TIẾNG VỌNG
Trần Hồng Quân

  • www.doanhtri.net
  • 13-04-2021
  • 837 lượt xem
Ở Miền Tây có nhiều kinh xáng (kênh lớn do xáng cạp đào). Dọc hai bên bờ bao giờ cũng có những khoảng đất cao vượt mặt ruộng do đất đào kinh đổ lên, không bị ngập trong mùa nước nổi, nên thường có nhà cửa xóm làng xây dựng trên đó. Nhà bà Ngọai thằng bé cũng ở trên bờ một con kinh như vậy thuộc xã Mỹ Quới. 
 
Ở quê nó người ta hay gọi đó là sông, sông đào. Trẻ con ở đây thích tụ tập chơi đùa ở những khoảng sân cạnh con đường ven sông. Ở vùng quê nghèo , trẻ con rất ít có đồ chơi mà lại có nhiều trò chơi. Các trò chơi tuổi thơ lắng vào kỷ niệm theo ta suốt cuộc đời.
 
Một hôm thằng bé cùng bọn trẻ hàng xóm đang chơi trò đuổi bắt, la hét ầm ĩ, nó bổng dừng lại như lắng nghe tiếng gì, tiếng ai.
- Chúng mầy im. 
Bọn trẻ im. Nó hét lên thật to:
- Ê ê ê...
Bên kia sông có tiếng đáp lại: "Ê ê ê..."
Nó lại hét: 
- Thằng nào bên đó? 
Tiếng đáp lại: "Thằng nào bên đó?"
- Đừng giấu mặt, ra chơi đi.
Bên kia cũng đáp lại y như thế.
Vùng quê yên tĩnh nên tiếng vọng nghe rất rõ. Bọn trẻ hằng ngày hầu như luôn ồn ào nên chưa phát hiện chuyện này. Bây giờ mới thấy lạ nhưng lại nghi có thằng nào bên kia đùa giởn. Chúng cứ thi nhau la hét thử. Rồi một thằng hỏi:
- Ai nhái chúng mình vậy? Thằng đó lì ghê.
Không đứa nào trả lời. Chúng tiếp tục la hét chán rồi bày ra trò khác chơi.
Hôm sau thằng bé tìm hỏi anh Bình, con bác Năm chủ tiệm hàng xén. Nghe nói anh học trường tỉnh nên cái gì cũng biết. Anh giải thích rằng: 
- Mầy la một tiếng thiệt lớn, cái tiếng la của mầy bay sang bên kia sông, nó đụng vô nhà cửa cây cối bên đó, bị dội ngược lại, nó bay trở về bên này, chui vô lỗ tai mầy làm cho mầy nghe đúng tiếng la của mầy hồi nảy. Vậy thôi. Đâu có thằng nào nhái mầy. Người ta kêu đó là tiếng vọng, là tiếng vọng, hiểu chưa?
- Dạ, em chưa hiểu mà em nhớ rồi, đó là tiếng vọng.
Nó cảm ơn anh Bình rồi ù té chạy đi tìm bọn trẻ. Với vẻ quan trọng, nó nói:
- Anh Bình giải thích như vầy: 
Nó chỉ tay vào ngực một thằng, y như anh Bình làm với nó:
- Mầy la một tiếng thiệt lớn. Cái tiếng la của mầy bay sang bên kia sông... 
Nó nói y chang lời anh Bình, không sai không sót chữ nào. Cuối cùng cũng kết thúc y như vậy: 
- Người ta kêu đó là tiếng vọng, là tiếng vọng, hiểu chưa?
Bọn trẻ ngớ ra một lúc rồi tiếp tục la hét để trải nghiệm lại tiếng vọng. 
Nó thấy yêu dòng sông quê hương, yêu cái tiếng vọng đó như là hai bờ sông biết vui vẻ đùa giỡn nhau giống lũ trẻ chúng nó.
 
Gia đình nó nghèo, không có đất đai canh tác, rất vất vả mưu sinh, chỉ làm thủ công như dệt chiếu, chầm nón lá. Có lúc quá khó khăn thì đi hái rau muống, nhổ bông súng, nhổ năng trong đồng hoang chở ra chợ Bạc liêu bán. Tuy mất công nhiều mà tiền không được bao nhiêu. Dù vậy, má nó vẫn quyết tâm cho con đi học. Anh, chị nó phải băng đồng 4-5 cây số, mùa khô nắng cháy, mùa mưa nước nổi, vào tận xóm hậu bối, ở đó mới có trường. Dạo đó nó còn nhỏ nên chưa được đi học.
Xóm làng rất yêu thương nễ trọng nhà nó, không chỉ vì Tía nó là người có học nhất làng mà còn một điều đặc biệt là cả dòng họ nó có hơn chục người đi làm cách mạng vì độc lập nước nhà, trong đó có bốn người đang nằm trong nhà lao đế quốc, chưa biết sống chết ra sao. Bọn hương chức hội tề luôn luôn để ý nhà nó. 
Gia đình nó sống với một niềm tin thầm kín và tình yêu cao cả mà đùm bọc nhau, yêu thương nhau trong nghèo khó.
Rồi một ngày trong năm 1942 có người đem đến một lá thư. Nó thấy cả nhà đều khóc.
Má ôm ba anh em nó:
-Thôi. Tía con chết rồi. Tía sẽ ở ngoài Côn Đảo không bao giờ về nữa.
Ở tuổi nó, nó hiểu chết là không bao giờ về nữa. Trước đây em Hồng Sơn của nó chết, ông Bảy mang đi, cũng không bao giờ về nữa.
Từ đó gia đình nó lặng lẽ, ít tiếng cười. Rồi Dì Tám, Dì Chín cũng thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Má nó cũng tham gia bí mật ở địa phương ,vì gánh nặng gia đình nên không thể thoát ly. 
 
Công việc mưu sinh càng nặng nề hơn trước. Bà ngoại đã già yếu, ba anh em chúng nó còn nhỏ. Anh Hai nó lúc ấy mới 10 tuổi mà phải vất vả làm một số việc của người lớn.
Có một lần má nó dự định ra biển thăm dò mua cá về bán, má cho nó theo đi chơi. Hôm đó hai mẹ con ra biển rất sớm để đón thuyền chài.
Ôi biển lạ thật, rộng mênh mông, bãi cát mịn trơn, phẳng lì. Thích quá, thích quá. Nó chạy tung tăng vui sướng. Buổi sáng trời yên biển lặng. Ánh hừng đông ửng hồng trên mặt biển. Má nó bồi hồi không biết Côn Đảo chính xác là hướng nào, nơi mà tình yêu của bà vĩnh viễn nằm lại ở đó.
Thằng bé chạy ra sát mép nước, hướng mặt ra biển, đưa hai tay bắt lên miệng làm loa, hét thật to: 
- Ê ê ê... . 
Không có tiếng vọng đáp lại. 
Nó lại hét: 
- Tui ở đây, tui ở đây!
Vẫn không có tiếng vọng lại.
Má nó đến ôm nó. Nó tỉ tê nói:
- Không có tiếng vọng đáp lại con vì biển chỉ có một bờ. Má à. Sông có hai bờ, lúc nào cũng nhìn thấy nhau, còn đùa giởn nhau bằng tiếng vọng. Còn biển chỉ có một bờ thôi. Không có ai làm bạn, bờ biển có buồn không má? .
Câu hỏi thơ ngây của thằng bé làm bà chạnh lòng thương con và thương mình. Có lẽ nỗi buồn của bà và gia đình làm cho ba đứa trẻ của bà không hồn nhiên vui vẻ như những đứa trẻ khác. Có lần chị em nó nửa đêm tỉnh giấc, thấy má ngồi khóc bên bếp lửa. Chị nó ôm em nằm khóc theo má. Hôm sau thằng bé lẵng lặng bán hết đồ chơi mà nó có cho mấy đứa trẻ xóm chợ, lấy được gần một cắc bạc, về đưa cho má. Bà hỏi : 
- Tiền của ai vậy con?
- Dạ con bán hết đồ chơi, được có bấy nhiêu thôi.
- Sao lại bán? Sao không để chơi? Hay con buồn chuyện gì?
- Dạ. Con hổng có buồn. Nó nói vậy mà mắt nó như chực khóc.
 
Hôm nay giữa cảnh biển thế này sao con bà lại đượm buồn. Bà ôm con chặt hơn, nhìn ra biển.
"Biển chỉ có một bờ".Bờ biển cô đơn. Ở đây quả nhiên không thể nhìn thấy bờ bên kia, nhưng chắc chắn có Côn Đảo thân yêu ở phía đó. 
Và dường như bà đang cảm nhận được tiếng vọng thiêng liêng cao cả đầy yêu thương từ nơi xa xôi ấy làm bà không cầm được nước mắt.
 
Trần Hồng Quân
 
 
 

Xem thêm Văn Nghệ