NGOẠI NGỮ 1 LÀ MÔN HỌC BẮT BUỘC DỰA TRÊN CƠ SỞ NÀO? LG-TS Nguyễn Thị Sơn

  • www.doanhtri.net
  • 07-03-2021
  • 520 lượt xem
Mấy ngày qua PHHS thắc mắc vì Quyết định 712 của Bộ Giáo dục công bố tiếng Đức, tiếng Hàn vào danh sách các môn ngoại ngữ 1 bắt buộc.
 
Để mọi người hiểu rõ hơn, TS-LG Nguyễn Thị Sơn, Viện Trưởng Viện Khoa học Pháp lý & Kinh Doanh Quốc Tế (IBLA VN) giải thích như sau:
 
1) Học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT phải học những môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ 1. Những môn được chọn là Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Công dân) hay Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh).
 
2) Theo Quyết định 712 của Bộ Giáo dục, có 7 ngoại ngữ được duyệt vào danh sách ngoại ngữ 1 bao gồm: Tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật, Đức, Hàn. Học sinh tùy theo năng khiếu ngoại ngữ và điều kiện của gia đình mà chọn lựa ngoại ngữ 1 trong danh sách ngoại ngữ trên.
 
3. Như thế chữ "bắt buộc" là nói ngoại ngữ 1 mà học sinh chọn, chứ không phải bắt buộc học sinh từ lớp 3 phải bị bắt buộc học tiếng Hàn.
 
"Có nhà báo hỏi tôi: dựa vào yếu tố văn hóa, xã hội nào để thừa nhận một ngoại ngữ là môn học bắt buộc? Câu hỏi này rất hay, và cũng là thắc mắc của nhiều người. Qua bài viết này tôi không thể phân tích chi tiết mà chỉ gom lại những ý chính như sau:"
 
1. Việt Nam là quốc gia đã hội nhập, toàn cầu hóa ở mức độ sâu rộng và toàn diện theo các hiệp ước song phương và đa phương như EVFTA, CPTPP,..., Việt Nam là thành viên của các tổ chức UN, WTO, ASEAN,... Việt Nam không những chỉ hợp tác, hội nhập về kinh tế với các quốc gia trên thế giới và khu vực mà còn hợp tác hội nhập về các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng..., theo nguyên tắc của Hiệp định GATS ...
 
2. Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục đã có nhiều trường học quốc tế được thành lập ở Việt Nam với quy mô lớn, có trường có sự tài trợ của các chính phủ nước ngoài. Chương trình học, giáo trình do họ thực hiện và được Chính phủ VN phê duyệt và cấp phép.
 
3. Nhu cầu thực tế của sinh viên học sinh, có sinh viên muốn học tiếp ở bậc đại học tại các trường đại học danh tiếng của Anh, Mỹ, Úc. Có nhiều sinh viên muốn xin học bổng của Châu Âu như các trường đại học của Đức, Pháp, Bỉ, Nga. Có nhiều sinh viên muốn sang học ở các trường Đại học danh tiếng của Hồng Kong, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Hàn quốc. Vì thế những năm gần đây nhu cầu học ngoại ngữ của sinh viên không chỉ là tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga mà còn có cả tiếng Trung, Nhật, Hàn.
 
4. Trong thực tế về tuyển dụng, những sinh viên mới ra trường mà biết tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung đều dễ xin việc làm và có lương cao, vì các công ty của Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung quốc đang có nhà máy ở Việt Nam, chuyên gia của họ không giỏi tiếng Anh nên rất thích tuyển người biết nói tiếng của họ.
 
5. Trên cơ sở các hiệp định song phương và đa phương về văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và các quốc gia, luôn được hai bên xem trọng trên nguyên tắc có đi có lại. Bộ Giáo dục có Hội đồng thẩm định chương trình học, giáo trình, nguyên tắc đào tạo và thi cử, xem xét về đội ngũ giáo viên của các trường để cho phép mở khoa ngoại ngữ, các điều kiện đảm bảo để cân nhắc đưa vào danh mục ngoại ngữ 1 bắt buộc học (tự chọn) và thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
 
 
LG-TS Nguyễn Thị Sơn - Viện trưởng Viện IBLA
www.doanhtri.net
 

Xem thêm Thời sự