Thiết kế chính sách khuyến khích phân loại rác tại hộ gia đình

  • www.doanhtri.net
  • 12-08-2020
  • 438 lượt xem
Ủng hộ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, Chủ tịch Quốc hội nói cần có chính sách khuyến khích sản xuất thùng rác ba ngăn để giúp người dân dễ phân loại.
 
Cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sáng 12/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh ban soạn thảo đề xuất việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thành 3 loại là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
 
Theo bà Ngân, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm việc với các doanh nghiệp về việc sản xuất thùng rác ba ngăn, in chữ rõ ràng, cung cấp cho thị trường. Dù ba ngăn nhưng thùng rác cần cao, sâu, đảm bảo không chiếm diện tích; tiện sử dụng cho người dân và giúp việc phân loại rác trở thành thói quen.
 
"Việc phân loại rác thải phải trở thành phong trào và muốn như vậy, Bộ Tài nguyên Môi trường cần có chiến dịch truyền thông mạnh mẽ", Chủ tịch Quốc hội nói.
 
Bà cũng chia sẻ luôn "dặn người ở nhà hôm nào cuối tuần xả rác nhiều thì phải gửi thêm tiền cho người đi thu gom ngoài số đóng theo quy định. Tuy không lớn nhưng thông qua đó giáo dục con cháu ý thức phân loại rác, đối xử người đang làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường".
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Hoàng Phong
 
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đồng tình với đề xuất phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, theo ông, nếu quy định người dân phải trả tiền thu gom xử lý thì rất dễ dẫn đến tình trạng vứt bừa bãi, không chịu phân loại.
 
Ông Phúc đề xuất chia làm hai loại rác thải công nghiệp và sinh hoạt. Các doanh nghiệp xả thải ra môi trường bắt buộc phải trả tiền để xử lý, nhưng rác thải sinh hoạt thì người dân có thể phân loại, bán lại cho các đơn vị thu gom.
 
"Phải để cho người dân tự bán rác thải đã phân loại, dù không đáng bao nhiêu nhưng họ sẽ có động lực để phân loại. Người đi thu gom rác thải sẽ mua và bán lại cho nhà máy tái chế, sản xuất ra đồ nhựa, phân hữu cơ", ông Phúc nói.
 
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cũng cho rằng, khi phân loại rác, "loại nào bán được thì người dân cứ bán, nhưng những loại rác còn lại xả thải vào môi trường thì họ phải trả phí". Ngoài ra, ông Tuý lo lắng, trước đây địa phương nơi ông công tác thí điểm phân loại rác ở phường, người dân rất hưởng ứng. "Nhưng các hộ dân phân loại xong, đến khi thu gom thì tất cả đổ lên một xe, như vậy là không ổn", ông nói.
 
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
 
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) phân chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội từng địa phương, UBND tỉnh quyết định phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.
 
Dự thảo Luật quy định hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
 
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định thì người dân không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
 
UBND cấp tỉnh quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 1/1/2025.
 
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã xin ý kiến Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 9, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020.
 
Hoàng Thùy     vnexpress.net

Xem thêm Thời sự