Robot 5 bậc tự do của Việt Nam phục vụ đào tạo

  • www.doanhtri.net
  • 12-07-2018
  • 772 lượt xem

So với robot nhập, sản phẩm của Việt Nam có giá bằng một nửa nhưng đáp ứng đầy đủ các chức năng trong đào tạo về robotics.

So với robot nhập, sản phẩm của Việt Nam có giá bằng một nửa nhưng đáp ứng đầy đủ các chức năng trong đào tạo về robotics.

 

00:32

| 01:00

 

 
 
 

Trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, các tay máy và robot đã được sử dụng rộng rãi nhằm thay thế sức lao động con người, nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của sản phẩm. Tại Việt Nam, việc sử dụng robot còn hạn chế, do giá thành đắt và đòi hỏi người sử dụng phải nắm vững kỹ thuật cần thiết. Vì vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phát triển và sử dụng là nhiệm vụ cấp thiết.

Nhiều đại học, cao đẳng và dạy nghề về công nghệ - kỹ thuật đã có chương trình đào tạo về robot, nhưng sinh viên chủ yếu được học lý thuyết, mô phỏng và ít có điều kiện thực hành. Một số trường có ít robot thực hành nhập từ nước ngoài cũng gặp khó khăn trong sửa chữa, bảo hành do phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Robotics Việt Nam đã thực hiện công trình "Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo". Dự án nằm trong Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sau hai năm thực hiện, nhóm đã tạo ra robot 5 bậc tự do VNR -T1 kiểu khớp xoay dạng đứng trọng lượng 15 kg, có kích thước để bàn, làm việc trong bán kính tối đa 610 m. Các khớp xoay của robot được dẫn động bằng các động cơ và bộ điều khiển có tính chính xác cao.

Robot đáp ứng các kiểu thực hành như một robot công nghiệp hoạt động độc lập, hoặc được điều khiển từ máy tính, đào tạo qua mạng.

Robot 5 bậc tự do.

Robot 5 bậc tự do. 

Kỹ sư Lê Anh Kiệt, Giám đốc công ty Robotics Việt Nam cho biết, khác với robot đào tạo của các hãng tiên tiên trên thế giới, cấu hình của robot VNR-T1 cho phép học viên can thiệp vào cả hệ cơ khí (tháo lắp) và hệ điều khiển thông qua giao diện người dùng (hệ thống mở). Tùy vào mục đích hay nhiệm vụ, học viên sẽ tương tác với hệ thống thông qua phím điều khiển, nhập dữ liệu hoặc lập trình điều khiển, khảo sát các giải thuật và giám sát kết quả trên màn hình máy tính.

Người dùng có thể điều khiển từ xa robot "made in Vietnam" từ máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh qua công nghệ bluetooth. Hệ thống xây dựng nhiều bài thực hành giúp sinh viên tiếp thu tốt hơn các môn học. Robot được cấu tạo từ nhiều phụ kiện có khả năng thay thế ngay ở trong nước để phục vụ hiệu quả công tác bảo trì, sửa chữa trong quá trình sử dụng.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tự động hóa, robot này có khả năng kết nối dây chuyển sản xuất linh hoạt, khả năng phát triển thành robot công nghiệp, trong khi giá thành rẻ chỉ bằng 40% thiết bị ngoại nhập.

Dự án đã chế tạo và chuyển giao cho hơn 10 trường ở TP HCM, Hà Nội, Huế, Bình Dương, Nam Định như Đại học Việt Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội, Cao đẳng Công nghiệp Huế… và cung cấp cho một số công ty về thiết bị đào tạo.

Ông Kiệt cho biết, công ty đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm robot VNR-T1 theo hướng chọn vật liệu và gia công để giảm trọng lượng và giá thành, mở rộng thêm các bài thực hành trên hệ thống robot 5 bậc tự do.

Nhóm cũng thực hiện các nghiên cứu phát triển sản phẩm robot 6 bậc tự do có độ chính xác cao, cho phép xử lý đối tượng một cách tự do trong không gian ba chiều, mô phỏng đầy đủ hoạt động của cánh tay người.

Từ nền tảng này, công ty sẽ triển khai các ứng dụng trong công nghiệp như lắp ráp, mài - đánh bóng, hàn sản phẩm và đặc biệt - ứng dụng cho đào tạo.

Phạm Hương     vnexpress.net

Xem thêm Thời sự