TRÁI ĐẤT NÀY LÀ CỦA CHÚNG MÌNH
Ngọc Bích

  • www.doanhtri.net
  • 11-10-2018
  • 860 lượt xem

Cơn động đất tại hòn đảo Palu-Indonesia vào ngày  28 tháng 9 ở cấp độ 7,4 kèm theo những đợt sóng cao hơn 6m ập vào đất liền, đã cuốn phăng toàn bộ mọi thứ trên đường đi qua: nhà cửa, con người, xe cộ, những  toà nhà công trình kiên cố chỉ còn là đống gạch đổ nát hoang tàn, hơn 2000 người chết, hơn 5000 người mất tích

Đứng trước thảm cảnh thiên tai và hậu quả tàn khốc để lại, vẽ ra một viễn cảnh,  một bức tranh trái đất điêu tàn xơ xác, bắt buộc con người ta nghĩ đến một ngày nào đó trong tương lai không xa "trái đất sẽ thế nào, ra sao khi nơi đó vắng bóng người, rừng cây, muôn thú?"

Đây là vấn đề được các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm và làm việc miệt mài suốt bao thập niên qua để tìm ra biện pháp cứu lấy trái đất - ngôi nhà chung của mọi sắc dân, cứu lấy bầu khí quản ngày nóng dần lên tệ hại, mà phần lớn do tác động của con người, của mỗi quốc gia với sức ảnh hưởng của nền kinh tế, chính trị, môi trường nguy hại lên khí hậu ra sao. 

Mới đây hai nhà kinh tế học ông William Nordhaus và ông Paul Romer được trao tặng giải thưởng Nobel,  vị Giáo sư William Nordhaus cũng nêu rõ mối liên quan  giữa kinh tế và môi trường và tác động liên quan đối với nhau.

Cũng cần nói rõ thêm cách đây ba thập niên năm 1988 một Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu trực thuộc Hội đồng Liên hiệp quốc (Intergovernmental Panel on Climate change, viết tắt IPCC) được thành lập gồm 195 thành viên của hơn 100 quốc gia. Các nhà khoa học, chuyên gia cùng nghiên cứu, đưa ra bản phân tích cũng như thảo luận những biện pháp khả thi nào cần áp dụng để cứu lấy trái đất trước khi quá muộn màng.

* Năm 1990, IPCC đưa ra bản nghiên cứu thứ nhất (First Assesment Report) báo động trái đất nóng dần lên so với cách đây 10.000 năm. Dựa theo bản nghiên cứu này đã đưa đến một thỏa thuận về Công ước khung Liên hiệp quốc về biên đổi khí hậu vào năm 1992 tại Rio de Janeiro (Brazil)
* Bản nghiên cứu thứ hai năm 1995, tiền đề cho Nghị định thư Kyoto, trong đó ghi rõ các quốc gia với nền công kỹ nghệ đã và đang phát triển phải hết sức làm giảm tối đa khí thải ô nhiễm. Đây là trọng tâm được bàn cãi về việc tác động của con người lên môi trường ra sao.
* Đến năm 2001, bản nghiên cứu thứ ba càng xác định rõ ràng rằng biến đổi khí hậu chuyển hướng ngày càng nhanh hơn. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao đến mức báo động.
* Năm 2007 bản nghiên cứu thứ tư với bốn chương. Con người góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính làm nóng trái đất với hậu quả nghiêm trọng không lường được cũng như phải có hành động quyết định ngay để cứu hành tinh xanh của chúng ta.

* Bản nghiên cứu thứ năm công bố vào 27 tháng 9, năm 2013 và năm 2014.
Chỉ rõ mực nước biển tăng nhanh đáng quan ngại vào năm 2007 mực nước từ 18 cm tăng lên 59 cm và được dự đoán vào năm 2100 từ 26 cm sẽ tăng lên đến 82 cm
Sự biên đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính bầu khí quyển, tia bức xạ, sử dụng năng lượng. Đặc biệt là khí thải trong kỹ nghệ, ngành công nghiệp hoá. Tất cả tác nhân gộp lại sẽ gây hậu quả, hệ lụy trầm trọng kéo theo lũ lụt, cháy rừng và hạn hán khô cằn, nạn đói …

Như đầu bài đưa tin nạn động đất ở Indonesia nói trên là do thiên tai nhưng sau khi đọc các bản nghiên cứu qua thời gian của các nhà khoa học trên thế giới chúng ta hiểu rõ chính con người mới là tác nhân chính góp phần gây nên thiên tai, hạn hán, lũ lụt v.v...

Các nhà khoa học nhấn mạnh nhiệt độ trái đất nóng lên chỉ cho phép tối đa ở mức 1,5 độ, đã là mối quan tâm đáng lo ngại và báo động đỏ. Vì vậy họ cố tìm cách làm giảm khí thải carbon dioxide trong mọi lãnh vực công nông nghệ, sử dụng năng lượng, kỹ thuật, sản xuất. 

Bộ trưởng môi trường nước Đức, bà Svenja Schulze đặt ra tiêu chí: "để bảo vệ khí hậu chúng ta không được phép chần chừ mất thời gian mà hãy mạnh dạn tiến hành các biện pháp ngăn ngừa sử dụng than, dầu, ga vào năm sau. Những thứ làm gia tăng nóng bầu khí quyển, đe doạ trực tiếp đến sự sống trên trái đất.

Giáo sư Nordhaus đang dạy Kinh tế tại Đại học Yale,  người vừa được trao giải Nobel, là người tiên phong đề nghị áp dụng thuế cao cho những sản phẩm và phí phục vụ nào mà góp phần làm tăng khí thải, giảm thuế cho sản phẩm nào ít khí thải Carbon.
Dường như cả thế giới quyết lòng cùng nhau quan tâm đến các biện pháp đối phó để bảo vệ hành tinh xanh mà chúng ta chung sống, bằng cách hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Liên hiệp quốc sau bản công bố về tai hại trầm trọng của thay đổi khí hậu cùng những hậu quả khủng khiếp gây nên.

Các nước Khối liên minh Cộng đồng châu Âu trong buổi họp tại Luxembourg, bàn thảo về giới hạn khí thải carbon dioxide trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi đã cùng thống nhất bằng mọi biện pháp làm giảm mức khí thải 30% cho đến năm 2030.

 



Việt nam đang xây dựng hệ thống xe điện ngầm sẽ sớm đưa vào sử dụng công cộng. Hệ thống này sẽ cải thiện tình hình giao thông đô thị, nâng cao chất lượng không khí, tiết kiệm năng lượng, nâng giá trị đất và các tác động kinh tế - xã hội khác do tiết kiệm thời gian vận chuyển. Đây là tín hiệu đáng mừng vì số lượng xe gắn máy quá nhiều hơn các tỉnh thành sẽ giảm xuống mức đáng kể trong tương lai khi người dân bắt đầu quen dần với tiện nghi, lợi ích của việc sử dụng hệ thống chuyên chở công cộng nhanh, gọn này…

 

Trên Facebook  trường trung học Duy Tân có lần tôi bắt gặp hình ảnh đẹp của thầy Nguyễn Đình Đại cùng với các em học sinh trồng cây xanh, những hạt xanh gieo mầm trong một khoảng sân trường hay cùng nhau nhặt rác giữ gìn vệ sinh môi trường. Việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa và tác động lớn lao cho các em học sinh có trách nhiệm với xã hội, với môi trường mà các em sinh sống.

 

Vậy tất cả chúng ta, bạn và tôi, các độc giả hãy cùng nhau hưởng ứng giữ gìn ngôi nhà chung, hãy quan tâm nhiều hơn về biến đổi khí hậu toàn cầu nhé. Hãy ý thức hơn với việc bảo vệ  môi trường. Hãy giữ gìn mái nhà chung-hành tinh xanh cho các thế hệ mai sau con cháu mình sống đời an lành, hoà bình không thiên tai, nguy hại. Như bài nhạc ngày còn bé học tiểu học Tân Định tôi yêu thích và nhớ mãi:

 

"Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà ..."

Chú thích: nơi để các dấu hoa * là nguồn tin tức lấy từ đài ARD của Đức.

Ngọc Bích

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe