Mỏ vàng thương mại điện tử B2B - Việt Hưng

  • www.doanhtri.net
  • 10-03-2020
  • 663 lượt xem
TheLEADER Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, dự báo thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới. Do đó, xuất khẩu qua môi trường này là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng.
 
Theo dự báo của hãng nghiên cứu Forrester, thị trường thương mại điện tử sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ USD và chiếm 13,1% tổng doanh số B2B ở Mỹ vào năm 2021. Ngành này có quy mô thị trường lớn gấp đôi B2C. Và cũng giống như B2C vài năm trước, hiện nhiều đơn hàng B2B đang chuyển dần sang trực tuyến.
 
Trong đó, sản xuất và bán buôn là hai ngành tạo ra sự tăng trưởng vượt trội cho thị trường B2B. Trên thực tế hai mảng kinh doanh này đang dựa chủ yếu vào cách thức vận hành truyền thống làm kéo chậm lại đà phát triển. Trong khi xu hướng người mua trong mô hình B2B đang chuyển dần sang những quy trình hiện đại để có trải nghiệm tốt hơn.
 
Không giống như B2C, người mua B2B thường đưa ra giá trị đơn hàng với số lượng lớn. Họ sẽ mua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mặt hàng trong một giao dịch. Giá trị đơn hàng trung bình của giao dịch B2B theo tính toán của Forrester rơi vào khoảng 491 USD, so sánh với mức khá bé 147 USD của mô hình B2C.
 
Trong khi giao dịch B2C có rủi ro huỷ đơn hàng lớn, thì người bán B2B có tỷ lệ chuyển đổi cao gấp 3 lần. Ngoài mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, lợi thế của thương mại điện tử khi ứng dụng vào B2B là hiệu quả về quản lý và kiểm soát một số mối quan hệ nhà cung cấp cùng một lúc.
 
Năm ngoái, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tới quy mô 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81% - nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á. Còn theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phát hành, mức tăng trưởng của thị trường Việt Nam cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
 
Ông Joey Zhu, Giám đốc Alibaba.com Việt Nam nhận định: “Việt Nam đã và đang nổi lên thành một thị trường quan trọng đối với Alibaba.com. Giống như một số thị trường khác, chúng tôi tin tưởng Việt Nam đang ở đỉnh cao của sự chuyển đổi số. Ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh so với khu vực, cùng với định hướng xuất khẩu mạnh mẽ của nhà nước”.
 
Đồng quan điểm, ông Bernard Tay, Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á cho biết: "Internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây ứng dụng thương mại điện tử ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất sản phẩm trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài".
 
Nhiều sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài với giá trị cao thông qua các sàn thương mại điện tử B2B
 
Tuy nhiên, cả Alibaba.com và Amazon đều nhận thấy thực trạng, Việt Nam hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng chỉ có 30% trong số này đã bắt đầu việc bán hàng toàn cầu thông qua các kênh trực tuyến và chỉ 11% đã đăng ký trên các nền tảng thương mại điện tử.
 
Thực tế, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử B2B trên thế giới, hay nói cách khác là chợ online toàn cầu được xem là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh bất ổn thương mại hiện nay.
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thủy sản là một trong những mặt hàng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang bán hàng online ở Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên sàn Alibaba của Trung Quốc và nhiều doanh nghiệp nước này cũng chuộng việc mua bán trên sàn TMĐT.
 
Các chuyên gia cho biết thương mại điện tử B2B hiện là một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu. Việc gia nhập những nền tảng TMĐT B2B giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên thế giới, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.
 
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, dự báo TMĐT xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới. Do đó, xuất khẩu qua môi trường này là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng.
 
Thời gian qua, những mặt hàng của Việt Nam như chổi đót, nón lá, cao Sao Vàng… được bán trên một số sàn TMĐT thế giới với giá trị cao cho thấy tiềm năng hấp dẫn từ phương thức bán hàng này. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít câu chuyện thành công, Việt Nam vẫn còn rất nhiều sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản có thể áp dụng.
 
Dù các sàn TMĐT lớn trên thế giới hiện đã có mặt ở Việt Nam, với nỗ lực kéo các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh tham gia hình thức B2B này thông qua các chương trình hợp tác, đào tạo nhưng mới có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia trên Alibaba.com và khoảng 200 doanh nghiệp tham gia trên Amazon.
 
Về phía Alibaba.com, ông Joey Zhu, Giám đốc Alibaba.com Việt Nam tin tưởng, khi doanh nghiệp này được hỗ trợ đúng đắn về công nghệ và được tiếp cận thương mại điện tử, họ có thể mở rộng đáng kể hoạt động kinh doanh trên thị trường toàn thế giới.
 
Đại diện Alibaba.com kỳ vọng 5 năm tới sẽ thu hút 10.000 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ Việt Nam. Đồng thời, công ty đưa ra định hướng 3 ngành chiến lược gồm: Nông nghiệp (F&B), Nội thất và Dệt may được tập trung đẩy mạnh trong năm 2020.
 
Việt Hưng    https://theleader.vn/

Xem thêm Doanh nghiệp