Năm 2021: Tập trung phát triển thị trường chứng khoán bền vững

  • www.doanhtri.net
  • 20-01-2021
  • 646 lượt xem
(Chinhphu.vn) – Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã có một năm tăng trưởng ấn tượng với Chỉ số VN Index vượt 1.100 điểm, đạt 1103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020. Bước sang năm 2021, ngành chứng khoán sẽ tập trung triển khai vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tạo động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững.
 
Vĩ mô ổn định, phục hồi ngoạn mục
 
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho biết, dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhờ Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều điểm sáng, Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường, TTCK Việt Nam đã phục hồi bền vững và tăng trưởng ngoạn mục, được đánh giá là 1 trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới.
 
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm tăng trưởng ấn tượng với Chỉ số VN Index vượt 1.100 điểm, đạt 1103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020, tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019; chỉ số HNX Index tăng gần 119% so với thời điểm cuối Quý I/2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019.
 
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng.
 
Quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã phục hồi mạnh, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với thời điểm cuối Quý I và tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương với 87,7% GDP năm 2019 và 84,1%GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra.
 
Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019…
 
Đáng chú ý, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục trong năm 2020. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trên thị trường Việt Nam đạt gần 394 nghìn tài khoản, tăng 109% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm năm 2019, khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản. tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7% so với cuối năm 2019.
 
Trên thị trường phái sinh, giao dịch của hợp đồng tương lai trên chỉ số sôi động, thanh khoản tăng gần 80% so với năm trước. Trong năm vừa qua, TTCK phái sinh tiếp tục đóng vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân năm 2019. Tính tại thời điểm 31/12/2020, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 40.339 hợp đồng, tăng 143% so với cuối năm 2019. 
 
Ông Trần Văn Dũng cho biết, tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019, trong đó huy động qua phát hành cổ phiếu giảm, qua cổ phần hóa tăng nhẹ, riêng huy động trái phiếu Chính phủ tăng kỷ lục gần 350.000 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao (gần 14 năm) và lãi suất phát hành bình quân đạt thấp hơn 0,78%-1,45% so với mức năm 2019 (2,83%). Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận một năm phát hành kỷ lục (39.895 tỷ đồng)…
 
Bám sát chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
 
Chủ tịch UBCKNN nhận định, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của TTCK toàn cầu, trong đó có TTCK Việt Nam do tác động bởi dịch COVID-19, UBCKNN đã báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính, kiên định với chính sách không can thiệp hành chính thị trường, chuẩn bị tốt trước mọi tình huống và thực hiện các giải pháp kịp thời giúp thị trường hoạt động ổn định.
 
Đồng thời, UBCKNN đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã tổ chức xây dựng kế hoạch soạn thảo và tích cực triển khai xây dựng 3 Nghị định, 11 Thông tư quy định chi tiết Luật Chứng khoán. Đến nay, toàn bộ 3 Nghị định và 11 Thông tư đã được ký ban hành.
 
Công tác quản lý và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được thực hiện theo chiều hướng tích cực và đúng lộ trình. Công tác quản lý hoạt động phát hành chứng khoán, quản lý công ty đại chúng, xem xét hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng cao.
 
Trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới, UBCKNN tăng cường công tác giám sát, phối hợp giám sát thường xuyên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK góp phần tích cực để thị trường phát triển ổn định, thu hút nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Năm 2020, UBCKNN đã ra 380 quyết định xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 22,2 tỷ đồng; có 2 vụ án liên quan đến thao túng TTCK đã được xét xử.
 
Về nâng hạng thị trường chứng khoán, UBCKNN đã tận dụng Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) của Ngân hàng thế giới về nâng hạng thị trường trong khuôn khổ chương trình phát triển thị trường vốn J-CAP. Kết quả là FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường Mới nổi.
 
Đặc biệt, năm 2020, UBCKNN đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong vai trò Chủ tịch Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF), được đại diện cơ quan chứng khoán các nước ASEAN đánh giá cao vai trò chủ trì, điều phối.
 
Ông Trần Văn Dũng cho biết, với nền tảng và cơ sở pháp lý cho sự phát triển thị trường đã xây dựng trong năm qua, bước sang năm 2021, ngành Chứng khoán sẽ tập trung triển khai vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tạo động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững; tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK – thị trường vốn về dài hạn.
 
Ngành chứng khoán sẽ hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới; đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường Chứng khoán, hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Chính phủ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết thêm, Uỷ ban đang triển khai hệ thống giao dịch KRX của Hàn Quốc sẽ đưa vào vận hành chính thức vào cuối năm 2021.
 
"Sau Tết Nguyên đán, UBCKNN sẽ thử nghiệm hệ thống mới với các công ty chứng khoán”, ông Trần Văn Dũng nói.
 
Liên quan đến Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, ông Trần Văn Dũng cho biết, Quyết định 37 về thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/2/2021 nhưng theo quy định trong Luật Chứng khoán sửa đổi, trong vòng 2 năm kể từ ngày thành lập, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam phải được đưa vào vận hành.
 
"Tôi tin rằng chậm nhất trong năm 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam sẽ được đưa vào vận hành", ông Dũng nhấn mạnh.
 
Việc đưa vào vận hành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2021, cũng khớp với thời gian dự kiến vận hành chính thức hệ thống giao dịch KRX. Sau đó, UBCKNN sẽ tiến hành tái cơ cấu theo hướng chuyển quyền vận hành thị trường cổ phiếu cho HoSE và chuyển quyền vận hành thị trường trái phiếu cho HNX.
 
“UBCKNN mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành chứng khoán, phối hợp thông tin chặt chẽ với UBCKNN tuyên truyền về cơ chế chính sách pháp luật về chứng khoán, kết quả công tác chỉ đạo điều hành phát triển thị trường”, ông Trần Văn Dũng nói.
 
Huy Thắng   https://baochinhphu.vn/

Xem thêm Tài chính