Tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LUẬT GIÁO DỤC - Luật gia Nguyễn Văn Kích

  • www.doanhtri.net
  • 18-04-2018
  • 9054 lượt xem

 I.            ĐÁNH GIÁ CHUNG

Ngày 17 tháng 4  năm 2018, Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh Quốc tế (IBLA) phối hợp với Trang Thông tin Doanhtri.net tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Tham gia Hội thảo có lãnh đạo Viện , các Luật sư, Luật gia, các chuyên gia kinh tế của Viện và Doanh trí.net, Giáo viên Trường THCS, THPT Duy Tân.

Chủ trì Hội Thảo: Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn – Phó Tổng Thư ký TW Hội Luật gia Việt Nam, Viện trưởng Viện IBLA.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Luật gia Nguyễn Văn Kích đã nêu lên những ưu điểm, đóng góp quan trọng của Dự thảo về sửa đổi bổ sung Hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; sửa đổi bổ sung về Giáo dục thường xuyên, Giáo dục phổ thông để đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT, xây dựng xã hội học tập suốt đời; về công nhận văn bằng đào tạo của nước ngoài, bổ sung các chế độ chính sách…

Báo cáo đề dẫn cũng chỉ ra những vấn đề bất cập mà Dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn về phạm vi và đối tượng điều chỉnh; Mục tiêu các cấp học, về chính sách đối với các nhà giáo và vấn đề miễn giảm học phí; vấn đề xin cho còn nặng nề, các vấn đề cụ thể khác….. Chúng tôi sẽ nói rõ trong phần góp ý cụ thể vào các điều khoản của Dự thảo.   

Có 15 ý kiến và bản tham luận của các luật sư, luật gia, các nhà nghiên cứu, nhà giáo đóng góp vào Dự thảo Luật trực tiếp vào các điều, khoản.

II. ĐÓNG GÓP CỤ THỂ VÀO CÁC ĐIỀU KHOẢN VÀ KIẾN NGHỊ

1.    Phạm vi điều chỉnh của Luật

LG Nguyễn Văn Kích, LG Lê Đông Triều, Luật sư Trịnh Kim Nữ, TS NGô Xuân Lực thống nhất cho rằng Dự Luật chỉ chú trọng đến đối tượng các nhà quản lý Giáo dục, các giáo viên, các nhà nghiên cứu… không chú trọng tới đối tượng là PHỤ HUYNH HỌC SINH và HỌC SINH CÁC CẤP cũng như vai trò toàn xã hội đối với thực hiện, mục tiêu đào tạo không được đặt ra là một thiếu sót đáng tiếc. Cụ thể là từ ngữ sử dụng trong luật quá trừu tượng, chung chung nội hàm ngoại diên không rõ, phải là những người có trình độ đại học và nhà giáo thì mới hiểu được và cũng không hiển được thấu đáo, tiêu biểu cho loại ngôn ngữ kiểu này là các nội dung mục tiêu giáo dục đào tạo ngành và các cấp học….

Luật sư Nguyễn Văn Bình cho rằng Dự thảo mang tính chất Nghị định nhiều hơn là Luật. Vì Dự thảo này có đến 90% quy định theo tính giả định không có chế tài. Người dạy học và người học rất mờ nhạt trong dự thảo Luật.

2.    Mục tiêu giáo dục cấp học.

LG Nguyễn Văn Kích băn khoăn: Chúng tôi không hiểu Dự thảo trước Ban soạn thảo đưa ra Mục tiêu giáo dục mầm non. Nhưng đến Dự thảo lần này thì bỏ ra. Vì thế tính hệ thống và kế thừa về mục tiêu đào tạo không được thể hiện, có gì đó chưa hợp logic, chưa phù hợp với hệ thống giáo dục 4 cấp hiện nay.

LG Nguyễn Văn Kích, Trọng tài viên, Luật gia Vũ Trọng Khang nhận thấy các mục tiêu giáo dục các cấp học đưa ra trong Dự thảo chưa thật sự hướng tới đối tượng cực kỳ quan trọng là học sinh và phụ huynh. Ngôn ngữ thể hiện mục tiêu mang tính trừu tượng chung chung, mang tính chính trị của loại hình Nghị quyết, theo kiểu đề tài nghiên cứu khoa học, xa rời cuộc sống học tập của học sinh và nhu cầu hiểu biết trong giáo dục, giáo dưỡng con cháu của các đối tượng phụ huynh.

              Cụ thể: 

              Điều 27. Mục tiêu của giáo dục phổ thông

LG Nguyễn Văn Kích, TS Ngô Xuân Lực, LS Nguyễn Văn Bình, Luật gia Vũ Trong Khang nhận xét: Có sự luẩn quẩn trong xây dựng mục tiêu đào tạo chung và các cấp học. Mục tiêu giáo dục đại học không sát thực tế, không đảm bảo đầu ra. Điều 27 về mục tiêu giáo dục phổ thông của ba cấp học: Tiểu học, THCS, THPT  được soạn thảo với những khái niệm trừu tượng, chung chung rất khó hiểu đối với học sinh, nhất là phụ huynh hiểu được để có thể phối hợp với nhà trường dạy con ra sao theo mục tiêu này.

Do các khái niệm chung chung trừu tượng nên rất khó hiểu và khó cắt nghĩa thống nhất và đi tới có nhiều cách hiểu, cách giải thích khác nhau về các khái niệm và cụm khái niệm như “nhằm phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân”nhằm hình thành những cơ sở cho sự phát triển”; “nhằm củng cố và phát triển những kết quả ... học vấn phổ thông nền tảng..."; “nhằm bảo đảm cho học sinh củng cố và phát triển... lao động”.v.v.v.

Các khái niệm trên mang tính định tính không rõ ràng, sẽ có nhiều cách giải thích, cách hiểu khác nhau. Trong khi đó xây dựng Mục tiêu giáo dục phải sử dụng từ ngữ rõ ràng, thống nhất, không trừu tượng, chỉ có một cách hiểu, ngắn gọn dễ nhớ để ai cũng hiểu được nhất là những người lao động bình thường. Viết như Dự thảo là theo lối Nghị quyết, theo lối văn hàn lâm, chỉ có những nhà quản lý và nghiên cứu chuyên về giáo dục thì mới hiểu được, nhưng cũng không thể thống nhất một cách hiểu!  Không thể nào hiểu rõ và xác định được mối tương quan qua lại bổ sung cho nhau giữa các khái niệm “nhằm phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ”; “các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo”, “hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân”.

Chúng tôi kiến nghị Ban Soạn thảo thiết kết lại nội dung các mục tiêu giáo dục các cấp học theo yêu cầu phục vụ trực tiếp cho thấy giáo, các nhà quản lý giáo dục trong dạy và học; cho đông đảo phụ huynh các tầng lớp xã hội và học sinh các cấp hiểu và phấn đấu thực hiện cho được.

3.      Điều 4 Hệ thống giáo dục Quốc Dân.

Luật gia Vũ trọng Khang, LG Lê Đông Triều cho rằng: Thiết kế như Dự thảo có gì khác với các luật giáo dục trước đây không? Trước đây các cơ sở giáo dục do nhiều bộ quản lý (Bộ Giáo Dục và các Bộ chuyên ngành như Y tế, Công thương, Tư pháp... Hiện nay Dự thảo này gần như tập trung đầu mối về Bộ Giáo dục. Đề nghị làm rõ vấn đề còn tồn tại cơ chế song trùng quản lý hay là phải tiến hành tổ chức lại hệ thống Giáo dục theo một đầu mối quản lý nhà nước.

4.      Điều 44: Giáo dục thường xuyên.

Mục 4 Điều 44 quy định: Cơ sở giáo dục đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học, học từ xa với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; trường đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân Luật sư Trần Đình Quý cho rằng  quy định như trên là không hợp lý, mang tính tràn lan, tăng nhanh số lượng đào tạo nhưng chất lượng đào tạo theo cơ chế liên kết không bảo đảm, dẫn đến thất nghiệp tràn lan.

Luật sư Quý kiến nghị: Chỉ thực hiện liên kết trong hệ thống đào tạo nhất quán như giữa các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học cùng ngành, không thực hiện liên kết đào tạo với các trường của các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang... không cùng một hệ thống chuyên ngành đào tạo.

5.  Điều 53. Hội đồng trường, đại hội cổ đông, hội đồng quản trị

TS Ngô Xuân Lực, Luật gia Nguyễn Văn Kích, Thạc sĩ Phương đều cho rằng thiết kế Hội đồng trường như dự thảo nặng về hình thức, quyền hành không bằng Hội đồng quản trị doanh nghiệp. Thực tế, mọi việc trong trường công lập Hiệu trưởng quyết hết. Để Hội đồng trường đi vào thực chất chúng tôi kiến nghị bổ sung mục c về Hội đồng trường như sau

c. Hội đồng trường có quyền giám sát, khi cần thiết tổ chức thanh tra các hoạt động điều hành của Hiệu trưởng về chuyên môn, về xây dựng cơ sở vật chất, về các nguồn thu chi tài chính, về quyết toán tài chính theo quy định của pháp luật.

6.   Điều 70 : Nhà giáo

Khoản a Mục 3 ghi:a) Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt;

Luật gia Lê Đông Triều, Luật sư Trịnh Kim Nữ, Thạc sĩ Phương cho rằng ghi như thế quá vắn tắt không giúp gì cho việc tự tu dưỡng của giáo viên, không có tính răn đe ngăn chặn thói hư tật xấu, thậm chí có những hành vi vô đạo đức.

Các Luật sư Luật gia kiến nghị: Ban soạn thảo viết rõ nội dung này một cách đầy đủ bao gồm cả nội dung chế tài các hành vi xấu của nhà giáo, chú trọng nhà giáo trong lĩnh vực mầm non.

LG Nguyễn Văn Kích, LG Lê Đông Triều cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục. Các dự  thảo ban đầu có nêu vần đề nhưng đến nay thì bỏ hẳn. Cách làm luật vội vã thiếu trách nhiệm như thế này rất nguy hiểm!

Chúng tôi kiến nghị đưa vào Luật nội dung sửa đổi cơ chế tiền lương trong giáo dục bảo đảm cho thầy, cô giáo sống được bằng lương.

7.   Điều 105: Học phí:

LG Nguyễn Văn Kích, Luật Gia Lê Đông Triều, Luật sư Trần Đình Quý đều cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Tuy nhiên Dự thảo lần này chỉ đề cập miễn học phí cho học sinh tiểu học (công lập) các cấp học khác không được đề cập, kể cả mức giảm học phí cũng không đặt ra, dồn hoàn toàn trách nhiệm đó cho phụ huynh và xã hội. Có thời gian dài, chúng ta luôn tự hào Giáo dục XHCN ưu việt, không thực hiện chế độ thu học phí. Hiện nay, nghèo như Cu Ba người ta làm được, trong lúc đó Việt Nam đang phát triển tốt thì lại bỏ hẳn. Chưa nói đến các loại thu khác do địa phương, nhà trường đặt ra với nhiều hình thức thu không hiểu nỗi. Phải chăng đây là cơ chế tận thu đang được Dự Luật cho sống khỏe.

Chúng tôi cho rằng nguồn thu để miễn giảm học phí không có. Chỉ cần các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tiết kiệm khoản chi lãng phí trong hội hè, đón nhận huân huy chương, tổ chức đại hội, đặc biệt tiết kiệm trong đầu tư công thì chúng ta có đủ nguồn tiền thực hiện miễn giàm học phí.

Chúng tôi kiến nghị mức miễn giảm như sau: Miễn học phí cho học sinh tiểu học, giảm 50% cho học sinh THCS và 30 % cho học sinh trung học phổ thông.

8.  “Điều 99. Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục

TS Ngô Xuân Lực, LG Nguyễn Văn Kích cho rằng nội dung quản lý nhà nước quá nhiều trong dự thảo luật theo xu hướng xin cho. Luật giao cho Thủ tướng quá nhiều việc. Thực chất việc của Thủ tướng là từ tham mưu của Bộ giáo dục nhưng lại phải tham khảo ý kiến các bộ ngành khác. Từ đó xuất hiện xin cho tràn lan.

Chúng tôi kiến nghị Củng cố và nâng cấp Hội đồng giáo dục quốc gia với nhiệm vụ trọng tâm về khung chuẩn mực cho giáo dục, đào tạo:

9.    Ý kiến khác

TS Ngô Xuân Lực cho rằng chế độ cử tuyển chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo sụt giảm, tăng xin cho, hạ thấp giá trị sản phẩm đào tạo của Giáo dục.

Tuyển sinh vào Trường Sư Phạm bắt buộc phải có quy định cụ thể về thể chất và hình thể, không nên có ngoại lệ. Nếu hình thể thầy cô giáo không đủ chuẩn mực dẫn đến sự phản cảm trong học sinh, gây ra những bất lợi không cần thiết. 

Sử dụng tiếng nước ngoài nhất thiết phải thống nhất cách phiên âm, lúc thì dùng la tinh, lúc thì dùng Hán Việt cứ loạn cả lên dễ gây ra nhầm lẫn cho học sinh và cả giáo viên. Chúng tôi kiến nghị tiếng nước ngoài về danh từ riêng đối với các nước sử dụng tiếng la tinh thì phiên âm theo la tinh; những nước theo Hán Việt như Trung Quốc, không dùng La tinh, các nước khác thì phiên âm theo la tinh.  

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS Nguyễn Thị Sơn cho rằng các ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục rất tâm huyết, chất lượng cao, giàu tính thực tiễn. Viện Khoa Học Pháp Lý & Kinh Doanh Quốc Tế sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và phản ánh đầy đủ cho Hội Luật gia và Ban soạn thảo. 

www.duytanschool.com

 

www.doanhtri.net

Xem thêm Tin Pháp luật