Những điểm nổi bật của Chỉ số Cảm nhận tham nhũng 2020

  • www.doanhtri.net
  • 05-02-2021
  • 696 lượt xem
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) ngày 28/1 đã công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020. Qua đó, cho thấy một bức tranh màu xám về tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới.
 
Tổng quan
 
CPI là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công, cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Nghiên cứu của TI chỉ ra, trong gần một thập kỷ qua, hầu hết quốc gia đạt được rất ít hoặc không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tham nhũng, với hơn 2/3 trong số 180 quốc gia được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100.
 
Báo cáo về CPI 2020 nhấn mạnh, tham nhũng không chỉ làm suy yếu nỗ lực phản ứng của toàn cầu đối với dịch bệnh COVID-19, mà còn góp phần vào cuộc khủng hoảng dân chủ đang diễn ra.
 
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) ngày 28/1 đã công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020.
 
Theo Chủ tịch TI, bà Delia Ferreira Rubio: “COVID-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế, đó còn là một cuộc khủng hoảng tham nhũng. Và đó là cuộc khủng hoảng lớn mà chúng ta hiện đang thất bại trong việc quản lý”.
 
CPI năm 2020 dựa trên 13 đánh giá của chuyên gia và khảo sát các doanh nhân, sử dụng thang điểm từ 0 đến 100, trong đó 0 là tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch.
 
Tương tự nhiều năm trước, số đông quốc gia đạt điểm dưới 50 và điểm CPI trung bình của toàn cầu chỉ là 43. Các con số và phân tích dữ liệu cho thấy, mặc dù có một số tiến bộ, nhưng hầu hết quốc gia vẫn không giải quyết được tham nhũng một cách hiệu quả.
 
Các quốc gia đứng đầu về chỉ số CPI năm 2020 là Đan Mạch và New Zealand, với 88 điểm; tiếp theo là Phần Lan, Singapore, Thụy Điển và Thụy Sĩ, với 85 điểm.
 
Trong khi đó, các quốc gia cuối bảng là Nam Sudan và Somalia, với 12 điểm mỗi nước; tiếp theo là Syria (14 điểm), Yemen và Venezuela (15 điểm).
 
Kể từ năm 2012, 26 quốc gia đã cải thiện điểm số CPI của họ, bao gồm: Hy Lạp, Myanmar và Ecuador. Trong cùng thời gian, 22 quốc gia bị giảm điểm, bao gồm: Lebanon, Malawi và Bosnia & Herzegovina.
 
COVID-19 và tham nhũng
 
Tham nhũng làm suy yếu phản ứng công bằng đối với COVID-19 và các cuộc khủng hoảng khác. Cuộc khủng hoảng kép này cũng nêu bật tầm quan trọng của tính minh bạch cũng như các biện pháp chống tham nhũng trong tình huống khẩn cấp.
 
Báo cáo của TI cho thấy, tham nhũng xảy ra phổ biến trong phản ứng với COVID-19, từ hối lộ cho các xét nghiệm COVID-19, điều trị và các dịch vụ y tế khác, cho đến mua sắm công đối với vật tư y tế và sự chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho tình huống khẩn cấp.
 
Tham nhũng và các trường hợp khẩn cấp ăn mòn lẫn nhau, tạo ra một vòng luẩn quẩn của việc quản lý yếu kém và khủng hoảng sâu sắc hơn.
 
Các khoản tiền lớn cần thiết để đối phó với trường hợp khẩn cấp, nhu cầu khẩn cấp trong việc giải ngân các gói viện trợ hoặc kích thích kinh tế và nguy cơ từ sự ảnh hưởng quá mức đối với các phản ứng chính sách tạo thành một cơn bão hoàn hảo cho tham nhũng, vì chúng có thể làm tăng cơ hội cho tham nhũng, đồng thời làm suy yếu cơ chế để ngăn chặn nó. Tiếp đó, chính điều này lại làm suy yếu các phản ứng công bằng, hiệu quả và hợp lý đối với cuộc khủng hoảng.
 
Báo cáo CPI năm 2020 đã chỉ ra cách thức tham nhũng làm suy yếu năng lực của các nhà nước trong việc ứng phó với những trường hợp khẩn cấp như khủng hoảng kinh tế và sức khỏe kép do đại dịch COVID-19 gây ra. Phân tích của TI làm nổi bật rằng:
 
– Tham nhũng chuyển hướng dòng tiền từ những dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, khiến các quốc gia trên thế giới dễ bị tổn thương và thiếu chuẩn bị để đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế công cộng;
 
– Sự thiếu minh bạch trong việc phân bổ các nguồn lực – một thực tiễn gắn liền với tham nhũng
 
– làm suy yếu hiệu quả của các ứng phó khủng hoảng;
 
– Các quốc gia hoạt động kém trong việc kiểm soát tham nhũng có xu hướng vi phạm nhân quyền và các chuẩn mực dân chủ trong quản lý đại dịch COVID-19 của họ.
 
Kết quả theo khu vực và một số nước
 
Khu vực đạt điểm CPI cao là Tây Âu và Liên minh châu Âu với điểm trung bình là 66. Các khu vực đạt điểm thấp là châu Phi cận Sahara (32) và Đông Âu và Trung Á (36).
 
Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia có điểm số CPI cao hơn cũng đã gặp phải những thách thức về tham nhũng, bao gồm cả sự thiếu minh bạch trong chi tiêu công để đối phó với COVID-19.
 
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có số điểm CPI trung bình là 45. Trong đó, New Zealand tiếp tục là một trong những quốc gia có chỉ số CPI dẫn đầu, cả trong khu vực và trên toàn thế giới, với số điểm 88. Tiếp theo là Singapore (85), Úc và Hồng Kông (Trung Quốc) (77). Ở phía ngược lại, Campuchia (21 điểm), Afghanistan (19) và Triều Tiên (18) có số điểm CPI thấp nhất trong khu vực.
 
Các nền kinh tế quan trọng của châu Á như Ấn Độ (40 điểm), Indonesia (37) và Bangladesh (26) có tiến triển chậm trong nỗ lực chống tham nhũng, với một số cam kết cải cách của Chính phủ chưa thành hiện thực.
 
Maldives (43 điểm), tăng 14 điểm CPI so với năm ngoái, cho thấy một xu hướng tích cực và có những tiến bộ trong không gian dân chủ.
 
Với số điểm 19, Afghanistan là một nhân tố cải thiện đáng kể chỉ số CPI, tăng 11 điểm kể từ năm 2012. Nước này đã tiến hành các cải cách pháp lý cũng như thể chế đáng kể và gần đây đã công bố kế hoạch thành lập một ủy ban chống tham nhũng mới.
 
Là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Myanmar (28 điểm) là quốc gia có chỉ số CPI tăng 13 điểm kể từ năm 2012, trong khi Timor-Leste (40 điểm) cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể, tăng 10 điểm kể từ năm 2013.
 
Đánh giá về Trung Quốc, kể từ năm 2014, quốc gia này đã cải thiện ổn định về chỉ số CPI, tăng 6 điểm từ mức 36 điểm năm 2014 lên 42 điểm năm 2020. Tuy nhiên, theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu mới đây nhất, 62% số người được hỏi vẫn cho rằng tham nhũng của Chính phủ là một vấn đề lớn của Trung Quốc, 28% công dân đã hối lộ để được hưởng các dịch vụ công và 32% sử dụng các kết nối cá nhân của họ để nhận các dịch vụ công. Điều này có nghĩa là hàng trăm triệu người đang bị ảnh hưởng bởi tham nhũng, và Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để kiềm chế vấn nạn này.
 
Theo xếp hạng CPI năm 2020, Việt Nam đứng thứ 104 /180 với 36 điểm, tăng 5 điểm và 15 bậc so với năm 2014. Tuy nhiên, so với năm 2019, CPI của Việt Nam bị giảm 1 điểm và 8 bậc, đồng thời vẫn nằm trong số 2/3 các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50.
 
Khuyến nghị
 
Để chống lại COVID-19 và kiềm chế tham nhũng, theo khuyến nghị của TI, các quốc gia cần:
 
1. Tăng cường các thể chế giám sát
 
Các phản ứng với COVID-19 cho thấy tồn tại nhiều lỗ hổng do giám sát yếu kém và không minh bạch. Để đảm bảo nguồn lực đến được với những người cần nhất và không bị đánh cắp bởi tham nhũng, các cơ quan chức năng chống tham nhũng và các cơ quan giám sát phải có đủ kinh phí, nguồn lực và hoạt động độc lập để thực hiện nhiệm vụ của mình.
 
2. Đảm bảo hợp đồng công khai và minh bạch
 
Nhiều chính phủ đã nới lỏng mạnh mẽ các quy trình mua sắm. Những thủ tục vội vã và không rõ ràng này tạo ra nhiều cơ hội cho tham nhũng và sự chuyển hướng của các nguồn lực công. Các quy trình ký kết phải được duy trì công khai và minh bạch để chống lại những hành vi sai trái, xác định các xung đột lợi ích và đảm bảo định giá công bằng.
 
3. Bảo vệ dân chủ, thúc đẩy vai trò của xã hội
 
Cuộc khủng hoảng COVID-19 làm trầm trọng thêm sự suy giảm dân chủ, với việc một số chính phủ lợi dụng đại dịch để từ bỏ các cơ chế giải trình, minh bạch. Để bảo vệ không gian dân chủ, các tổ chức xã hội, báo chí truyền thông phải có các điều kiện hỗ trợ để tăng cường vai trò, trách nhiệm trong phản biện xã hội, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính phủ.
 
4. Công khai dữ liệu liên quan, bảo đảm quyền truy cập thông tin
 
Việc công khai dữ liệu về chi tiêu và phân phối các nguồn lực đặc biệt thích hợp trong các tình huống khẩn cấp, để đảm bảo những phản ứng chính sách công bằng và bình đẳng. Các chính phủ cũng cần bảo đảm người dân nhận được thông tin một cách dễ dàng, kịp thời.
 

Xem thêm Tài chính