Nhiều hiến kế giúp TP HCM phục hồi kinh tế

  • www.doanhtri.net
  • 17-10-2021
  • 563 lượt xem
Các chuyên gia cho rằng TP HCM cần xác định sống chung an toàn với Covid-19, từ đó mạnh dạn mở cửa, đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế
 
Sáng 16-10, UBND TP HCM đã tổ chức hội thảo khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2022 - 2025" dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi.
 
Dùng đầu tư công để kích cầu
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã được cải thiện, TP cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên, dịch vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đòi hỏi TP cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát được hoàn toàn.
 
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, TP HCM vừa tập trung phòng chống dịch vừa phải tính toán có lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội. Hai việc này tiến hành song song. TP HCM đang tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cần phát huy, các giải pháp đột phá giúp kinh tế TP phục hồi, tạo đà phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Do đó, TP mong muốn qua hội thảo này sẽ nhận được sự góp ý, đánh giá của các chuyên gia.
 
TS Trần Du Lịch cho rằng việc phục hồi kinh tế của TP không chỉ là vấn đề của riêng TP mà là của cả quốc gia. Trong các giải pháp được đề xuất, TS Trần Du Lịch lưu ý việc đầu tiên phải là đẩy mạnh hành chính công và quản trị công, vì đây là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất nhưng rất quan trọng và hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi. Về giải pháp hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp và gói hỗ trợ an sinh xã hội, chuyên gia kinh tế này đề nghị mức cao hơn mặt bằng chung cả nước vì TP HCM chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch.
 
TS Trần Du Lịch còn đề xuất giải pháp mang tính đột phá, đó là TP nên dùng đầu tư công như một công cụ kích cầu để phục hồi kinh tế. Bởi lẽ, cứ 1 đồng đầu tư công tại TP sẽ kéo theo từ 8-10 đồng đầu tư tư nhân. Theo TS Trần Du Lịch, nếu làm được như vậy thì sẽ giúp "cứu nền kinh tế", đồng thời giải quyết bài toán hạ tầng nhanh hơn. Cùng với các dự án đầu tư công giúp tổng kích cầu, trong đó có ngành xây dựng sẽ đưa TP HCM trở thành một đại công trường thì ngành bất động sản cũng cần được tháo gỡ nhanh các dự án đang bị tồn đọng lâu nay.
 
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - nhận định với xu thế phục hồi tăng trưởng toàn cầu sẽ tác động tích cực đến Việt Nam, xuất khẩu có thể tăng trở lại từ tháng 11 trên cơ sở mở cửa bền vững và thích ứng an toàn. Ông Nguyễn Xuân Thành đề xuất TP cần ưu tiên chính sách tháo gỡ ắch tắc vận tải đường bộ và cảng biển. "TP HCM phải đi đầu trong mở cửa quốc tế. Nếu TP có thể mở cửa trước thì tác động phục hồi với du lịch, khách sạn, nhà hàng sẽ rất lớn" - ông Nguyễn Xuân Thành nêu. Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng cần bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ các công trình cơ sở hạ tầng. Các công trình tái khởi động sẽ giúp ngành xây dựng phục hồi trở lại.
 
Cần cơ chế "đội đặc nhiệm"
 
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm - ĐHQG TP HCM, có 11 vấn đề mà TP cần phục hồi khẩn cấp. Đó là y tế và điều trị trong tình hình mới; tổ chức lại sản xuất; thương mại và chợ; các ngành dịch vụ; kinh tế phi chính thức; lao động; an sinh xã hội; xây dựng, nhà ở lưu trú, nhà ở xã hội; giao thông vận tải; giáo dục - đào tạo; chuẩn bị và triển khai các phương án khả thi, để huy động các nguồn lực cho TP HCM.
 
TS Trương Minh Huy Vũ góp ý để phục hồi kinh tế hiệu quả phải có bộ máy và con người. Do đó, TP cần điều chỉnh bộ máy Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 hiện nay thành Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM. Song song với điều chỉnh này, TP cần tạo cơ chế thí điểm, chủ động phân quyền cho 1-2 địa phương, đơn vị trong một số lĩnh vực nhất định; từ đó tiếp tục mở rộng. Cần tạo cơ chế "đội đặc nhiệm" để thúc đẩy các vấn đề trên trong giai đoạn phục hồi. Đội đặc nhiệm nằm trong trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM với mục tiêu là phát hiện, theo đuổi, xử lý vấn đề trọng tâm liên ngành. Ngoài ra, TP HCM cần tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đổi mới theo hướng quyền tự chủ cao hơn cho các quận, huyện và TP Thủ Đức; tăng xã hội hóa dịch vụ công và chú trọng đề cao hiệu quả, sáng kiến cộng đồng, ý tưởng cá nhân.
 
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cảm ơn các đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp quý báu; đồng thời đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển TP cùng với các sở, ngành khẩn trương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế của TP theo tinh thần "vừa thiết kế vừa thi công", tức là vừa hoàn thiện chương trình khung vừa nghiên cứu hoàn thiện các đề án, kế hoạch, dự án để triển khai.
 
Chủ tịch UBND TP kỳ vọng với truyền thống năng động, sáng tạo, TP HCM sẽ đi trước, nghiên cứu các cơ chế, chính sách, xin thí điểm triển khai. 
 
Đề xuất gói hỗ trợ lên đến 4% GDP
 
Tại hội thảo, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho biết nhóm nghiên cứu kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP HCM giai đoạn Covid-19 lần 4 đã chỉ ra ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, rất nhỏ để kỳ vọng đạt hiệu quả tốt cho phục hồi kinh tế. Do đó, ông đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỉ đồng, tương đương 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam.
 
"Đối với TP HCM, cần sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói hỗ trợ tức thời và các gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn tái phân bổ chi ngân sách, tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM" - PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh khuyến nghị.
 
GS-TS NGUYỄN TRỌNG HOÀI, Trường Đại học Kinh tế TP HCM:
Ba việc cần làm ngay
 
Để khôi phục sản xuất - kinh doanh TP HCM, cũng như quan hệ chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 3 đầu việc cần làm ngay:
 
Một là, tăng cường tiêm vắc-xin mũi 1 và mũi 2 cho người lao động trực tiếp, gián tiếp trong toàn bộ hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng cho toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
Hai là, cần loại bỏ sự "cát cứ" địa phương trong chính sách chống dịch bệnh. Các chính sách, thủ tục hành chính đều phải cân nhắc ở cấp độ toàn vùng với mục tiêu phục hồi kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Không vì chống dịch mà gây ra cát cứ địa phương và làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn vùng.
 
Ba là, từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy. Cùng với đó, cần khẩn cấp khơi thông dòng dịch chuyển nhân lực nội vùng để phục hồi lao động cho sản xuất ở toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng, từ thương nhân, lao động tham gia chuỗi cung ứng, công nhân và người lao động ở các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
 
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Trường Đại học Y Dược TP HCM:
Phục hồi kinh tế phải liên tục, không gián đoạn
 
Cần phải có biện pháp sống chung an toàn và bền vững với Covid-19, bởi hiện nay không thể nói "zero Covid". Sống chung an toàn và bền vững với Covid-19 có nghĩa là không bị tăng nguy cơ tử vong và các bước phục hồi kinh tế phải liên tục, không gián đoạn. Muốn làm được điều này thì phải có được miễn dịch cộng đồng và muốn duy trì miễn dịch cộng đồng thì phải sống chung với Covid-19.
 
Trên cơ sở đó, TP tiếp tục thực hiện 5K, bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch, cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai những hoạt động phòng chống dịch và không cần thiết cách ly người F1 nếu họ đã được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19. TP cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế để tranh thủ thời cơ.
 
Bài và ảnh: PHAN ANH   https://nld.com.vn/

Xem thêm Thời sự