Nghị quyết 128 và cơ hội đảo chiều kết quả kinh tế

  • www.doanhtri.net
  • 22-01-2022
  • 694 lượt xem
Nghị quyết 128 là điều kiện mở cho các địa phương, doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng tiếp tục điều chỉnh theo thực tế cuộc sống đặt ra (Ảnh minh họa: ĐL)
 
(LĐTĐ) Việc Chính phủ ban hành kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" (Nghị quyết 128) đã đánh dấu chuyển trạng thái phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới, đó là vừa sống chung với đại dịch, vừa phát triển kinh tế. Theo các chuyên gia, Nghị quyết 128 đã góp phần đảo chiều nền kinh tế theo hướng tích cực trong đại dịch.
 
Kiểm soát dịch đúng hướng và khoa họcHội thảo tuyên truyền Nghị quyết 128 của Chính phủ trong tình hình mớiGỡ nút thắt để phục hồi kinh tế
 
Tại tọa đàm “Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vắc xin trên toàn quốc.
 
Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vắc xin cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí "chống giặc". Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 cũng không nên muộn hơn bởi quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân sau quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát.
 
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, về mặt kinh tế, Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 Việt Nam mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay. Ngay từ năm 2020 và năm 2021, rất nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã đề cập đến mô hình phục hồi theo hình chữ V hay hình chữ U để mô tả khả năng một nền kinh tế có thể quay lại sau khi chịu tác động của dịch Covid-19.
 
Qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi là hình chữ V. Chúng ta có thể thấy được mức giảm của quý III rất sâu, âm hơn 6% nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại hơn 5,22%. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
 
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, một số động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, đó là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,.. đều rất khả quan. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế. Thực tế trong cả quá trình chịu tác động của đại dịch Covid-19, lĩnh vực nông nghiệp luôn cố gắng duy trì ở mức hợp lý tạo sự chống đỡ khá ổn định cho nền kinh tế.
 
Trong khi đó, công nghiệp là lĩnh vực chủ chốt, tạo động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đợt dịch đầu năm, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến trung tâm công nghiệp phía bắc như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Tuy nhiên đến đợt dịch thứ 4, khu vực trọng tâm nhất về công nghiệp là Thành phố Hồ Chí Minh đã bị Covid-19 xâm nhập, chủng Delta tàn phá khiến động lực tăng trưởng công nghiệp quý III giảm rất sâu. Tuy nhiên, quý IV/2021, có sự phục hồi rõ nét.
 
Trong lĩnh vực dịch vụ, một lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, chịu tác động lâu nhất và sâu nhất tới sự phát triển và tăng trưởng. Cuối năm 2020 cũng như các tháng đầu năm 2021, tăng trưởng dịch vụ luôn luôn ở mức thấp, có quý tăng trưởng âm. Lý do là rất nhiều ngành dịch vụ không triển khai được do ảnh hưởng của Covid-19. Nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã có sự khởi sắc và tăng trưởng khu vực này trong quý III đã đạt 5,42%.
 
“Qua đó cho thấy ý nghĩa rất quan trọng và tích cực của Nghị quyết 128 tác động đến phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Cụ thể, trong cái mũ chung là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" hay nói cách khác, khi chúng ta có một mô hình kiểm soát dịch bệnh tốt và hiệu quả thì tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân đều tức khắc có điều kiện để phục hồi, thậm chí phục hồi một cách mạnh mẽ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, việc Chính phủ ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 đã đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch. Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi chúng ta đã có tỉ lệ phủ vắc-xin nhất định.
 
Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỉ lệ phủ vắc-xin trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vắc-xin cũng sẽ khác nhau. Chúng ta đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam.
 
“Chúng ta chuyển trạng thái qua Nghị quyết 128 là một sự thay đổi và là quyết định thay đổi khó khăn. Tôi cho rằng quản lý sự thay đổi đó cũng là một thách thức lớn, chúng ta mở ra cũng xác định, chấp nhận có rủi ro nhất định, khi giao lưu, tiếp xúc nhiều. Quá trình hiện nay là quản lý sự thay đổi ấy, chúng ta phải làm tốt để đảm bảo nội dung, mục đích của Nghị quyết 128 được thực hiện nhất quán. Nghị quyết 128 là một nghị quyết mở cho các địa phương, doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng là một nghị quyết tiếp tục điều chỉnh theo thực tế cuộc sống đặt ra”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
 

Xem thêm Tài chính