Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ 'hiến kế' xử lý tham nhũng vặt

  • www.doanhtri.net
  • 17-01-2019
  • 482 lượt xem

"Nhiều người dân đi qua khâu này, khâu kia đều phải kẹp phong bì cho nhanh", Thủ tướng nêu vấn đề.

Chiều 16/1, phát biểu tại hội nghị của ngành thanh tra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả toàn ngành đạt được trong năm 2018.

Ông cho rằng, "năm qua chúng ta đã làm được những việc chưa từng có, với hàng loạt kết luận thanh tra quan trọng như cuộc thanh tra: MobiFone mua 95% cổ phần AVG; Cảng Quy Nhơn; Gang thép Thái Nguyên; Hãng Phim truyện Việt Nam..., góp phần thu hồi về cho nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng".

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, ngành thanh tra còn một số hạn chế, nhất là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp dân; nhiều tỉnh, thành còn tình trạng người đứng đầu không tiếp công dân theo quy định. 

"Có những lãnh đạo ở cơ sở đùn đẩy, kiếm cớ bận và chuyển cho cấp dưới tiếp dân, thậm chí có người gặp dân vất xe chạy không dám tiếp", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các tỉnh, thành chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Phương Sơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Phương Sơn

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt, lợi dụng chức vụ gây phiền hà cho người dân. "Nhiều người dân đi qua khâu này, khâu kia đều phải kẹp phong bì cho nhanh, có những cán bộ ký nháy một chữ cũng phải bữa nhậu mới xong... Không thể để hiện tượng này kéo dài mãi, Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng biện pháp xử lý", ông yêu cầu.

Ngoài ra, Thủ tướng nói các cơ quan cần tăng cường luân chuyển nhân sự lãnh đạo ở các lĩnh vực nhạy cảm để phòng ngừa tham nhũng, "công việc liên quan đến tiền bạc, quyền lực thì thời kỳ điều hành phải rút ngắn".

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ nói trong năm 2019, toàn ngành sẽ tập trung vào các cuộc thanh tra đột xuất được dư luận quan tâm, các lĩnh vực quan trọng, dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng để phát hiện, xử lý kịp thời.

Ngành thanh tra cũng sẽ thực hiện tốt hơn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh.

"Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nâng cao năng lực phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng...", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Năm 2018, toàn ngành thanh tra hực hiện gần 227.000 cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 33.800 tỷ đồng và 33.000 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 30.000 tỷ đồng cùng 1.000 ha đất (trong đó đã thu hồi trên 16.600 tỷ đồng, 345 ha đất).

Ngành thanh tra cũng đã kiến nghị xử lý hành chính trên 2.000 tập thể, cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính gần 3.000 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự gần 100 vụ với 150 trường hợp.

Bá Đô    vnexpress.net

Xem thêm Thời sự