PHẢN ÁNH CÁC Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2019 - TS Nguyễn Thị Sơn

  • www.doanhtri.net
  • 22-03-2019
  • 1794 lượt xem

Thực hiện vai trò trách nhiệm phản biện xã hội của các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tôi đã tổng hợp các ý kiến và nêu nhận xét của cá nhân tôi:

1) Về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức ở Hà Nội.

(*) Sự thịnh vượng, an ninh, hòa bình của quốc gia được đánh giá cao không chỉ qua những hình ảnh lãnh đạo Việt Nam đón tiếp hai nguyên thủ quốc gia Mỹ, Triều, mà còn qua các hình ảnh trật tự, thân thiện, đón chào của người dân Việt Nam đối với Tổng Thống Hoa Kỳ và Lãnh tụ Triều Tiên.

(*) Niềm tin của người dân được khẳng định đối với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về chính sách “Đa phương hóa quan hệ hợp tác về chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội…”, Việt Nam hợp tác bình đẳng với tất cả các quốc gia trên thế giới.

2) Về việc Phát triển kinh tế.

Sự phát triển về truyền thông và khoa học công nghệ có thể có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có thể tiêu diệt một số ngành nghề truyền thống.

* Máy ảnh và máy in hình, sự phát triển về kỹ thuật số và các công năng trong chiếc điện thoại cầm tay cho phép người dùng có thể chụp ảnh nhanh, lưu giữ ảnh trong điện thoại và nhanh chóng post lên mạng xã hội (Facebook), điều này đã làm cho máy chụp hình, dịch vụ chụp hình, rửa hình dần thất nghiệp, thậm chí không còn tồn tại.

* Sản phẩm nông nghiệp chế biến, chúng ta hay nói đến vụ mùa, sản phẩm nông nghiệp được mùa thì rớt giá. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập thị trường chế biến và tiêu thụ, nhiều nhà đầu tư của các quốc gia Đông Nam Á, của các quốc gia khác vào đầu tư ở Việt Nam, họ sẽ khai thác mạnh mẽ lĩnh vực này, họ sẽ thu mua chanh để chế biến tinh dầu chanh cung cấp cho các nhà sản xuất nước ngọt, sản xuất dược liệu, Vitamin C… Họ sẽ thu mua hoa hồng, hoa nhài để chế biến tinh dầu cung cấp cho nhà sản xuất nước hoa, cho các xí nghiệp dược hoặc các hương liệu chế biến cho thực phẩm, trà xanh… điều đó chắc chắn có lợi cho nhà nông.

* Nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp, vừa qua có nhiều ý kiến trái chiều, “nước mắm” phải được ủ từ con cá. Vậy “nước chấm” có được chế biến từ con cá không? Như trên tôi đã nói về sự chiết suất của các tinh dầu thực vật. Nhà sản xuất bột cá, có thể mua con cá ở nhiều bãi biển để chế biến bột cá, nhà sản xuất có thể mua trái ớt để chế biến bột ớt. Ở đây có vấn đề đặt ra với thị trường tiêu dùng, người tiêu dùng là người ăn bữa sáng trưa chiều, họ chấm nước mắm hay nước tương hay tương ớt là tùy vào khẩu vị và tùy vào món ăn họ chấm (bánh mì, bánh cuốn, cơm, phở)… người tiêu dùng cũng có thể là bà nấu bếp, bà ấy thích bỏ vào nồi canh vài muỗng nước mắm, nhưng cũng có thể bà ấy bỏ vài thìa muối và bột nêm từ thịt hầm xương. Vậy thì quyết định cuối cùng của bà nội trợ là khi xem TV, thấy quảng cáo quy trình sản xuất nước mắm truyền thống hay nước chấm công nghiệp có bột cá, bột nêm, được đóng chai vô trùng sạch sẽ… là quyết định vô tư của bà nội trợ. Công việc của các Cơ quan quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm, về Cạnh tranh, là sự công bố các định chuẩn về sản xuất và chế biến thực phẩm..., các định chuẩn về tên gọi sản phẩm, về thương hiệu…

3) Một số ý kiến về Thi cử và phản ánh của xã hội về gian lận trong thi cử.

(*) Về việc tổ chức Thi Tốt nghiệp THPT, 3 năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục thay đổi các quy định thi Tốt nghiệp THPT, có năm đề thi quá dễ, năm 2018 đề thi quá khó, những năm trước tính điểm học bạ 50% + 50% điểm thi tốt nghiệp để xét điểm đậu. Năm nay quy định, điểm học bạ 30% + 70% điểm thi tốt nghiệp. Điều này dẫn đến việc học sinh không coi trọng điểm thi trong năm học, bỏ một số bộ môn không thi để dồn vào việc ôn thi các bộ môn phải thi. Ví dụ học sinh thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, Anh và một tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) thì tự động không học tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, GDCD). Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều quốc gia tiên tiến đã bỏ kỳ thi quốc gia cho bậc học THPT, mà để cho các trường THPT xét tốt nghiệp cho học sinh. Các Trường Đại học căn cứ học lực của học sinh và uy tín của các trường trung học mà xét tuyển hoặc tổ chức thi tuyển vào Đại học. Như thế vừa thực chất trong học tập của học sinh, mà ngân sách hằng năm không tốn kém chi cho việc tổ chức thi THPT trên toàn quốc.

(*) Về việc nâng điểm ở một số tỉnh phía Bắc: Rõ ràng kỳ thi THPT vừa tốn kém vừa có những tiêu cực xảy ra trên diện rộng (nhiều người cho rằng có những nơi chưa bị phát hiện). Việc nâng điểm ở tỉnh Hòa Bình đã có danh sách, chưa công bố công khai cũng gây bất bình trong xã hội. Ý kiến cá nhân tôi: nên thận trọng khi công bố danh sách các em học sinh được nâng điểm để vào các ngành học “hot”. Cần làm rõ việc vi phạm pháp luật của cán bộ có trách nhiệm tại các kỳ thi? Làm rõ có sự mua bán, đổi chác của phụ huynh? Riêng đối với học sinh lớp 12, bắt đầu năm học là 17 tuổi, nghỉ tết vào kỳ thi là đúng 18 tuổi, về nguyên tắc các cháu phải chịu trách nhiệm về hành vi pháp lý của mình, nhưng trong thực tế, thật sự trong gia đình, các cháu chưa tự chủ về tài chính, còn lệ thuộc vào quyết định của cha mẹ trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Việc công khai danh tính các cháu có cần thiết không? Đừng để chuyện đáng tiếc có thể xảy ra đối với các cháu chỉ vì sức ép của dư luận xã hội.

(*) Về việc các báo có đưa tin thông báo có 132 trường được ưu tiên tuyển thẳng vào Đại học Quốc gia TPHCM (http://doanhtri.net/tin-132-truong-duoc-uu-tien-tuyen-thang-vao-dai-hoc-quoc-gia-tp-hcm-d62477.html)
Theo thông báo này, năm nay có 132 trường được ưu tiên tuyển thẳng vào Đại học Quốc gia TPHCM, đa phần là hệ thống trường công nhưng có 1 trường là trường tư có 2 điểm trường được tuyển thẳng. Người dân thắc mắc, Công bố thông báo như vậy có công bằng không? Những người có tiền sẽ chạy để cho con học ở những trường này mà chẳng cần phải nâng điểm.

* NGƯỜI DÂN phản ánh ý kiến với Bộ Giáo dục Đào tạo và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Kể cả với hệ thống trường công và hệ thống các trường dân lập, tư thục. Nếu có tổ chức THI CỬ là phải công bằng, phải chung một quy định. Nếu là TUYỂN THẲNG cũng phải công bằng cho tất cả học sinh của tất cả các trường trên toàn quốc.

4) Tính pháp lý của một số tội phạm phát sinh trong xã hội như xâm hại trẻ em, quấy rối tình dục ở các nơi công cộng.

Những bức xúc của người dân về xử lý một số hành vi quá nhẹ như hôn trong cầu thang, có ý định xâm hại trẻ em, quấy rối tình dục ở một số nơi công cộng như cố tình đụng chạm trên tầu xe… luật pháp cần được nghiên cứu để điều chỉnh các hành vi này cho phù hợp.

5) Một số vụ án lớn xảy ra trong quá khứ, bây giờ mới được phát hiện. 

Người dân rất đồng tình với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Nhưng người dân, trong đó có sự băn khoăn của các doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác, của các cán bộ quản lý hành chính nhà nước đang xử lý công việc hằng ngày. Họ rất căng thẳng, luật và các văn bản pháp lý thay đổi liên tục, môi trường quản lý cũng luôn thay đổi, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, thiểu số phải phục tùng đa số, hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ quản lý, có lúc phải trải thảm đỏ để kêu gọi đầu tư (thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008)… khái niệm về giá trị thương hiệu, chuỗi giá trị gia tăng của doanh nghiệp chưa được nhà nước thừa nhận khi thanh tra kiểm tra.…

6) Đầu tư và nợ công.

 

Việt Nam phát triển kinh tế tương đối nhanh nhưng so với các nước trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, … chúng ta còn kém xa. Hệ thống hạ tầng cơ sở, sân bay, bến cảng, hệ thống tàu tốc hành, các giải pháp cho tình trạng ngập úng, tắc đường… cần nghiên cứu để kêu gọi đầu tư nước ngoài vừa là tranh thủ nguồn vốn, vừa là tranh thủ học hỏi sự chuyên nghiệp về khoa học kỹ thuật và khoa học quản lý để có hiệu quả cao trong đầu tư. Như thế sẽ giảm áp lực về nợ công của nhà nước, nhưng cũng phải đảm bảo việc chọn nhà thầu tốt, công khai, minh bạch.

Trân trọng kính chào.

Nguyễn Thị Sơn  

Xem thêm Thời sự