Ngân hàng có nhiều chương trình cho vay, người dân hãy nói không với tín dụng đen

  • www.doanhtri.net
  • 18-10-2020
  • 583 lượt xem
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.Ảnh:VGP.
 
(Chinhphu.vn) - Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại tỉnh Hoà Bình.
 
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì Hội nghị.
 
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.
 
Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo trong hoạt động cho vay
 
Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước đó, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế -vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc.
 
Ông Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với Bộ Công an nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
 
NHNN đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (Chỉ thị 12).
 
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng khẳng định tích cực vào cuộc cung cấp sản phẩm tín dụng đa dạng phục vụ người dân.
 
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết Agribank có chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng (khách hàng có nhu cầu vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng), đến cuối tháng 9/2020, chương trình  đã cho 408.898 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 18.645 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.525 tỷ đồng.
 
Còn bà Trần Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho hay Ngân hàng đang triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 8/2020 đạt khoảng 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2019, với hơn 6,5 triệu lượt khách hàng còn dư nợ. Đến ngày 30/9, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 223.207 tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
 
Dù các ngân hàng đã tích cực đưa ra nhiều dịch vụ nhưng thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
 
Về nguyên nhân “tín dụng đen” vẫn có đất sống, Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Đội trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phân tích các đối tượng tín dụng đen sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi đánh trúng tâm lý của đa số người tìm đến tín dụng đen thường đang trong cảnh túng quẫn nên không suy nghĩ thấu đáo, gặp các chiêu trò dụ dỗ về thủ tục vay hết sức đơn giản so với các tổ chức chính thống, nên họ bị sa bẫy.
 
Nhiều trường hợp do cần vốn gấp, người vay sẵn sàng ký vào các hợp đồng “núp bóng” khác nhau như: Hợp đồng nhận tài sản, nhận tiền xin việc…, thậm chí, các đối tượng dùng các ứng dụng công nghệ (app) trên điện thoại để lừa đảo người vay với lãi suất lên tới vài trăm %/năm.
 
Đáng quan ngại là hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường gắn với các hành vi phạm pháp như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần, chửi bới, đổ chất bẩn…
 
"Hoạt động tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức, thậm chí được một số luật sư biến chất tư vấn; dùng các biện pháp đòi nợ phản cảm, làm nhục, gây mất uy tín người vay nhưng lại tìm cách lách luật để không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính ở mức không đủ răn đe”, Trung tá Vương nói.
 
Tăng cường giải pháp đẩy lùi tín dụng đen
 
Tại Hội nghị, đại diện các ngân hàng như Agribank, NHCSXH, SHB cùng đối thoại với người dân đã giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dành cho nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng chính sách.
 
Người dân sôi nổi tham gia hỏi đáp với đại diện cơ quan chức năng. Ảnh:VGP.
 
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương cho biết, NHCSXH đang có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng  phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… theo quy định của Chính phủ.
 
Còn ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay, ngân hàng này đang đẩy mạnh phát triển các dịch vụ cho vay tiêu dùng tại các điểm giao dịch trên toàn quốc với yêu cầu về hồ sơ vay vốn giải quyết nhanh gọn và ưu tiên thực hiện xét duyệt, giải ngân ngay trong ngày cho khách hàng. Khách hàng có thể vay tới 30 triệu trong 1 năm, thông qua việc cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ, cho vay thấu chi. Lãnh đạo Agribank cũng giới thiệu các dịch vụ khá đa dạng như: Cho vay đối với khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết, tổ cho vay lưu động; cho vay lưu vụ; cho vay phục vụ đời sống; cho vay qua các điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dùng…
 
Chỉ đạo nhiệm vụ giải pháp tổng thể cần triển khai trong thời gian tới, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ ngành cần phối hợp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen”; Nghị định số 19 ngày 19/2/2019 của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường…và các văn bản hướng dẫn liên quan.
 
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh:VGP.
 
Phía công an sẽ tăng cường rà soát, điều tra, xác minh xử lý nghiêm các hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân cho vay tiền, vay ngang hàng qua mạng, trấn áp mạnh đối với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đen "tín dụng đen”.
 
Về lâu dài, Bộ Công an sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến vay tiền, cầm cố tài sản trên không gian mạng, nhất là loại hình vay trực tuyến, vay ngang hàng theo hướng tăng mức hình phạt, siết chặt quản lý hành vi cho vay, phòng ngừa rủi ro…
 
Ở góc độ ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay NHNN sẽ tập trung phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
 
Các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tiếp tục mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cho người dân qua kênh tín dụng chính thức. Với thế mạnh mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nên các đơn vị này phải đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng.
 
Đặc biệt, ngành ngân hàng đã tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân, giải đáp nhiều kiến nghị, cảnh báo các hệ lụy để người dân tránh “tín dụng đen” (gồm cả hình thức cho vay trực tuyến theo mô hình P2P Lending)…
 
Đại diện NHNN và Bộ Công an đều thống nhất để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống.
 
“Các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen, đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ. Có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
 
Trao quà cho đại diện hộ nghèo, gia đình chính sách thuộc huyện Lạc Thủy, huyện Kim Bôi. Ảnh:VGP.
 
Nhân dịp Ngày quốc tế xoá nghèo 17/10, ngành ngân dành 300 suất quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách các xã thuộc huyện Lạc Thủy, huyện Kim Bôi, mỗi huyện 150 suất quà.
 
Huy Thắng   http://baochinhphu.vn/

Xem thêm Tài chính