chỉ dành chỗ cho những tháng ngày trọn vẹn với ký ức tuổi tuổi thơ có gia đình, có cha mẹ. Từ lâu nhà phê bình Phan Hồng Giang đã vào vai người bình lặng quan sát cái tất bật, ồn ã của mọi người chung quanh trong dịp tết, để lại được chạm vào những tháng ngày xa trong tuổi thơ đầy tràn tình yêu thương của gia đình ngày còn cha mẹ...

 

Trần Hoàng Thiên Kim https://baomoi.com

Xem thêm Thời sự