Phát huy vai trò tham mưu, thẩm định các đường lối kinh tế của Đảng

  • www.doanhtri.net
  • 24-09-2020
  • 334 lượt xem
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương.
 
(Chinhphu.vn) - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương (30/9/1950 - 30/9/2020), các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Trưởng ban qua các thời kỳ đã có những đánh giá về vai trò, đóng góp của đơn vị này trong việc nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển với nhiều thay đổi về mô hình tổ chức phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu, đề xuất cho Trung ương ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay trong nhiệm kỳ này, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu 15 nghị quyết, kết luận về kinh tế - xã hội, đồng thời đã hoàn thành tốt việc thẩm định, thẩm tra, tham gia ý kiến đối với các vấn đề, các đề án, các báo cáo mang tầm chiến lược giúp cho Đảng hoàn thiện được thể chế, cơ chế, chính sách, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Từ sau khi tái lập lại Ban Kinh tế, những ý kiến thẩm định của Ban Kinh tế luôn có chất lượng.
 
Trong nhiệm kỳ XII của Đảng, chúng ta đã triển khai thực hiện 3 Nghị quyết quan trọng của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Để thế chế hóa những văn kiện quan trọng đó thì Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo xây dựng những luật như Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… và còn nhiều luật khác liên quan tới hệ thống pháp luật về kinh tế. Nhờ đó đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, minh bạch cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động.
 
Trong gần 35 năm đổi mới, để Việt Nam xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện, nhất là pháp luật về kinh tế, để góp phần quan trọng tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng mục tiêu đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, và sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan của Đảng, trong đó có Ban Kinh tế Trung ương trong việc tham mưu và thẩm định những vấn đề, đề án phát triển kinh tế.
 
Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương sẽ khắc phục những hạn chế để tiếp tục chủ động nghiên cứu những vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, tham mưu cho Đảng những chính sách giúp cho việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong đổi mới quản lý kinh tế và thúc đẩy các cơ quan hành pháp thực hiện.
 
“Tôi cho rằng việc tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội cùng với Ban Kinh tế Trung ương để thẩm định, thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, và những đề án trình Bộ Chính trị để tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành rất là quan trọng và nó sẽ đưa hoạt động của Ban ngày càng hiệu quả, toàn diện và có chất lượng cao hơn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
 
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, được sự phân công và dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì tham mưu, xây dựng một số Nghị quyết quan trọng vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài vừa trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc, đồng thời khơi dậy mọi nguồn lực to lớn thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội, cho phát triển lực lượng sản xuất mà điển hình có thể kể đến: Nghị quyết số 11-NQ/TW Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 10-NQ/TW Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia; Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia.
 
Nhìn lại suốt 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng chăm lo xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và coi đây là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đột phá.
 
Đến nay, có thể khẳng định rằng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ nét hơn, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đồng bộ, đầy đủ và hoàn thiện hơn.
 
Nhờ đó, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và xem là hình mẫu của các nước đang phát triển mà như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ tốt đẹp như ngày nay”. Tuy nhiên, đây là mô hình chưa có tiền lệ trên thế giới, do vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể tránh khỏi các ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, có lúc khá gay gắt.
 
Có ý kiến hoài nghi nếu vận hành đầy đủ, đồng bộ các quy luật kinh tế thị trường thì khó giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa; có ý kiến tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế nhà nước, e ngại, dè dặt đối với kinh tế tư nhân; ngược lại, có ý kiến lại tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân, cho rằng kinh tế tư nhân sẽ quyết định tất cả và do vậy phải là động lực duy nhất …
 
Do vậy, về vấn đề kinh tế tư nhân, để đi đến thống nhất nhận thức là rất khó khăn, phức tạp, phải giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới trên cơ sở phải thấm nhuần sâu sắc những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm xuyên suốt của Đảng.
 
“Nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dùng đúng đắn các quy luật khách quan, kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết thực tiễn đổi mới ở nước ta, bảo đảm vững chắc định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đó chính là hoàn cảnh, yêu cầu và quan điểm của Đảng để Ban Kinh tế Trung ương xây dựng 3 Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nói.
 
Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vũ Oanh nhớ lại, trong những năm đầu của thập kỷ 80, kinh tế nước ta lúc đó có những giảm sút nghiêm trọng, trước hết do cơ chế, chính sách trong các ngành: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và các ngành kinh tế khác, sức sản xuất bị kìm hãm, kém phát triển, phân phối, lưu thông trì trệ.
 
Tuy nhiên, để chỉ ra được những mặt hạn chế và thừa nhận những bất cập trong cơ chế, chính sách trong cả một giai đoạn dài là không hề đơn giản. Từ Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị là một quá trình đấu tranh vô cùng gian nan, quyết liệt giữa tư tưởng bảo thủ trì trệ, giáo điều với tư duy đổi mới sáng tạo; trên chặng đường đi đến thành công gặp phải không biết bao nhiêu lực cản nhưng ý chí và sức mạnh của tư tưởng đổi mới đã thắng lợi. Có thể nói Chỉ thị 100 đã tạo nên thành công cho quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, là tiền để tạo niềm tin, động lực cho tiến trình đổi mới thành công cơ chế quản lý kinh tế đất nước sau này.
 

Xem thêm Thời sự