Trong khi chờ khung pháp lý Fintech, cần phải có giải pháp cấp bách để chặn biến tướng núp bóng P2P hợp thức hóa tín dụng đen

  • www.doanhtri.net
  • 06-07-2020
  • 752 lượt xem
(Pháp lý) – Dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending) đã và đang bùng nổ trong lĩnh vực Fintech với nhiều mới mẻ cho người tham gia. Tuy nhiên ở Việt Nam, do chưa hoàn thiện thể chế chính sách, khung pháp lý điều tiết, nên hiện đã xuất hiện nhiều biến tướng núp bóng P2P nhằm hợp thức hóa tín dụng đen, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Các chuyên gia cho rằng, trong khi chờ chương trình thử nghiệm kết thúc và đưa ra được khung pháp lý Fintech hoàn thiện, cơ quan quản lý cần phải có ngay những giải pháp cấp bách để chặn sự biến tướng núp bóng P2P Lending.
 
Phát triển thiếu kiểm soát gây nhiều hệ lụy xã hội
 
Có thể thấy, cùng với sự phát triển tích cực của các thị trường tài chính truyền thống, lĩnh vực fintech đã có những bước phát triển nhanh. Trong 4 năm qua, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty fintech, từ số lượng 40 năm 2016 lên 154 vào tháng 6/2019. Giá trị giao dịch thị trường fintech từ mức 4,4 tỷ USD dự kiến tăng lên khoảng 9 tỷ USD năm 2020.
 
Trong số đó, P2P Lending là nhóm fintech có tốc độ phát triển nhanh cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cả nước có 40 công ty P2P Lending. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, thực tế có hàng trăm ứng dụng (app) cho vay theo hình thức P2P Lending đang hoạt động, trong đó khoảng 70% app do người nước ngoài đứng sau điều hành, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Các app này quảng cáo hoạt động theo mô hình P2P Lending, song thực chất là tín dụng đen núp bóng, như app Cashwagon vừa bị công an phát hiện đầu tháng 6/2020.
 
Do việc sử dụng khá dễ dàng, thủ tục cũng rất đơn giản, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, thông tin một số giấy tờ như hộ khẩu, bằng lái xe hay CMND là có thể vay được tiền; thời gian giải ngân nhanh… đáp ứng nhu cầu vay tiền nhanh của những đối tượng dưới chuẩn vay tại ngân hàng hay các công ty tài chính, trong bối cảnh nhu cầu tài chính của mỗi người càng ngày càng tăng nên các app này dễ dàng thu hút hàng triệu người tham gia.
 
Bản chất của P2P Lending không xấu, nhưng trong quá trình hoạt động xuất hiện sự biến tướng, khá nhiều công ty núp bóng P2P Lending để hợp thức hóa hình thức tín dụng đen. Cụ thể, họ dùng lãi suất dưới 20%/năm, đúng với quy định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, kèm theo lãi suất là các loại phí hồ sơ, thẩm định, quản lý… đẩy lãi suất tăng kinh khủng.
 
Đơn cử khi vay qua app “Vaytocdo” thì người vay lần đầu chỉ được duyệt vay số tiền 1.700.000 đồng, nhưng trên thực tế khách hàng chỉ nhận được số tiền 1.428.000 đồng, còn 272.000 đồng là tiền phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó gồm 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi). Nếu khách vay tiền trả chậm, sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày. Với phương thức như vậy, tính ra các đối tượng đã cho vay với lãi suất 2,5%/ ngày, tương đương 17,5%/tuần, 75%/tháng và 912,5%/năm.
Khi người vay không trả được nợ, một số công ty dùng cách thu hồi nợ mang tính xã hội đen, thủ đoạn không hợp pháp. Đã có nhiều trường hợp người đi vay bị thiệt thòi vì lãi suất vay rất cao, khi không trả được nợ bị khủng bố tinh thần, đe dọa… thậm chí dẫn đến tự tử. Điều này cũng khiến hình thức P2P Lending phát triển trong tình trạng trắng đen lẫn lộn và được đánh giá đầy rủi ro.
 
Khoảng trống pháp lý trong kiểm soát, quản lý
 
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho rằng, sau dịch Covid-19 gây nhiều hệ lụy, khiến người lao động mất việc làm tăng, thu nhập giảm sút… Có thể nói là nhu cầu vay tiền của người dân rất cao. Trong khi đó, họ lại không tiếp cận được vốn ngân hàng bởi các ngân hàng lại đang rất chần chừ trong vấn đề cho vay, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ có 2,89%, bằng một nửa năm ngoái. Thành ra các ngân hàng đang rất sợ vấn đề nợ xấu nên họ không mạnh tay cho vay. Đối với người có nhu cầu chính đáng họ phải vay thì vay qua app (hay P2P Lending).
 
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng
 
Rất tiếc là hiện tại chưa có quy định pháp luật nào kiểm soát hoạt động này. Và với sự bát nháo trong hoạt động của các công ty P2P Lending do chưa có hành lang pháp lý đã giảm hiệu quả của hình thức cho vay này, thậm chí những công ty P2P Lending biến tướng đang gây ra hệ lụy không tốt cho người dân và xã hội.
 
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo quy định về cơ chế thử nghiệm (Sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có P2P Lending.
 
Tuy nhiên, theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, cơ chế Sandbox phải được thực hiện ngay và chỉ nên thực hiện trong vòng 1 năm chứ không nên kéo dài thêm. Từ đó đưa ra quy định pháp luật chính thức để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng và các hoạt động của Fintech khác. Việc kéo dài thêm thời gian thử nghiệm càng lâu càng khiến cho hình thức cho vay trá hình, lừa đảo… có cơ hội gây thiệt hại nặng nề hơn cho người dân – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
 
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An ninh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hình thức cho vay P2P Lending đang tồn tại và có xu hướng phát triển mạnh. Sự xuất hiện của loại hình P2P Lending mở ra một kênh tiếp cận vốn mới, linh hoạt, thuận tiện giúp thêm nhiều người có cơ hội vay vốn và người có điều kiện có cơ hội đầu tư vốn kiếm lời. Tuy nhiên, đối với những người cho vay và người vay thông qua loại hình này, cần cân nhắc những rủi ro sau khi tiến hành thực hiện.
 
Luật sư Chung phân tích, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào về loại hình này. Như vậy, việc chưa có hành lang pháp lý để quản lý thì việc kiểm soát hoạt động của loại hình này là không khả thi, từ đó cho vay theo loại hình này không đảm bảo, thậm chí bị biến tướng trở thành vay nặng lãi, “tín dụng đen”.
 
Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An ninh (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
 
Bên cạnh đó, việc thực hiện trên nền tảng số nhằm mục đích liên kết người cho vay và người vay, hoạt động vay hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của hai bên. Do đó đây có thể coi thuần túy là một giao dịch dân sự bình thường, nếu xảy ra sự cố rất khó truy cứu trách nhiệm của bên cung cấp nền tảng số. Đặc biệt, vì tất cả thông tin đều được lưu trữ và thực hiện trên không gian mạng, nên có khả năng bị các đối tượng xấu lợi dụng thay đổi, tiết lộ các số liệu hiển thị, các thông tin của các bên liên quan hoặc thực hiện các biện pháp công nghệ để làm gián đoạn các hoạt động đang xảy ra hòng chiếm đoạt tài sản.
 
“Việc phát triển một loại hình cho vay theo nhu cầu của thị trường và xu hướng nền tảng số là điều không thể ngăn cản. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động và quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay theo loại hình này, cần phải nhanh chóng có một hành lang pháp lý cụ thể để Nhà nước kiểm soát và có cơ chế giải quyết các rủi ro, tranh chấp phát sinh. Trường hợp chưa có cơ chế kiểm soát quản lý, các ban ngành liên quan cần khuyến cáo để hạn chế sự tham gia của người dân vào loại hình này”, Luật sư Đặng Thành Chung kiến nghị.
 
Với tình hình như hiện nay, việc quản lý P2P Lending được xem rất cần thiết và làm càng nhanh càng tốt. Lâu nay, tất cả giao dịch cho vay qua app đã và đang diễn ra không có văn bản hợp pháp, hoặc thỏa thuận rất sơ sài, không có những điều khoản cụ thể về lãi suất, phương pháp trả nợ cũng như điều khoản về trách nhiệm và quyền lợi của các bên cho vay và đi vay. Như vậy, người cho vay không kiểm soát được mục đích vay, người đi vay có nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân hoặc đối mặt với rủi ro không công bằng về lãi suất….
 
Những giải pháp cấp bách
 
Các chuyên gia kỳ vọng, hành lang pháp lý về cơ chế thử nghiệm P2P của NHNN sẽ sớm được đưa ra với những quy định hợp lý, đủ “thoáng” để các doanh nghiệp có thể hoạt động trong phạm vi cho phép, song đủ “chặt” để xóa sổ các app cho vay tín dụng đen biến tướng, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên để pháp luật có thể dễ dàng phân xử khi tranh chấp xảy ra.
 
Tuy nhiên, trong khi chờ chương trình thử nghiệm kết thúc và đưa ra được Khung pháp lý hoàn thiện cho các hoạt động Finhtech trong đó có P2P Lending… thì ngay lúc này các cơ quan nhà quản lý nhà nước cần phải đưa ra ngay những giải pháp cấp bách để chặn sự biến tướng núp bóng P2P lending để hợp thức hóa hình thức tín dụng đen. Chúng ta không thể chờ trong một năm đến 2 năm tới để ngỏ khoảng trống cho rất nhiều kẻ lợi dụng.
 
Theo đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giải pháp cấp bách hiện thời là cần phải có quy định pháp luật cho phép những công ty, tổ chức nào được phép hoạt động tạm thời. Với những điều kiện cụ thể, rõ ràng như phải có giấy phép kinh doanh liên quan đến hoạt động tài chính, có trụ sở rõ ràng, quan trọng nhất phải có một số vốn điều lệ tối thiểu khoảng 100 tỷ. Bên cạnh đó phải có những quy định về quy trình về thẩm định, về kết nối, quản lý rủi ro và hỗ trợ nhà đầu tư thu hồi nợ như thế nào…
 
Còn hiện tại, trong khi cơ quan quản lý vẫn đang nghiên cứu cơ chế thử nghiệm, người dân nên hạn chế hoặc những trường hợp tiếp cận hình thức vay này cần phải xem xét chủ thể nào cho vay, ghi rõ quy định cam kết trên hợp đồng, lưu ý thỏa thuận cụ thể về lãi suất, thời gian vay, lãi suất phạt, lãi suất phạt quá hạn để tránh những rủi ro không đáng có, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
 
Sau khi hàng loạt ứng dụng cho vay bị tố cáo trong những tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đang xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm cả P2P Lending để trình Thủ tướng phê duyệt, dự kiến năm 2021 sẽ chạy thử nghiệm.
 
Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có hơn 150 công ty fintech, thực hiện các dịch vụ như thanh toán, ứng dụng xếp hạng, chấm điểm tín dụng… Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý, cơ quan chức năng đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mô hình hoạt động cũng như quản lý các hoạt động của những công ty này, nhất là khi các fintech mở rộng phạm vi hoạt động.
 
—————–
 
Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, được bổ sung, sửa đổi năm 2017 quy định: “1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam; 2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.
 
Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản… mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật.
 
Đinh Chiến  https://phaply.net.vn/
 
 

Xem thêm Tài chính