Mỹ - Trung chuẩn bị cho đàm phán thương mại tuần tới

  • www.doanhtri.net
  • 10-02-2019
  • 493 lượt xem

Washington muốn gây sức ép lên Bắc Kinh để Trung Quốc thay đổi chính sách với các công ty Mỹ về sở hữu trí tuệ.

Ngày mai (11/2), vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu tại Bắc Kinh. Reuters trích lời một quan chức Nhà Trắng cho biết công đoạn chuẩn bị đang được tiến hành. Các cuộc nói chuyện sẽ vẫn tập trung gây sức ép buộc Bắc Kinh cải tổ cấu trúc.

Mỹ vẫn luôn thúc giục Trung Quốc thực hiện cải tổ và chấm dứt các hoạt động thương mại mà nước này coi là bất công, như đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép doanh nghiệp ngoại chuyển giao công nghệ. Trung Quốc đến nay vẫn phủ nhận các cáo buộc này.

Container tại một cảng nước sâu ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Container tại một cảng nước sâu ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng cũng đã công bố lịch trình cuộc đàm phán. Mở đầu vào ngày mai là các cuộc gặp cấp thấp hơn, với Phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu đoàn Mỹ. Đến thứ năm và thứ sáu, các cuộc nói chuyện cấp cao hơn sẽ diễn ra, với sự góp mặt của Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin.

Hai nước đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận trước hạn chót ngày 1/3. Nếu không, chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục leo thang và Mỹ sẽ nâng thuế với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25%. Cuộc nói chuyện gần đây nhất của hai nước kết thúc cuối tháng 1 tại Washington mà không đưa đến một thỏa thuận nào. Giới chức Mỹ chỉ tuyên bố còn rất nhiều việc phải làm.

Trong một thông báo hôm qua, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định hai nước sẽ có "một cuộc thảo luận sâu hơn về các vấn đề hai bên cùng quan tâm" trên cơ sở những gì đã bàn thảo từ vòng đàm phán trước ở Washington. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Cui Tiankai trước đó cũng khẳng định quan điểm "người thắng thì phải có kẻ thua" sẽ hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung.

Hôm thứ năm, Tổng thống Mỹ - Donald Trump tuyên bố không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình trước hạn chót ngày 1/3. Việc này đã làm giảm kỳ vọng hai nước có thể đạt thỏa thuận nhanh chóng.

Reuters trích lời một nguồn tin khác cho biết hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm để hình thành cơ chế giám sát thực hiện khi có thỏa thuận. Đến nay, căng thẳng thương mại đã khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thiệt hại hàng tỷ USD và thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

 

Hà Thu (theo Reuters)   vnexpress.net

Xem thêm Thế giới