Thất thoát tài sản công: Làm gì để ngăn chặn?

  • www.doanhtri.net
  • 04-07-2020
  • 902 lượt xem
 Trụ sở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn
 
(Pháp lý) – Đục khoét tài sản công qua thủ đoạn mua đắt bán rẻ, gian lận trong cổ phần hóa, bán đất ở vị trí đắc địa của doanh nghiệp với giá rẻ mạt… là những căn bệnh trầm trọng của không ít doanh nghiệp nhà nước thời gian qua. Những gì xảy ra trong vụ án tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri) là một trong rất nhiều các trường hợp tương tự. Làm gì để ngăn chặn tình trạng này là câu hỏi bức xúc hiện nay.
 
Chuyển nhượng đất công với giá rẻ mạt
 
Nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, gây thất thoát tài sản nhà nước với nhiều lý do, thủ đoạn khác nhau. Đó là kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn; mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn; và định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa. Đặc biệt là qua thoái vốn, cổ phần hóa, nhiều thửa đất vàng, vị trí đắc địa, nhiều công sản bị bán rẻ cho tư nhân… bằng các thủ đoạn có khi trắng trợn, có khi tinh vi.
 
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri)  là một trong rất nhiều trường hợp trong bản trường ca thua lỗ, thất thoát triền miên này.
 
Điểm qua một số hoạt động hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp này, có thể thấy cung cách hoạt động bất chấp pháp luật, bất chấp hiệu quả thu được về cho doanh nghiệp.
 
Trong giai đoạn 2016 – 2017, Sagri thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9) có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng Công ty CP Phong Phú với giá chuyển nhượng hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2). Trớ trêu là mức giá mà Sagri chuyển nhượng dự án này thấp hơn giá mà Tổng Công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bằng 1/3 so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2). Trong dự án này, Sagri sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng Công ty Phong Phú là 72%.
 
Sagri chuyển nhượng vốn góp (quyền sử dụng đất) tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng Công ty CP Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường.
 
Cũng trong giai đoạn này, Công ty CP Lâm Nghiệp Sài Gòn – Forimex (Forimex là Công ty thành viên của Sagri với tỷ lệ vốn góp trên 26%) còn bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường khoảng 3 triệu đồng/m2. Chưa kể, khu đất này được Sở Tài nguyên – Môi trường Kiên Giang cho Forimex thuê khu đất để trồng cây lâu năm. Trong hợp đồng có điều khoản “… không được chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba…”.
 
Một thương vụ hợp tác đầu tư bất thường khác của Sagri có liên quan đến Tập đoàn Trung Thuỷ. Hai bên đã thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với tổng diện tích đất 650ha và tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng.
 
Công ty này có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Trung Thuỷ góp 104,96 tỷ đồng tương đương 64% vốn điều lệ, Sagri góp 59 tỷ đồng tương ứng 36%. Theo thoả thuận, Trung Thuỷ cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vốn mà không tính lãi trong 3 năm kể từ ngày thành lập công ty. Ngày 30/12/2016, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho Trung Thuỷ Sagri.
 
Thanh tra TP. HCM xác định hợp tác đó trái pháp luật vì Công ty Bò sữa TP.HCM đã giao đất cho Công ty Trung Thủy Sagri khi chưa có văn bản chấp thuận giao đất của UBND TP.HCM; đồng thời khu đất 650ha này do Công ty Bò sữa thuê đất hàng năm nhưng Sagri đã sử dụng mặt bằng khu đất làm vốn góp là vi phạm quy định tại Điều 175 Luật Đất đai.
 
Sagri cũng ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Thủy thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Trung Thủy Agri để thực hiện ngành nghề kinh doanh bất động sản, là ngành nghề phải thoái vốn theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Sagri được xác định đã bàn giao 140 ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Agri khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.
 
Ngoài ra, bằng việc hợp tác với Sagri, Tập đoàn Trung Thuỷ cũng đã thâu tóm thành công nhiều lô đất vàng tại TP.HCM. Đơn cử như Dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh được hợp tác vào năm 2016. Ngoài ra, Sagri còn thành lập nhiều pháp nhân có liên quan đến Trung Thuỷ như Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, Lancaster Tân Thuận… để thực hiện loạt dự án trên các khu đất vàng rộng hàng trăm ngàn m2 tại Tp.HCM.
 
Từ năm 2015 đến 2017, Sagri ký 7 hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới với công ty bên ngoài để kinh doanh trên các khu đất có diện tích 794 ha. Trong số đó, 6 hợp đồng là hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư trên 16 khu đất của Sagri với tổng diện tích 26,4 ha, bất chấp theo quy định, bất động sản thuộc ngành kinh doanh phải thoái vốn, không được phép đầu tư.
 
Sagri đang quản lý khoảng 7.000 ha đất và tổng tài sản đến cuối năm 2017 gần 3.000 tỷ đồng. Nhưng năm 2017, tổng công ty này chỉ tạo ra được hơn 47 tỷ đồng lợi nhuận, đạt gần 30% kế hoạch đã đề ra.
 
Làm gì để ngăn chặn?
 
Sai phạm của ông Lê Tấn Hùng – Tổng Giám đốc Sagri (em trai cựu Bí thư Thành ủy TP. HCM) với các thương vụ chuyển nhượng đất công với giá rẻ mạt trên đây cũng tương tự nhiều vụ khác đã bị khởi tố điều tra ở nhiều thành phố lớn. Điển hình là những vụ thâu nhóm đất công, tài sản công của Phan Văn Anh Vũ tại Đà Nẵng, TP.HCM.
 
Hay vụ khu đất vàng thuộc diện công sản tọa lạc tại số 33 Nguyễn Du và 34 – 36 – 42 đường Chu Mạnh Trinh, P.Bến Nghé, Q.1, TP. HCM từng do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thuộc Bộ NN&PTNN quản lý, sử dụng. Vinafood 2 đã bán công sản với giá rẻ cho Công ty Việt Hân bằng chiêu thoái vốn. Thanh tra của Bộ cũng chỉ ra, các bước mà Vinafood 2 thực hiện trong các quá trình liên quan đến khu đất vàng là sai với nội dung các nghị quyết đã ban hành, sai với tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNN, trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
 Khu đất vàng bốn mặt tiền 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP. HCM)
 
Hay khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP. HCM) có 4 mặt tiền, tổng diện tích khoảng 6.000 m2 được giao cho Sabeco. Tháng 6/2015, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê. Sau đó, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu ( 26%) trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/HĐ-SABECO/2016 với giá bán 13.347 đồng/cổ phiếu, cho chính các cổ đông sáng lập và chỉ thu về được 195 tỷ đồng. Mức giá này được cho là “siêu rẻ” so với giá trị của khu đất vàng. Giới địa ốc cho rằng giá thị trường khu đất này phải đến 6000 tỷ đồng.
 
Một vài vụ án trên đây cho thấy thủ đoạn không có gì mới, đó là doanh nghiệp Nhà nước được giao sử dụng sẽ xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và màn cuối là thoái vốn, tài sản công dễ dàng sang túi tư nhân với giá rẻ. Nhà nước thiệt hại nhưng lợi nhuận thật sự rơi vào tay lãnh đạo doanh nghiệp và những cá nhân có thẩm quyền phê duyệt.
 
Do đó, vấn đề đặt ra là phải vá các lỗ hổng của chính sách, của pháp luật. Trước hết, những doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ đất ở vị trí đắc địa không còn sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời thì buộc phải trả lại đất cho Nhà nước, bàn giao lại cho địa phương hoặc các bộ ngành quản lý, không được kêu gọi hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có (sau đó thực hiện thoái vốn góp).
 
Khi cổ phần hóa hoặc tính giá khởi điểm khi thoái vốn phải tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp sát giá thị trường. Trong trường hợp muốn bán lại, nhượng lại cho chủ đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu, phải qua cạnh tranh mới có giá thực sự. Những khu đất được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai phải được Thanh tra xem xét lại trên cơ sở quy định của pháp luật như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…
 
Một thủ đoạn khác không khó nhận biết là nhiều giao dịch vẫn qua đấu thầu hợp lệ nhưng đó là đấu thầu giả, chỉ là đấu thầu hình thức, bên thắng thầu đã được định sẵn với một vài “quân xanh” tham gia cho hợp lệ. Do đó, nếu không làm tốt chức năng giám sát, phòng ngừa tham nhũng, minh bạch hóa thì các tổ chức định giá, tổ chức đấu giá vẫn có nguy cơ giả mạo.
 
Việc thiếu công khai, minh bạch là môi trường thuận lợi nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như đầu cơ, thôn tính doanh nghiệp bất hợp pháp.
 
Minh Khôi  https://phaply.net.vn/

Xem thêm Thời sự