Lựa chọn nhà thầu nội thực hiện cao tốc Bắc – Nam và vấn đề thực thi pháp luật Đầu tư công; Đấu thầu

  • www.doanhtri.net
  • 22-11-2020
  • 501 lượt xem
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020
 
(Pháp lý) – Sau gần 3 năm thông qua Nghị quyết 52 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, ngày 19/6/2020, Quốc hội một lần nữa bấm nút thông qua Nghị quyết số 117 về thay đổi phương thức đầu tư 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sử dụng một phần vốn nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. Quyết định của Quốc hội được dư luận cả nước đồng tình ủng hộ . Nhưng vấn đề đặt ra cực kì quan trọng là lựa chọn nhà thầu nội thế nào và quản lý nguồn vốn đầu tư công cho chặt chẽ ra sao .., để đảm bảo tuân thủ thực thi pháp luật Đầu tư công và pháp luật về Đấu thầu…
 
Chuyển đổi hình thức đầu tư là cần thiết
 
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 39 Luật Đầu tư công 2014, DA xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền quyết định đầu tư sau khi DA được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
 
Tuy nhiên, sau gần 3 năm bấm nút thông qua Nghị quyết 52/2017, thì đến ngày 19/6/2020, với 91% đại biểu tán thành, Quốc hội khóa XIV lại tiếp tục bấm nút thông qua Nghị quyết số 117/2020/QH14 quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư 03 dự án thành phần (gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, thuộc DA cao tốc Bắc – Nam phía Đông) thuộc DA xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, từ đầu tư theo phương thức PPP sử dụng một phần vốn nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước.
 
Trước đó theo Tờ trình của Chính phủ, kết quả sơ tuyển đối với 7/8 DA thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 1 dự án thành phần (Vĩnh Hảo – Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Trong khi đó các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển mặc dù có năng lực thi công, nhưng lại không có thế mạnh về tài chính nên rất khó vượt qua “cửa ải” đấu thầu khắt khe. Do đó, cũng theo Chính phủ nếu để đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công…
 
Cũng cần thấy rằng quyết định thay đổi chủ trương hình thức đầu tư từ hình thức công tư sang đầu tư công hoàn toàn của Quốc hội là một việc làm chưa có tiền lệ, Luật Đầu tư công 2014 cũng chưa có điều khoản quy định cụ thể, trừ chuyển đổi từ dự án từ đầu công sang dự án PPP (Điều 26 và 27 Nghị định 63/2018). Trong khi đó Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư 2020 (trong đó Điều 18 – điều chỉnh chuyên sâu về chủ trương đầu tư dự án PPP) vừa được thông qua đến ngày 01/01/2021 mới có hiệu lực.
 
Tuy nhiên quyết định của Quốc hội là sự lựa chọn cần thiết nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội, trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp (nhất là khi dịch bệnh Covid 19 chưa được ngăn chặn có hiệu quả), nhiều địa phương không “tiêu hóa” được vốn đầu tư công. Chuyển sang hình thức đầu tư công đối với 03 DA thành phần cao tốc Bắc – Nam cũng là cách để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông…
 
Ngoài ra, việc chuyển đổi hình thức đầu tư, theo Bộ GTVT sẽ tiết giảm tổng mức đầu tư của DA giảm còn khoảng 99.493 tỉ đồng nhờ loại bỏ chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng và cập nhật chi phí giải phóng mặt bằng theo số liệu triển khai thực tế của các địa phương.
 
Qui định của pháp luật về điều kiện để xác định năng lực nhà thầu
 
Điều 42 Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, quy định: Ngoài điều kiện có hồ sơ dự thầu hợp lệ, có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu, có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu; “Nhà đầu tư có giá trị đề nghị trúng thầu được xác định theo một trong các phương pháp sau đây: + Có đề xuất giá dịch vụ thấp nhất, không vượt mức giá dịch vụ xác định tại báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt (hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án ứng dụng công nghệ cao), phù hợp với quy định của pháp luật về giá, phí và lệ phí trong trường hợp áp dụng phương pháp giá dịch vụ; + Có đề xuất phần vốn góp của Nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp của Nhà nước xác định tại báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt (hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án ứng dụng công nghệ cao) trong trường hợp áp dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước; + Có đề xuất nộp ngân sách nhà nước bằng tiền cao nhất hoặc thời gian thực hiện hợp đồng ngắn nhất, không vượt thời gian xác định tại báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt (hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án ứng dụng công nghệ cao) trong trường hợp áp dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước”.
 
Điều 57 và 58 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự đầu tư xây dựng: Ngoài điều kiện chung, tổ chức thi công xây dựng công trình phải có “Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức có hiệu lực tối đa trong thời hạn 5 (năm) năm. Đối với Hạng I: Có ít nhất 3 (ba) người đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường hạng I cùng loại công trình xây dựng; Những người phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 3 (ba) năm đối với trình độ đại học, 5 (năm) năm đối với trình độ cao đẳng nghề; Có ít nhất 15 (mười lăm) người trong hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình; Có ít nhất 30 (ba mươi) công nhân kỹ thuật có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực; Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận; Đã thực hiện thầu chính thi công ít nhất 1 (một) công trình cấp I hoặc 2 (hai) công trình cấp II cùng loại”
 
Lựa chọn nhà thầu nội thế nào để đảm bảo đúng luật ?
 
Dư luận cả nước hoan nghênh việc Quốc hội chuyển phương thức đầu tư đối với 3 DA thành phần nói trên. Thế nhưng lại băn khoăn trước việc giao trao “sứ mệnh lịch sử” cho các nhà thầu nội liệu có quá sức, khi mà trước đó vào tháng 9/2019 (chỉ cách vừa tròn 1 năm), đại diện nhà đầu tư đứng đầu liên danh tham dự sơ tuyển ở 3 dự án BOT cao tốc Bắc – Nam, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư Đèo Cả, thừa nhận các yêu cầu sơ tuyển của Bộ GTVT là quá tầm với đối với nhà thầu nội, nếu không được điều chỉnh thì sẽ bị loại hầu hết ngay từ vòng sơ tuyển.
 
Vào thời điểm đó, Bộ GTVT xây dựng thang điểm xét thầu về tài chính chiếm tỉ trọng 60% tổng số điểm, kinh nghiệm kỹ thuật chiếm tỉ trọng 30%, phương pháp tổ chức triển khai DA 10%. Đồng thời, hồ sơ mời dự tuyển các dự án BOT áp dụng mức lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng 5 – 6%/năm. Đây là mức chênh lệch mà theo ông Thế, khó có nhà đầu tư trong nước nào chịu được.
 
Cũng theo ông Thế, cả 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đều yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư DA, yêu cầu này cao hơn quy định tại Nghị định số 63 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (yêu cầu khoảng trên 10%). Đặc biệt, nhà đầu tư muốn tham gia đấu thầu cao tốc Bắc – Nam phải chứng minh đã có toàn bộ số vốn này tại thời điểm chấm thầu mà không được xét đến lộ trình tăng vốn. Hồ sơ mời thầu sơ tuyển các dự án BOT cao tốc Bắc – Nam cũng yêu cầu phải có văn bản cam kết cung cấp tài chính từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.
 
Ngoài ra về kinh nghiệm thi công, yêu cầu là nhà đầu tư đã từng thực hiện ít nhất 1 dự án BOT có tổng vốn đầu tư bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét…
 
Những tiêu chí khắt khe trên đã không còn ý nghĩa đối với các DA thành phần đã chuyển sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước, theo đó cơ hội trúng thầu của các nhà thầu trong nước đã nằm trong tầm tay. Song từ xác nhận của ông Thế đã lộ diện phần nào năng lực thực sự của các nhà thầu trong nước, khiến chúng ta không thể không quan ngại ?
 
Rõ ràng là, nếu việc xây dựng thang điểm xét thầu của Bộ GTVT phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm, đặc biệt là phù hợp với thang điểm mà quốc tế đang áp dụng thì đó là sự cần thiết. Vì chỉ có như vậy thì mới có sự cạnh tranh cao trong đấu thầu để lựa chọn và tìm ra được nhà thầu có năng lực thực sự để đảm đương công trình quốc gia trọng điểm đảm bảo có chất lượng.
 
Vào thời điểm đó Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thắng thắn cho biết, sẽ không có ưu đãi nào dành cho nhà đầu tư trong nước. Ông Đông nói, các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài phải cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng. Đã tổ chức đấu thầu thì phải theo quy định của pháp luật, Bộ không làm khác được.
 
Chuyển sang đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước không biết thang điểm chấm thầu được Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT điều chỉnh sẽ “nới lỏng biên độ” đến đâu nhưng rõ ràng là các tiêu chí, như: Kinh nghiệm kỹ thuật chiếm tỉ trọng 30%, phương pháp tổ chức triển khai DA 10%, đã từng thực hiện ít nhất 1 dự án BOT có tổng vốn đầu tư bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét…… (như đã xây dựng trong phương thức đầu tư PPP đối với nhà thầu quốc tế) không thể không cân nhắc, vì đó chính là cơ sở để quyết định chất lượng công trình trong dài hạn.
 
Ngày 03/6/2020, Vietnam Report chính thức công bố top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín năm 2020 – Top 10 Most Reputable Building Contractors 2020, nhưng trong số đó chỉ có 2 Công ty CP xây dựng Coteccons và Công ty CP FECON đã từng có kinh nghiệm trong thi công hạ tầng giao thông, còn lại hầu hết là có kinh nghiệm trong xây dựng hạ tầng đô thị
 
Áp lực đặt lên vai Bộ GTVT càng lớn hơn khi mà theo số liệu của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố ngày 03/6/2020 về top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín năm 2020, thì trong đó chỉ có 2 Công ty CP xây dựng Coteccons và Công ty CP FECON là có kinh nghiệm trong thi công hạ tầng giao thông, còn lại hầu hết là có kinh nghiệm trong xây dựng hạ tầng đô thị.
 
Trong khi đó kết quả, từ khi phát hành hồ sơ mời thầu ngày 6/8 cho đến 4/9 (đối với 03 DA thành phần chuyển đổi hình thức đầu tư) mặc dù đã có 153 nhà thầu mua hồ sơ nhưng trong số đó có 10 gói thầu có từ 3 hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu, 3 gói thầu có ít hơn 3 hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu… Điều đó chứng tỏ mức độ cải thiện trong nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực vẫn chưa thật sự thuyết phục. Theo một số nhà thầu quan tâm, nguyên nhân chính là các tiêu chí do chủ đầu tư đưa ra quá cao, các nhà thầu nhỏ và vừa không thể tham dự vào cuộc thầu này được.
 
Nhưng theo chúng tôi, không vì thế mà giảm tiêu chí và giảm điều kiện đối với nhà thầu nội được vì đây là Dự án cô cùng quan trọng đối với đất nước, lại sử dụng vốn đầu tư công, nên trong mọi trường hợp, năng lực và uy tín nhà thầu phải đặt lên hàng đầu để đảm bảo chất lượng dự án, đảm bảo mọi đồng vốn đầu tư công được sự dụng hiệu quả, không được phép thất thoát tham nhũng.
 
Cảnh báo hệ lụy xảy ra nếu lựa chọn nhà thầu không đủ tiêu chuẩn?
 
Một khi DA được trao cho nhà đầu tư không có năng lực, sẽ kéo theo các hệ lụy. Mà hệ lụy đó, thực tế đã xảy ra, đó là thời gian thi công sẽ kéo dài, đồng nghĩa với công trình sẽ đội vốn, dẫn tới làm thất thoát tài sản nhà nước. Bài học về việc chọn lựa “nhà thầu giá rẻ” Trung Quốc đã khiến cho đất nước đang phải trả giá đắc với với hàng loạt dự án, công trình trọng điểm tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng ngân sách bị “chết lâm sàng” và đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”, trong đó nổi cộm là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông nằm giữa thủ đô cả nước không biết bao giờ mới giải quyết được vẫn còn nhãn tiền. Chúng ta nói không với nhà thầu Trung Quốc vì đã để lại quá nhiều hậu quả nhưng ở chiều ngược lại, nếu như việc lựa chọn nhà thầu không cẩu thả, ham rẻ và nếu như pháp luật không có kẽ hở thì sẽ không có những câu chuyện như vậy xảy ra.
 
Các hành vi bị cấm trong đấu thầu
 
Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu:
 
“1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
 
2. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.
 
3. Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:
 
a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;
b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;
c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.
 
4. Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:
 
a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;
b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
 
Phần lớn các DA thành phần cao tốc Bắc – Nam dài hơn 650 km được xây dựng mới, đồng bộ và nằm gọn trong địa bàn 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
 
5. Cản trở, bao gồm các hành vi sau đây:
 
a) Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa, quấy rối hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng đối với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;
b) Các hành vi cản trở đối với nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
 
6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi sau đây:
 
a) Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư;
b) Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án;
c) Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án;
d) Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;
đ) Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó;
e) Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;
g) Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do mình giám sát;
h) Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;
i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;
k) Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
 
7. Tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 và điểm e khoản 8 Điều 73, khoản 12 Điều 74, điểm i khoản 1 Điều 75, khoản 7 Điều 76, khoản 7 Điều 78, điểm d khoản 2 và điểm d khoản 4 Điều 92 của Luật này:
 
a) Nội dung hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm phát hành theo quy định;
b) Nội dung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, sổ tay ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi công khai danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
c) Nội dung yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của bên mời thầu và trả lời của nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
d) Báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi được công khai theo quy định;
e) Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được đóng dấu mật theo quy định của pháp luật.
 
8. Chuyển nhượng thầu, bao gồm các hành vi sau đây:
 
a) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;
b) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.
 
9. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu”.
 
Những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư sẽ phải chịu sự chế tài của pháp luật (theo quy định tại Điều 121, 122, 123 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu), nếu để xảy ra các hành vi như: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở trong hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép….
 
Không những bị xử phạt vi phạm hành chính mà các cá nhân có trách nhiệm trong lựa chọn nhà thầu, nếu có hành vi vi phạm pháp luật nêu trên còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại 222 Bộ luật Hình sự 2015, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
 
Kết mở
 
Nhắc lại vấn đề trên, chúng tôi muốn nói đến ngay từ bây giờ khâu chấm thầu để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tham gia dự thầu do các đơn vị có chức năng thực hiện phải được thực hiện một cách công tâm, khách quan, minh bạch… đảm bảo theo đúng quy trình lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định bởi Điều 33 – 38 (đối với lựa chọn nhà thầu) và theo Điều 55 – 59 (đối với lựa chọn nhà đầu tư) Luật Đấu thầu 2013. Đặc biệt là phải cảnh giác trước những kẽ hở của pháp luật chưa hoàn thiện để có những điều chỉnh thật chặt chẽ.
 
Băn khoăn và lo lắng, nhưng chúng tôi có niềm tin các cơ quan quản lý và nhà thầu nội sẽ có đủ tầm và lực để vượt qua “cửa ải” đảm đương công trình lịch sử này, để lại dấu ấn cho hậu thế, chỉ cần tuân thủ đúng luật, công trình chất lượng và chi tiêu vốn đầu tư công đúng luật.
 
VŨ LÊ MINH   https://phaply.net.vn/
 

Xem thêm Tin Pháp luật