Thương mại điện tử: Lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch COVID-19

  • www.doanhtri.net
  • 29-10-2021
  • 439 lượt xem
Thương mại điện tử chính là lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh.
 
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19, khó khăn đặt ra đối với các hoạt động mua bán truyền thống càng làm rõ hơn vai trò của thương mại điện tử. Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến, lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
 
Thể hiện rõ vai trò trong lưu thông, cung ứng hàng hóa
 
Hoạt động thương mại điện tử đã và đang tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Thương mại điện tử cũng là kênh tiêu thụ hàng hóa hiện đại, phục vụ đời sống người dân hiệu quả. Nhiều sàn thương mại điện tử đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân khi thực hiện giãn cách xã hội.
 
Đáng chú ý, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư này, nhiều sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee, Lazada, Tiki… đã đi đầu tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, với sức mua nhóm sản phẩm thực phẩm tươi sống trên các sàn tăng từ 150% đến 300% so với thời gian trước đó. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch của bà con nông dân tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội…
 
Điều hành một doanh nghiệp hoạt động trên sàn thương mại điện tử từ năm 2019, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW đánh giá cao hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.
 
Từ năm 2020 cho đến thời điểm hiện tại nhờ thương mại điện tử mà công ty đã xuất rất nhiều những đơn hàng từ thị trường gần như các nước tại châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản), đến châu Âu (Pháp, Đức…)… và tới cả những quốc gia kém phát triển.
 
Bà Phi cho rằng, qua thương mại điện tử, các doanh nghiệp kết nối được các gian hàng với nhau, cung cấp hàng Việt đến các thị trường trên thế giới. Ngược lại, giữa một mạng lưới các nhà cung cấp đến từ khắp các khu vực như vậy, doanh nghiệp cũng có thể tìm được những bạn hàng cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Việt để nhập về. Điều này làm cho chuỗi cung ứng trở nên tuần hoàn, xuyên suốt, đặc biệt hiệu quả trong thời điểm dịch COVID-19 hiện tại.
 
Thúc đẩy thương mại điện tử phát triển
 
Theo quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, năm 2021, thành phố Hà Nội tiếp tục xếp hạng thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử, sau TPHCM. Việc đứng thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử là kết quả của hàng loạt giải pháp thành phố Hà Nội đã triển khai nhằm phát triển thương mại điện tử thời gian qua, từ việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực, đến xây dựng các trang thương mại điện tử tiêu thụ nông sản… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử càng được thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển.
 
Một số giải pháp nổi bật có thể kể tới là Sở Công Thương phối hợp Bộ Công Thương thông tin, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp với các trang thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm xuất khẩu hàng hóa.
 
Để ứng phó với dịch bệnh và thông qua các chương trình kích cầu, các doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ ứng dụng bán hàng, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa… để hỗ trợ thương mại điện tử phát triển.
 
Thời gian tới, với mục tiêu doanh số thương mại điện tử chiếm 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ; tỷ lệ dân số Thủ đô tham gia mua sắm trực tuyến đạt 45%; 60% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng có hóa đơn điện tử…Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
 
Trong đó, chú trọng xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử... và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua.
 
Tập trung phát triển logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử. Kết nối chuỗi cung ứng thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường… Đồng thời tổ chức các hoạt động kích cầu, hỗ trợ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thương mại điện tử…
 

Xem thêm Thời sự