Ông Võ Trí Thành: Thương mại số sẽ thay cách xúc tiến xuất khẩu truyền thống

  • www.doanhtri.net
  • 15-04-2019
  • 524 lượt xem

Khái niệm xuất khẩu không còn bó hẹp ở đưa hàng hoá ra nước ngoài mà còn là cung ứng cho các nhà sản xuất FDI tại Việt Nam.

Chia sẻ tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu ngày 12/4, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, với các FTA Việt Nam đã ký kết, xuất khẩu không còn đơn thuần là thị trường, mà điều cơ bản nhất vẫn là đối tác, tạo ra mạng lưới, tạo ra chuỗi giá trị và đầu vào. "Kinh tế thương mại ngày nay không chỉ lấy doanh nghiệp là trung tâm, mà thay vào đó là công chúng, đám đông... Đây là những đặc trưng thay đổi căn bản trong sản xuất và thương mại", ông Thành nói.

Ông Võ Trí Thành cũng chỉ ra, sự lên ngôi của thương mại số sẽ thay thế phương thức xúc tiến thương mại xuất khẩu truyền thống. Theo ông, khái niệm xuất khẩu hiện không còn bó hẹp ở việc doanh nghiệp đưa hàng hoá ra thị trường nước ngoài mà còn là cung ứng sản phẩm cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. "Đây chính là phương thức xuất khẩu tại chỗ, cũng đồng thời là cách giúp doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu", Tiến sĩ Võ Trí Thành nêu.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và thương hiệu cạnh tranh. Ảnh: T.L

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và thương hiệu cạnh tranh. Ảnh: T.L

Năm 2017, giá trị dòng số "nhúng" vào nền kinh tế đạt 81.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu số là 97.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng lên lần lượt 953.000 tỷ và 652.000 tỷ đồng vào năm 2030.

"Thương mại số không đơn thuần là thương mại điện tử mà còn là đa dạng hình thức 'nhúng' vào các ngành kinh tế với nhiều nền tảng khác nhau, lĩnh vực rất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác trong tương lai", ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Vì thế, xu hướng xuất khẩu mới đòi hỏi sự thay đổi tương ứng từ các quốc gia, với Việt Nam là sự dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới, vai trò trung tâm của người tiêu dùng và dịch vụ hạ tầng.

Từ thực tế 10 năm lặn lội đưa sản phẩm chè hữu cơ chinh phục thị trường châu Âu, ông Phạm Minh Đức - chủ một doanh nghiệp sản xuất chè hữu cơ đúc kết, muốn thành công doanh nghiệp phải kiên trì, hiểu thị trường và nỗ lực tiếp cận, chứ không đơn thuần chỉ có niềm tin. 

"Lần đầu tiên sang châu Âu, sản phẩm chè của chúng tôi bị từ chối thẳng thừng vì họ nói chè Việt Nam chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, không đạt chuẩn châu Âu. Năm đầu thất bại, năm thứ hai lại tiếp tục gửi sản phẩm mẫu và điều chỉnh chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu. Dần dần sản phẩm chè hữu cơ của chúng tôi đã được chấp nhận tại thị trường này", ông Đức kể. 

Và với xu hướng công nghệ, sự tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và xu hướng tiêu dùng hiện đại, ông Đức cho rằng, cách xúc tiến xuất khẩu cần có sự đổi khác, xuất khẩu phải phát triển đồng bộ với tái cơ cấu sản phẩm, phát triển dịch vụ khách hàng...

Ở góc độ đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) bày tỏ, xuất khẩu vẫn là yếu tố then chốt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là làm sao duy trì được mức độ tăng trưởng xuất khẩu cao và bền vững.

Theo ông Phú, phần lớn doanh nghiệp Việt là vừa và nhỏ nên nguồn lực có hạn, việc tự bươn chải vào các thị trường là quá sức. Vì thế, những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xúc tiến xuất khẩu hiệu quả nhất, giảm tải sức ép nguồn lực sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý chú trọng thời gian tới, nhằm tư vấn, kết nối người mua - bán đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường xuất khẩu. 

 

Anh Minh     vnexpress.net

Xem thêm Thời sự