Tri thức trẻ vì giáo dục 2021: Đề cao tính ứng dụng thực tiễn

  • www.doanhtri.net
  • 27-09-2021
  • 412 lượt xem
TTO - Dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều bài toán cho ngành giáo dục - đào tạo. Đây cũng chính là cơ hội cho người trẻ ứng dụng công nghệ để tìm ra lời giải tối ưu cho các bài toán đó.
 
Trong mùa dịch COVID-19, Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long đã nỗ lực tổ chức 4 số talkshow ứng dụng tương tác trực tuyến với các chủ đề: "Giáo dục trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19", "Giáo dục STEM - sáng tạo tương lai", "Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục - cơ hội và thách thức", "Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục", thu hút sự quan tâm của đông đảo trí thức trẻ trong và ngoài nước.
 
Thay đổi thói quen "bảng đen, phấn trắng"
 
Trong talkshow số 4 với chủ đề "Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục", thầy giáo Lê Văn Chung - đại diện nhóm tác giả công trình "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe" đoạt giải thưởng cao nhất mùa đầu tiên - chia sẻ chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã tạo bước đệm để nhóm không ngừng phát triển, hoàn thiện tính năng sản phẩm và mở rộng hệ sinh thái sản phẩm phục vụ y khoa trong giáo dục.
 
"Trong một lần được tham dự buổi thực hành giải phẫu tử thi, nhận thấy khó khăn của sinh viên y khoa, chúng tôi lên ý tưởng hình thành một sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tế ảo 3D để giải quyết khó khăn ở thời điểm đó" - anh Chung nhớ lại ý tưởng ban đầu.
 
Ở thời điểm bắt tay thực hiện dự án, nhóm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như mất rất nhiều thời gian tập huấn công nghệ cho giảng viên, đặc biệt làm thế nào để thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống "bảng đen, phấn trắng", chưa kể trang thiết bị trong các nhà trường còn nhiều thiếu thốn.
 
"Cần xác định đối tượng giáo dục rõ ràng và đề cao tính ứng dụng thực tiễn, hiệu quả mang lại cho cộng đồng" - anh Chung lý giải về những bước đi của nhóm dự án để đạt được thành công như ngày hôm nay và cũng là lời gợi ý cho các trí thức trẻ mùa này.
 
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, talkshow đã đặt ra nhiều bài toán cũng như gợi mở về những ý tưởng, giải pháp vì giáo dục cho mùa mới. Đó là câu chuyện của tác giả trẻ Võ Nguyễn Đình Trí cùng cộng sự từ năm 17 tuổi đã trăn trở, đi tìm lời giải cho bài toán giảng dạy trực tuyến. 
 
Năm 2019, dự án "Rebo với sản phẩm sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường" của nhóm tác giả đã đoạt giải cao nhất của chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục". 
 
Không dừng lại ở đó, năm 2020 nhóm tác giả tiếp tục lọt vào top 15 với dự án "Nền tảng xây dựng bài giảng tương tác trực tuyến lý tưởng dành cho giáo viên và học sinh". Tham dự talkshow, Trí đem đến tin vui khi gọi vốn thành công 15.000 USD tiền mặt cho 7% cổ phần của dự án nền tảng dạy học trực tuyến Rebo.
 
Ý tưởng ra đời từ thực tiễn
 
Năm 2018, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" xướng tên công trình "Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống" là 1 trong số 4 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất. Giải cao nhất của chương trình đã tạo đà cho cô giáo Dương Thị Thu Hà phấn đấu, nỗ lực không ngừng đạt thêm nhiều giải thưởng, danh hiệu quý giá khác. Từ một cô giáo dạy sinh học, sau hơn 3 năm hiện cô đang là phó hiệu trưởng của một trường THPT tại Hà Nội.
 
"Trong một chuyến từ thiện ở Thái Bình, tôi có gặp một bạn nhỏ khó khăn về ngôn ngữ, vận động nhưng rất ham đọc sách, bạn này còn mở thư viện miễn phí cho các bạn nhỏ xung quanh đến đọc. Từ câu chuyện đó, tôi nảy sinh ra ý tưởng thiết kế thiết bị hỗ trợ cho trẻ học đọc thông qua các chủ đề kỹ năng sống" - cô Hà chia sẻ. Một năm sau, cô tiếp tục cho ra mắt cuốn cẩm nang giúp cha mẹ nuôi con mắc hội chứng Down. Không dừng lại ở đó, mới đây cô còn cho ra mắt ứng dụng trên điện thoại di động giúp trẻ học đọc, phát âm trong mùa dịch COVID-19.
 
Tham gia talkshow "Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục - cơ hội và thách thức", tiến sĩ Đào Lê Hòa An, trưởng nhóm tác giả công trình "Ứng dụng tư vấn hướng nghiệp JobWay", cho biết sau khi đoạt giải thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 đã nhận được nhiều "đặt hàng" của các tỉnh thành đoàn, các cơ sở giáo dục để triển khai ứng dụng này. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, nhóm tác giả tiếp tục đồng hành, tổ chức nhiều sự kiện tư vấn - hướng nghiệp trực tuyến thu hút sự tham gia của học sinh, sinh viên và thầy cô giáo.
 
* Ông Trịnh Văn Hào (giám đốc marketing, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long):
 
Sân chơi cho các trí thức trẻ
 
Ứng dụng công nghệ vào giáo dục không chỉ là một xu thế mà đang trở thành nhu cầu bắt buộc của thời đại. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc ứng dụng công nghệ ngày càng quan trọng hơn bởi đây chính là một trong những chìa khóa góp phần quan trọng thúc đẩy hiệu quả của việc giảng dạy, học tập.
 
Suốt 5 năm qua, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã mở ra sân chơi rộng mở, là bệ đỡ để các trí thức trẻ thể hiện năng lực, khát khao cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Chúng tôi tin rằng ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn sẽ là động lực lớn để các trí thức trẻ tiếp tục góp sức cho sự nghiệp giáo dục.
 
Bước sang năm thứ 6, chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2021 tiếp tục tìm kiếm các công trình, sáng kiến thuộc 3 nhóm nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Thời gian nhận hồ sơ công trình, sáng kiến đến hết ngày 30-9. Tác giả gửi bộ hồ sơ dạng file tới địa chỉ email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com.
 
HÀ THANH  https://tuoitre.vn/

Xem thêm Thời sự