TS Vũ Minh Khương: Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái trái phiếu

  • www.doanhtri.net
  • 30-05-2023
  • 379 lượt xem
Dẫn kinh nghiệm ở một số quốc gia, TS Vũ Minh Khương cho rằng, nếu xây dựng hệ sinh thái cho trái phiếu phát triển, có thể huy động được cả nghìn tỷ USD.
 
Trái phiếu - kênh huy động vốn quan trọng, bên cạnh tín dụng, rơi vào khó khăn từ năm ngoái sau khi một số doanh nghiệp phát hành lớn vướng vào khủng khoảng pháp lý.
 
Tại tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường trái phiếu" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/5, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), TS Khương cho rằng, vừa qua Chính phủ đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ tất cả những khó khăn. Nhưng ông lưu ý về tạo nền móng cho tương lai, bởi trái phiếu là kênh huy động nguồn vốn đặc biệt quan trọng, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ.
 
"Chúng ta đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, đòi hỏi đột phá mới về tư duy, ý thức xây dựng quốc gia hiện đại trong 2-3 thập kỷ tới", ông Khương nêu.
 
TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore. Ảnh: Nhật Bắc
 
GS Hoàng Văn Cường đồng tình, bởi theo ông giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát vừa qua là "thành công nhất trong bối cảnh thế giới chứng kiến những cơn sóng chao đảo về lạm phát, suy giảm tăng trưởng". Điều này giúp Việt Nam tạo ổn định về nhiều mặt, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.
 
Theo ông, Chính phủ đã ứng phó kịp thời, phù hợp trong điều hành chính sách tài khoá, nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp thông qua miễn, giảm thuế phí. Về tiền tệ, tiền đồng duy trì được giá ổn định, khi giá đồng tiền các nước tăng cao.
 
"Điều hành giữa Chính phủ, Quốc hội có sự hỗ trợ rất rõ. Gần như chính sách ra đời luôn có sự hỗ trợ, tương tác giữa cơ quan lập pháp và hành pháp", ông Cường nhận xét.
 
Tuy vậy, bên cạnh kiểm soát lạm phát Chính phủ cần quan tâm tới nguồn lực bơm ra thị trường, như tiền tệ. "Nếu chúng ta quá lo ngại lạm phát, tiếp tục thắt chặt đồng tiền, hạn chế cung vốn cho doanh nghiệp thì họ không có nguồn lực để sản xuất kinh doanh", GS Hoàng Văn Cường góp ý.
 
TS Vũ Minh Khương cũng cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới tăng trưởng, đòi hỏi đột phá mới về tư duy cũng như ý thức xây dựng quốc gia hiện đại trong 2-3 thập kỷ tới. Tức là trong bối cảnh thế giới chưa hồi phục, thị trường quốc tế còn hấp thụ yếu thì cần khơi thông nguồn lực (thể chế, dòng tiền) trong nước để tăng năng lực nội địa.
 
Nhìn lại thị trường trái phiếu vừa qua, một số chuyên gia cho rằng, rủi ro một phần do lãi suất cao. Lãi suất phát hành quá cao trong bối cảnh tiền đồng ổn định so với USD khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.
 
"Lãi suất 13% so với thế giới là rất cao. Nếu dùng đòn bẩy quá cao, tức là hầu hết dựa vào trái phiếu, để đầu tư xây dựng thì càng khó nữa vì dễ bị lỗ", ông Khương nói.
 
Trong khi đó, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét, rủi ro của thị trường trái phiếu đến từ chính doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ông Cường phân tích, doanh nghiệp phát hành trái phiếu dễ dàng, dẫn đến tình trạng những yếu tố để bảo đảm cho giá trị trái phiếu không có cơ sở.
 
Trái phiếu này phần lớn phát hành riêng lẻ, theo quy định chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Song thực tế phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với suy nghĩ giống như gửi ngân hàng. Khi xảy ra sự cố, thị trường này rơi vào khó khăn, phát hành mới giảm sâu.
 
Để vực lại thị trường vốn quan trọng này, TS Vũ Minh Khương nói, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh.
 
TS Khương dẫn kinh nghiệm nhiều quốc gia, hiện trái phiếu được phát hành theo 3 loại. Một là phát hành trái phiếu có bảo hiểm, giúp nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền, vì bảo hiểm kiểm tra rất kỹ chất lượng trái phiếu.
 
Hai là phát hành trái phiếu có bảo lãnh. Cuối cùng, trái phiếu không có bảo lãnh, bảo hiểm thì cần ít nhất thẩm định qua đánh giá của các đơn vị chuyên nghiệp.
 
Theo ông, hiện một số quốc gia không chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái cho trái phiếu nên khó phát triển, như Indonesia hay Philippines chỉ phát hành được lượng trái phiếu rất nhỏ. Trong khi ở Hàn Quốc, họ có thể phát hành cả nghìn tỷ USD.
 
"Xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh cho tương lai của Việt Nam là vấn đề rất cấp bách", ông nêu quan điểm.
 
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới trong tháng 4/2023 gần như đóng băng, trong khi doanh nghiệp chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn và thỏa thuận với trái chủ để kéo dài kỳ hạn trả nợ.
 
Lũy kế đến đầu tháng 5, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần 31.700 tỷ đồng, trong đó trái phiếu riêng lẻ chiếm 83%. Các doanh nghiệp đã mua lại gần 49.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 48% cùng kỳ 2022.
 
Giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5 là hơn 21.400 tỷ đồng, trong đó 45% là bất động sản (9.600 tỷ), hàng tiêu dùng chiếm 17%; ngân hàng và nguyên vật liệu lần lượt 12% và 14%.
 
Theo GS Hoàng Văn Cường, hiện nhiều doanh nghiệp năng lực tốt cũng khó huy động qua phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp yếu không có nguồn tiền trả lãi trái phiếu khi đáo hạn. Những yếu tố này, theo ông, tạo ra sức ép lớn cho nhiều doanh nghiệp và thị trường trái phiếu chưa thể khởi sắc ngay.
 
Dù vậy, TS. Vũ Minh Khương cho rằng, không ít quốc gia phát triển nhờ huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Chẳng hạn, Hàn Quốc, 18 địa phương phát hành trái phiếu xây dựng đường sắt, tàu điện ngầm. Tức là đồng vốn cần được rót vào đầu tư những lĩnh vực, cơ sở hạ tầng tạo giá trị.
 
"Việc đầu tư vào những cái tạo ra giá trị thì chúng ta không tiếc tiền, không tiếc sức để vay. Khi một đồng được đầu tư vào những thứ chuẩn xác, đúng hướng sẽ tạo ra nhiều lời lãi, giúp tăng trưởng rất nhanh", ông Khương nhận xét.
 

Xem thêm Tài chính