Quy định mới về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ

  • www.doanhtri.net
  • 26-05-2023
  • 354 lượt xem
(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
 
Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo. Theo đó, mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo. Đối với các đại học, một giảng viên có thể được sắp xếp vào một hoặc nhiều đơn vị đào tạo thuộc, trực thuộc đại học với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo.
 
Giảng viên đại học thỉnh giảng tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian theo lĩnh vực đào tạo
 
Quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng, Thông tư nêu rõ: Tổng số giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo (trừ nhóm ngành Đào tạo giáo viên) bao gồm số giảng viên toàn thời gian quy đổi và giảng viên thỉnh giảng quy đổi tương ứng của lĩnh vực đào tạo đó; tổng số giảng viên quy đổi theo ngành thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên là số giảng viên toàn thời gian quy đổi của ngành đào tạo đó (giảng viên thỉnh giảng không được tính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh).
 
Số giảng viên thỉnh giảng quy đổi được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo. Riêng các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này), số giảng viên thỉnh giảng quy đổi được tính tối đa bằng 40% số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo.
 
Hệ số quy đổi giảng viên toàn thời gian, giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trình độ đại học của cơ sở đào tạo có chức danh, trình độ khác nhau quy định tại Bảng I, Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; trong đó mỗi giảng viên chỉ được tính quy đổi một lần ở mức quy đổi cao nhất.
 
Đối với ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bao gồm: ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin, lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân và các ngành đào tạo theo đề án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong từng giai đoạn và được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở căn cứ nhu cầu nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo chủ trương, định hướng của Nhà nước), giảng viên thỉnh giảng được xác định bao gồm cả các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý là những người lao động có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo, đồng thời có từ 05 năm trở lên về kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp tại doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp gắn với ngành và lĩnh vực đào tạo làm giảng viên trợ giảng và được tính hệ số theo quy định.
 
Quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ
 
Tổng số giảng viên theo ngành đào tạo bao gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng của cơ sở đào tạo có trình độ/chức danh đáp ứng yêu cầu của giảng viên giảng dạy chương trình thạc sĩ, tiến sĩ và phù hợp về chuyên môn tương ứng của ngành đào tạo đó.
 
Số lượng giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian của cơ sở đào tạo xác định theo ngành đào tạo. Riêng các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, số lượng giảng viên thỉnh giảng được tính tối đa bằng 40% tổng số giảng viên toàn thời gian của cơ sở đào tạo xác định theo ngành đào tạo.
 
Đối với giảng viên nhóm ngành Ngôn ngữ văn học và văn hóa Việt Nam, nhóm ngành Ngôn ngữ văn học và văn hóa nước ngoài, nhóm ngành Thể dục, thể thao, các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật: Giảng viên trợ giảng là Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có trình độ thạc sĩ.
 
Giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có trình độ tiến sĩ.
 
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/6/2023.
 
Khánh Linh    https://baochinhphu.vn

Xem thêm Tin Pháp luật